Còn trong quá trình thực hiện điều tra loạt bài "Ép người dân mua bảo hiểm", phóng viên Tuổi Trẻ nghe nhiều nhận định rằng bảo hiểm nhân thọ xấu xí có phần Bộ Tài chính nhẹ tay trong quản lý.
Nhận định đó có oan cho Bộ Tài chính - nơi quản lý nhà nước về hoạt động bảo hiểm? Còn nhớ sau loạt bài điều tra "Ép người dân mua bảo hiểm" trên Tuổi Trẻ, có khách hàng gặp phóng viên, giọng run run sợ vì đã "phản ánh vụ việc với nhà báo".
Khi phóng viên trấn an không ai đứng trên pháp luật, khách hàng này mới bình tĩnh và ấm ức cứ thế tuôn trào.
Thật lạ, bảo hiểm là tự nguyện, nhưng trong điều tra của Tuổi Trẻ, nhân viên ngân hàng - đại lý bán bảo hiểm nói chuyện với khách hàng bằng giọng trịch thượng, thậm chí nạt nộ. Mà đâu phải cá biệt. Đã nở rộ phong trào ép người vay tiền mua bảo hiểm nhân thọ.
Các công ty bảo hiểm đã "bắt tay" với ngân hàng thông qua bancassurance với hoa hồng vài ngàn tỉ đồng. Không rõ công tác quản lý tốt đến mức nào, nhưng ngoài ép phải mua bảo hiểm mới được vay tiền, rất nhiều người nghèo khó gửi tiền gửi tiết kiệm đã bị "quẹo" sang bảo hiểm nhân thọ, có nguy cơ mất trắng tiền tích lũy.
Bất kể Bộ Tài chính và công ty bảo hiểm dùng lời hoa mỹ về kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng, thực tế cho thấy nó đang làm tăng chi phí của doanh nghiệp và thêm khốn khó cho người vay tiêu dùng cá nhân.
Theo Ngân hàng Thế giới, tỉ lệ tín dụng trên GDP của Việt Nam thuộc hàng cao trên thế giới (124% năm 2021), có nghĩa người làm ăn, hay cá nhân mua xe, nhà... đều "lụy" ngân hàng. Bảo hiểm đã khai thác hoàn cảnh "lụy" này đã bắt tay với ngân hàng để bán bảo hiểm.
Vì vậy, dù cơ quan chức năng có quản thế nào, người vay cũng dễ rơi vào cảnh muốn vay được tiền phải mua bảo hiểm. Hàng ngàn tỉ đồng hoa hồng được công ty bảo hiểm trả cho ngân hàng từ đâu ra? Tất cả là từ người vay tiền.
Có bất thường khi Chính phủ thúc phải giảm lãi vay, còn ngân hàng phải giảm sâu lãi của người gửi tiền để giảm lãi vay cho nền kinh tế; ở đầu bên kia, bảo hiểm cứ rung đùi ngồi thu bảo hiểm nhân thọ, người vay cắn răng đóng phí, làm tăng chi phí vay vốn.
Ở đây không thể nói anh đóng phí bảo hiểm, tiền anh còn đó. Thực chất không ít người cắn răng mua bảo hiểm để vay được tiền, sau đó bỏ hợp đồng, chấp nhận mất phí đã đóng.
Bao nhiêu người mua bảo hiểm, nhất là qua bancassurance, hủy hợp đồng ở năm thứ 2 - gọi là K2 phản ánh chất lượng của bảo hiểm nhân thọ. Tiếc rằng, đã 30 năm kể từ khi bảo hiểm nhân thọ có mặt ở Việt Nam, K2 vẫn là con số bí mật, bất chấp công luận yêu cầu Bộ Tài chính, công ty bảo hiểm công bố tỉ lệ này. Vì sao? Chỉ Bộ Tài chính mới trả lời được.
Mới đây, khi nói về thực trạng bảo hiểm nhân thọ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nói rằng: "Thị trường cần thay đổi một cách mạnh mẽ". Thay đổi thế nào? Là giám sát, thanh tra... Các lời hứa, biện pháp này đã từng được thực hiện nhưng bảo hiểm nhân thọ vẫn cứ xấu xí.
Công bố K2, tỉ lệ "bỏ cuộc" khi mua bảo hiểm nhân thọ sẽ nói lên tất cả. Quá lạ. Rất nhiều ngành nghề trong xã hội bằng nhiều cách, bắt buộc, tự nguyện đã công bố chất lượng sản phẩm, dịch vụ để người dân chọn lựa. Còn bảo hiểm cứ ra rả "bảo hiểm là nhân văn" nhưng K2 - chất lượng bảo hiểm nhân thọ lại bí mật!
Nhiều người vay tiền ngân hàng bị ép mua bảo hiểm, nhiều người khác gửi tiết kiệm cũng bị "hô biến" thành bảo hiểm nhân thọ.