Tài khoản tiết kiệm của Apple, liên kết với Goldman Sachs, vừa ra mắt hồi tháng 4 và nhận được sự chào đón nồng nhiệt từ người tiêu dùng. Tuy nhiên, một số khách hàng đang cho biết họ gặp khó khăn trong việc rút tiền.
Nathan Thackers, sống ở bên ngoài Atlanta, tìm cách chuyển 1.700 USD từ tài khoản Apple sang JPMorgan kể từ ngày 15/5. Mỗi lần gọi cho trung tâm dịch vụ khách hàng của Goldman, anh đều được yêu cầu chờ thêm vài ngày nữa. Phải đến sáng ngày 1/6, tài khoản JPMorgan của anh mới nhận được tiền, sau khi tờ Wall Street Journal liên hệ với Goldman về trải nghiệm của Thackers cùng các khách hàng khác.
Một số khác chia sẻ họ cũng gặp khó khăn khi chuyển tiền từ tài khoản Apple đi. Họ nói rằng, các đại diện dịch vụ khách hàng ở Goldman - bên nắm giữ các khoản tiền gửi, lại đưa ra phản hồi khác nhau về việc khách hàng cần làm gì. Đôi lúc, tiền của họ dường như… biến mất, không hiển thị trong tài khoản Apple hay cả tài khoản mà họ đang muốn chuyển đến.
Goldman cho biết, ngân hàng không bình luận về từng trường hợp cụ thể nhưng trình bày thêm “chúng tôi có nhiệm vụ bảo vệ tiền gửi của khách hàng một cách rất nghiêm túc.”
Ngân hàng này cho biết trong một thông báo: “Phản ứng của khách hàng đối với tài khoản tiết kiệm mới trên Apple Card rất tuyệt vời và ngoài mong đợi của chúng tôi. Dù đại đa số khách hàng không nhận thấy sự chậm trễ trong khi chuyển tiền, nhưng ở 1 vài trường hợp, người dùng có thể gặp trục trặc do các quy trình được thiết kế nhằm bảo vệ tài khoản của họ.”
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực chống rửa tiền, đối với các tài khoản hoàn toàn mới, như tài khoản Apple, việc thực hiện các giao dịch chuyển tiền chiếm tỷ trọng lớn so với tổng số dư có thể kích hoạt cảnh báo chống rửa tiền hoặc các vấn đề bảo mật khác. Tình trạng chậm trễ này thường kéo dài 5 ngày hoặc lâu hơn.
Việc khách hàng cố gắng chuyển một số tiền lớn từ tài khoản tiết kiệm mới mở sang 1 tài khoản ban đầu chứa số tiền đó, thì cảnh báo cũng được kích hoạt.
Min-Jae Lee, 1 luật sư, tò mò muốn dùng thử tài khoản tiết kiệm của Apple và bị thu hút bởi lãi suất cao. Cô đã gửi 100.000 USD vào tháng 4, nhưng nhanh chóng thay đổi quan điểm và muốn chuyển tiền sang nơi khác. Ngày 1/5, cô quyết định rút tiền nhưng phải mất hơn 3 tuần giao dịch mới thành công.
Lee nhớ lại, Goldman nói với cô hãy liên hệ với JPMorgan - ngân hàng mà cô đang muốn chuyển tiền đến. Sau đó, cô đã gửi thử vào tài khoản Vanguard của mình và thành công, nhưng 100.000 USD đã quay trở lại tài khoản Apple trong cùng ngày.
Goldman liên hệ với Lee cho biết tiền chỉ có thể được chuyển đến tài khoản mà cô gửi ban đầu. Cô lại chuyển sang Ally vào ngày 16/5. Vài ngày sau, ngân hàng lại gọi cho cô và nói tài khoản của Lee đang được xem xét bảo mật.
Tài khoản Apple của Lee khi đó không còn tiền, nhưng tiền vẫn không có trong tài khoản Ally. Cuối cùng, số tiền cũng được chuyển đến vào ngày 25/5.
Dennis Lormel, chuyên gia từng công tác trong lĩnh vực tội phạm tài chính cho chính phủ Mỹ trong 30 năm và hiện là cố vấn ngành ngân hàng, cho biết việc 1 ngân hàng trì hoãn giao dịch để thẩm định lại là hợp lý. Tuy nhiên, thời gian trì hoãn trong những trường hợp này lại… dài bất ngờ.
Ông nói: “Việc trì hoãn từ 2-4 tuần chắc chắn là lâu. Là người thường xuyên giao dịch, tôi thấy điều này có vẻ không hợp lý.”
Điều khiến tài khoản tiết kiệm của Apple thu hút người dùng đó là lãi suất. Theo Bankrate.com, mức lãi suất mà người dùng nhận được là 4,15% trong khi mức trung bình hiện tại ở Mỹ là 0,25%.
Ngoài ra, Goldman cũng phát hành thẻ tín dụng Apple và người tiêu dùng muốn mở tài khoản tiết kiệm thì phải đăng ký thẻ tín dụng trước.
Đối với Apple, tài khoản mới là một cách để người dùng sử dụng iPhone nhiều hơn trong tương tác về tài chính hàng ngày, giữ khách hàng liên kết với hệ sinh thái của họ. Còn với Goldman, đây là cách để họ quản lý thêm tiền gửi.
Song, quá trình chuyển tiền quá lâu khiến một số khách hàng phải đưa ra quyết định bất ngờ.
Kevin Smyth ở Minnesota đã chuyển 10.000 USD từ tài khoản Apple sang U.S. Bank vào ngày 16/5. Anh cần tiền để sửa sang lại tầng hầm trong nhà. Anh cho biết, Goldman nói rằng anh cần liên hệ với U.S. Bank, còn U.S. Bank lại nói họ không thấy có giao dịch nào sắp được thực hiện.
Cuối cùng, Goldman thông báo tài khoản của Smyth đã bị xem xét về vấn đề bảo mật. Anh chán nản và gửi một dòng tweet đến Tim Cook ngày 25/5: “Ông muốn hợp tác với một ngân hàng giữ tiền tiết kiệm cả đời của họ là ‘con tin’ à?”
Sáng hôm sau, Smyth phải bán khoảng 12.000 USD cổ phiếu để rút tiền mặt. Cuối ngày, Goldman liên hệ với Smyth nói rằng anh sẽ phải chuyển 10.000 USD sang American Express - nơi số tiền ban đầu được “lưu giữ”.
Cuối cùng, Smyth quyết định rút sạch tiền trong tài khoản tiết kiệm của Apple, chuyển toàn bộ 200.000 USD trở lại Amex và giao dịch thành công ngay lập tức. Tuần này, anh dự định sẽ đóng tài khoản Apple.
Tham khảo WSJ