Lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả nói toàn tuyến đường dài 3,6km được san gạt, mở rộng dựa trên tuyến đường trước đây người dân dùng để vận chuyển lâm sản và cho hay doanh nghiệp đã thuê đất rừng sản xuất của người dân, "không biết" rừng sản xuất này thuộc dự án trồng rừng KfW6 do Chính phủ Đức tài trợ.
Không phá rừng?
Theo ghi nhận của phóng viên, tuyến đường phục vụ thi công của Tập đoàn Đèo Cả bắt đầu từ chân đập Huân Phong, có đoạn xuyên qua rừng keo sản xuất và có đoạn xuyên qua rừng tự nhiên. Toàn tuyến đường rộng đủ cho xe tải di chuyển ngược chiều nhau.
Ở các khúc cua, mặt bằng được san ủi rộng hơn nhiều. Dọc theo tuyến đường, mái taluy dương ở nhiều vị trí cao hàng chục mét, phía taluy âm đất đá đổ tràn xuống cánh rừng bên dưới, nhiều cây cối bị vùi lấp.
Tập đoàn Đèo Cả giải thích ra sao khi san ủi rừng tự nhiên để mở đường?
Ngày 2-6, trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Tập đoàn Đèo Cả cho biết vẫn đang phối hợp với các cơ quan liên quan làm rõ các vấn đề liên quan tuyến đường này. Đây là đường công vụ, phục vụ thi công hầm số 2, 3 thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Theo hồ sơ thiết kế kỹ thuật được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt, để thi công hầm số 2, 3 phải mở tuyến đường công vụ dài 4,5km từ hồ Huân Phong sang cửa hầm, diện tích đất rừng bị tác động khoảng 40.000m2. Bộ Giao thông vận tải có chỉ dẫn, khi triển khai thi công nhà thầu căn cứ điều kiện thực tế được phép điều chỉnh hướng tuyến đường công vụ cho phù hợp.
Lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả cho biết đã khảo sát thực địa và nhận thấy tuyến đường vận chuyển lâm sản của người dân có thể mở rộng làm đường công vụ. "Việc tận dụng tuyến đường này không những rút ngắn chiều dài đường công vụ từ 4,5km xuống còn 3,6km mà còn giảm thiểu diện tích rừng phải giải phóng mặt bằng" - ông Nguyễn Tấn Đông, phó chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Đèo Cả, nói.
Cũng theo ông Đông, tuyến đường vận chuyển lâm sản này nằm trong phần đất rừng sản xuất được Nhà nước cấp sổ đỏ cho ông Nguyễn Văn Bon nên Đèo Cả đã ký hợp đồng thuê đất để san gạt, cải tạo khúc cua làm đường công vụ tiếp cận cửa hầm số 2, 3 đảm bảo cho việc vận chuyển thiết bị, vật liệu thi công hầm. Ông Đông khẳng định tuyến đường công vụ dựa trên đường vận chuyển lâm sản có sẵn, Tập đoàn Đèo Cả không phá rừng.
Và cũng dựa trên sổ đỏ, theo ông Đông, bản đồ địa chính là rừng sản xuất, phía Đèo Cả không biết diện tích rừng đã thuê thuộc dự án KfW6 phục hồi rừng do Chính phủ Đức tài trợ.
Không báo chính quyền địa phương
Chiều 2-6, lãnh đạo thị xã Đức Phổ cho biết phía Tập đoàn Đèo Cả chưa thông báo với chính quyền địa phương trước khi thi công tuyến đường xuyên rừng ở xã Phổ Cường. "Về nguyên tắc, nếu báo với chính quyền địa phương trước thi công sẽ biết đây là rừng thuộc dự án KfW6. Địa phương chưa nhận báo cáo, thông báo nào từ Tập đoàn Đèo Cả liên quan đến việc thay đổi đường công vụ, phục vụ thi công cao tốc", lãnh đạo thị xã Đức Phổ nói.
Ngày 30-3, Hạt Kiểm lâm thị xã Đức Phổ phát hiện tuyến đường mở xuyên rừng, trong đó có diện tích rừng tự nhiên. Theo biên bản hiện trường, Hạt Kiểm lâm thị xã Đức Phổ đã dùng máy định vị GPS xác định vị trí rừng bị phá để mở tuyến đường dài khoảng 1km tại lô 25, 26, khoảnh 8 tiểu khu 334 thuộc dự án KfW6. Diện tích rừng tự nhiên bị tàn phá hơn 7.500m2 với 69 cây gỗ san ủi, trữ lượng hơn 9,2m3.
Theo báo cáo ngày 29-5 của Hạt Kiểm lâm thị xã Đức Phổ, tại tiểu khu 334 trước đây có 9 hộ dân thôn Thanh Sơn, xã Phổ Cường tham gia dự án KfW6, đã được UBND thị xã Đức Phổ cấp sổ đỏ. Khoảng năm 2016, nhóm chủ rừng này bán toàn bộ diện tích trên cho ông Nguyễn Văn Bon ở xã Phổ Khánh, thị xã Đức Phổ và sau đó ông Bon đã cho Tập đoàn Đèo Cả thuê.
Sau khi Hạt Kiểm lâm thị xã Đức Phổ xác định tuyến đường xuyên tiểu khu 334 thuộc phạm vi dự án KfW6, ông Võ Minh Vương - phó chủ tịch UBND thị xã Đức Phổ - đã ký văn bản chỉ đạo các ngành chức năng và UBND xã Phổ Cường điều tra, xử lý nghiêm minh.
Đồng thời giao Công an thị xã chủ trì, phối hợp với hạt kiểm lâm điều tra, xác minh tổ chức, cá nhân phá rừng; xử lý hoặc đề xuất cấp thẩm quyền xử lý nghiêm, nếu cần thiết đề xuất UBND thị xã Đức Phổ thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để thực hiện nhiệm vụ.
Không chỉ vậy, Công an tỉnh, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với các đơn vị liên quan cũng đã vào cuộc, kiểm tra thực địa, làm việc với Tập đoàn Đèo Cả về tuyến đường nói trên.
Dự án trồng rừng KfW6 do Chính phủ Đức tài trợ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi làm chủ đầu tư với mục tiêu phục hồi và quản lý rừng bền vững. Dự án được triển khai ở các huyện Tư Nghĩa, Nghĩa Hành và thị xã Đức Phổ, từ năm 2006 đến 2015, với tổng diện tích 4.600ha. Chủ đầu tư đã cấp giống cây gỗ lớn như sao đen, lim... cho người dân trồng xen ghép trong rừng phòng hộ, rừng tự nhiên.
Thời gian qua, nhiều diện tích rừng KfW6 bị người dân chặt phá. UBND tỉnh Quảng Ngãi từng ra nhiều văn bản yêu cầu quản lý, bảo vệ cũng như kiểm điểm lãnh đạo các địa phương để mất rừng dự án KfW6.
Phía Tập đoàn Đèo Cả cho biết đây là tuyến đường công vụ để vận chuyển thiết bị thi công hầm 2, 3 thuộc cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.