Ngày 2-6, nguồn tin của PLO cho biết, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Đắk Lắk đã xem xét, kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với ông Ninh Tiên Hoàng (Đảng ủy viên, Trưởng phòng Kế hoạch – Tài Chính, Sở Y tế Đắk Lắk), ông Nguyễn Trung Thành (Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Sở Y tế).
Sở Y tế Đắk Lắk. Ảnh: VŨ LONG |
Theo UBKT, ông Hoàng chịu trách nhiệm cùng tập thể Đảng ủy Sở Y tế nhiệm kỳ 2020 – 2025 về nội dung vi phạm, bị xem xét, thi hành kỷ luật; tham mưu thực hiện một số gói thầu mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm phòng, chống COVID-19 giai đoạn từ năm 2020 đến tháng 3-2022 chưa đúng quy định.
Còn ông Thành chịu trách nhiệm liên đới trong việc một số cán bộ, đảng viên thuộc Đảng bộ bộ phận Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh vi phạm pháp luật bị xử lý. Thiếu sót, khuyết điểm của ông Hoàng và ông Thành đã đến mức phải chuyển quy trình xem xét xử lý kỷ luật.
Tuy nhiên, xét nội dung, tính chất, mức độ, tác hại nguyên nhân vi phạm, UBKT Tỉnh ủy thống nhất không thực hiện quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Hoàng, ông Thành. UBKT yêu cầu hai ông này nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm, không để tái phạm.
Đối với ông Nay Phi La (Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Y tế) chịu trách nhiệm trong việc Đảng ủy Sở Y tế nhiệm kỳ 2020 - 2025 bị thi hành kỷ luật; trách nhiệm là người đứng đầu, để xảy ra một số vi phạm, thiếu sót, khuyết điểm trong thực hiện các gói thầu mua sắm tài sản, thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị, phương tiện phòng, chống dịch COVID-19 của ngành y tế và một số cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật bị xử lý.
Khuyết điểm, vi phạm của ông La gây hậu quả, tạo dư luận không tốt trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm giảm uy tín của tổ chức đảng, ngành y tế tỉnh.
UBKT đề nghị tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế.
Liên quan đến sai phạm nêu trên, hồi đầu năm 2023, UBKT kỷ luật Đảng ủy Sở Y tế Đắk Lắk bằng hình thức khiển trách.
Tháng 5-2022, VKSND tỉnh Đắk Lắk đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với Trịnh Quang Trí (51 tuổi, ngụ phường Tân Lợi, TP Buôn Ma Thuột, Giám đốc CDC Đắk Lắk) và năm đồng phạm để điều tra về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, theo quy định tại khoản 3 Điều 222 Bộ luật hình sự.
Ông Trí và hai thuộc cấp liên quan bị tạm giam.
Kết quả điều tra ban đầu xác định, từ tháng 7-2020 đến tháng 11-2021, CDC Đắk Lắk triển khai kế hoạch thực hiện xét nghiệm sàng lọc COVID-19 trên địa bàn tỉnh nên đã tạm ứng sinh phẩm, vật tư xét nghiệm và nhận được 87.497 Kit xét nghiệm.
Để thực hiện thanh toán một phần tiền vật tư, sinh phẩm đã tạm ứng, các cá nhân thuộc CDC Đắk Lắk đã hợp thức hóa hồ sơ bằng 4 gói thầu mua sắm sinh phẩm, vật tư xét nghiệm COVID-19.
Tổng giá trị thanh toán hơn 13 tỉ đồng rồi thực hiện việc thanh toán Kit xét nghiệm cho Công ty Việt Á và một số công ty khác với đơn giá cao hơn nhiều so với giá thành chi phí sản xuất thực tế của Công ty Việt Á, gây thiệt hại tài sản của Nhà nước hơn 6 tỉ đồng.
Thanh tra tỉnh Đắk Lắk cũng ban hành kết luận thanh tra việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vaccine phòng, chống dịch COVID-19 tại Sở Y tế.
Cụ thể, cơ quan Thanh tra tỉnh Đắk Lắk thanh tra 33 gói thầu, gồm tám gói thầu mua sắm kit test xét nghiệm; bảy gói thầu mua sắm vật tư tiêu hao, hóa chất, hàng hóa; 18 gói thầu mua sắm trang thiết bị. Trong đó, bảy gói đấu thầu rộng rãi, 26 gói chỉ định thầu rút gọn.
Theo thanh tra, Sở Y tế lựa chọn một số thiết bị y tế để mua sắm có số lượng vượt, hoặc không có trong đề xuất của Hội đồng khoa học với tổng số tiền hơn 11,7 tỉ đồng. Sáu gói thầu có giá trị trúng thầu gần 32 tỉ đồng, trong khi giá thực tế nhập khẩu gần 15 tỉ đồng, chênh lệch hơn 212%.
Quá trình kiểm tra tại 13 đơn vị trực thuộc Sở Y tế đã thực hiện việc thu phí test nhanh COVID-19 chưa đúng theo hướng dẫn của Bộ Y tế với tổng số tiền hơn 9,1 tỉ đồng.