Nhiều hộ dân dùng chung một giếng nước
H.Tuyên Hóa (Quảng Bình) thuộc một trong những địa phương có nhiệt độ cao nhất và thường xảy ra hạn hán trong mùa hè, cũng là địa phương luôn nan giải về nước sạch sinh hoạt. Nhiều địa phương vẫn chưa có công trình nước sạch tập trung, các hộ dân phải đào giếng dùng chung.
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên tại xã Sơn Hóa, nơi cách trung tâm của H.Tuyên Hóa chỉ 3 km vẫn chưa có nước sạch để sinh hoạt.
Anh Lê Văn Sáu (40 tuổi, xã Sơn Hóa, H.Tuyên Hóa) phải đào giếng để tìm nguồn nước dùng, tuy nhiên đây là nguồn nước chưa đảm bảo được chất lượng.
"Nhà tôi gần một khe suối nên giếng nhà vẫn có nước ngầm kịp chảy ra để cung cấp cho việc sinh hoạt. Bây giờ có nước dùng là may mắn lắm rồi. Nhiều hộ dân khác phải dùng chung một giếng, mà cái giếng đó thậm chí còn chẳng đủ cung cấp nổi cho một gia đình", anh Sáu nói.
Giếng đào của anh Sáu dù có nước nhưng chưa đảm bảo chất lượng. Anh Sáu chỉ dùng đá cuội xếp thành vòng tròn làm thành giếng, bên trên lấy 2 tấm gỗ che lại nhưng rác thải vẫn rơi vào bên trong. Anh dùng nguồn nước này làm nước uống mà không qua một hệ thống lọc nào.
Ông Lê Anh Tuấn, Phó chủ tịch UBND xã Sơn Hóa, cho biết trên địa bàn hiện có 1.162 hộ dân trong đó có 80% hộ đối diện nguy cơ thiếu nước sạch dùng trong mùa nắng nóng.
"Mặc dù cách trung tâm huyện không xa nhưng để dẫn đường nước về lại rất nan giải, do dân cư tại xã sinh sống khá thưa thớt cùng với tuyến đường từ thị trấn về xã có đường sắt đi ngang qua. Hiện tại, chúng tôi vẫn đang khuyến cáo đến người dân dùng nước tiết kiệm, đồng thời gửi báo cáo lên cấp trên để tìm phương án giải quyết", ông Tuấn nói.
Nhiều nơi lo mất mùa vụ hè - thu
Tại H.Tuyên Hóa hiện có 4 xã chưa có công trình nước sạch tập trung gồm Sơn Hóa, Lê Hóa, Ngư Hóa và Thanh Thạch. Một số xã dù có nước để dùng nhưng phục vụ tưới tiêu lại rất khan hiếm, không thể chuyển đổi cây trồng, đối diện nguy cơ bỏ hoang ruộng đồng.
Cũng tại xã Sơn Hóa, hiện xác định khoảng 40 ha diện tích đất nông nghiệp sẽ phải bỏ hoang trong vụ hè - thu khi không tìm được loại cây thích hợp để chuyển đổi. Tại các xã Mai Hóa, Phong Hóa…, người dân gieo vụ hè - thu vẫn phụ thuộc nhiều vào lượng mưa.
"Nước ở sông Gianh khu vực này vẫn bị nhiễm mặn, không thể bơm lên để tưới tiêu, vẫn phải phụ thuộc vào "nước trời". Một số nơi trồng cam, quýt, ổi phải chấp nhận việc không có nước để tưới tiêu", ông Hoàng Văn Ba, một nông dân tại xã Mai Hóa cho biết.
Ông Đinh Tiến Dũng, Phó chủ tịch UBND H.Tuyên Hóa, cho biết địa phương đã tìm biện pháp chống hạn hán và xâm nhập mặn, nhưng còn nhiều khó khăn.
"Địa bàn H.Tuyên Hóa phần lớn người dân làm nông nghiệp, tình trạng hạn hán, thiếu nước tưới tiêu ảnh hưởng đến thu nhập cũng như năng suất của bà con nông dân. Chúng tôi đã tư vấn, động viên người dân chuyển đổi cây trồng để tránh một mùa vụ trắng tay. Chúng tôi cũng hy vọng cấp trên sẽ sớm có giải pháp để giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nước phục vụ sản xuất trong mùa hạn hán tại địa bàn", ông Dũng nói.