Trước đó, kênh The EPIC Channel vào tháng 7-2015 công chiếu chùm phim truyền hình này, do đạo diễn trẻ Anurag Basu viết kịch bản và đạo diễn.
Chùm phim khám phá những kỳ vọng nơi phụ nữ và những bước lựa chọn đầy quả quyết của họ giữa xã hội Bengal xưa, trong những tình huống hóa ra đến nay vẫn còn tươi mới. Đây cũng là một trong những tác phẩm bày tỏ lòng tôn kính quy mô nhất dành cho vĩ nhân Tagore (1861 - 1941) trong thời gian qua.
Đọc lại tiểu thuyết Chokher Bali qua phim
Truyện kể Tagore của Anurag Basu sử dụng tiếng Hindi, không phải Bengal. Điều này được coi là một lựa chọn có mang tính chính trị (thậm chí bài xích bóng ma thực dân và hậu thuộc địa dai dẳng) nhất định, đồng thời khớp với tinh thần bài thực dân thấm đẫm trong truyện của Tagore.
Anurag Basu cẩn thận viết kịch bản, chỉ đạo xuyên suốt chùm tác phẩm và không quên đưa vào tác phẩm góc nhìn - hay chính tinh thần bài thực dân của chính mình. Chùm phim gồm 26 tập (mỗi tập 60 phút), mỗi tiểu thuyết được gói gọn trong 3 tập, mỗi truyện ngắn được chuyển tải thành 1 tập, nhưng có sự liền mạch nhất định giữa các tập.
Chokher Bali - ba tập đầu của chùm phim - được chuyển thể xuất sắc từ tiểu thuyết cùng tên ra mắt năm 1903 của Tagore. Khai thác chủ đề giáo dục nữ giới bị chèn ép, tệ tảo hôn, chế độ gia trưởng và số phận những người đàn bà góa, Chokher Bali thường được nhìn nhận là tiểu thuyết hiện đại dòng ý thức đầu tiên trong văn xuôi Ấn. Tác phẩm từng được chuyển thể thành phim.
Lúc sinh thời, đích thân Tagore đã xem và bày tỏ hài lòng với diễn xuất trong bản phim do đạo diễn Satu Sen thực hiện năm 1938. Bản phim do đạo diễn Rituparno Ghosh thực hiện năm 2003 được chiếu tại LHP Quốc tế Ấn Độ thứ 34, đoạt giải Phim tiếng Bengal hay nhất.
Ở Bengal, Ấn, thời kỳ thực dân Anh cuối thế kỷ 19 và 20, phụ nữ và thiếu nữ là bạn thân thường xưng hô bằng biệt danh, và Chokher Bali là cách hai cô gái trẻ Binodini và Ashlata gọi nhau. Giữa họ là tình bạn cay đắng, "cái gai trong mắt nhau" của một nàng góa trẻ - Binodini và Ashlata - người vợ thiếu niên của một thiếu gia.
Dù ra sức chiếm đoạt người chồng của bạn, người đã từng từ chối kết hôn mình, Binodini cũng có cảm tình với người em trai nuôi Behari. Nơi người phụ nữ hư cấu nhưng rất thật đầu thế kỷ này có thể nhìn thấy một góa phụ tuyệt vọng, một người bạn gái, một kẻ quyến rũ và một người phụ nữ ăn năn, hối hận.
Nhiều truyện kể cấp tiến và hấp dẫn
Tagore đã từng nói trong cuộc đời ông có ba thứ phải theo: "Thứ nhất, tôi là người Ấn Độ, tôi theo sự thật; cái gì là sự thật, là chân lý đấy là ông chủ của tôi. Thứ hai, tôi là nhà thơ thì phải yêu cái đẹp; người phụ nữ Ấn Độ, phong cảnh Ấn Độ, tâm hồn người Ấn Độ quá đẹp nên không thể không yêu. Thứ ba là cái thiện, nếu thiếu cái thiện, ta không phải là con người".
Không như hầu hết văn sĩ cùng thời mình, Tagore chưa bao giờ tránh né khắc họa chân dung phức tạp của nhân vật mà còn trao cho chúng ta nhiều truyện kể đầy cấp tiến và hấp dẫn. Phụ nữ của Tagore thông minh, vô tư, bạo dạn và thích phiêu lưu.
Truyện của ông thường tạo dựng những người phụ nữ tự tin, dồn họ vào chân tường cốt để nêu những chất vấn về uy quyền, chuẩn mực và tập quán xã hội, càng khiến họ thêm phần quyến rũ và thân thương. Phụ nữ trong Tagore - như có người từng nói - mạnh mẽ hệt như nam giới cũng có thể yếu đuối và thụ động.
Xuyên suốt và nhất là nửa đầu, chùm Truyện kể Tagore sử dụng hầu hết chất liệu từ thời kỳ Sadhana - Toàn mãn - bốn năm hoàng kim 1891 - 1895 trong cả sự nghiệp sáng tác đồ sộ của Tagore.
Trong Kabuliwala (Người Kabul, tập 7), ta có tình bạn ngọt bùi giữa Rahmat - một người Afghanishtan trung niên bán trái cây với Mini - một bé gái Bengal. 10 năm sau, khi được thả khỏi tù vì ẩu đả trên phố, Rahmat phát hiện Mini nay đã lớn và sắp sửa kết hôn. Ta thấy trong The story of a Muslim Girl (Chuyện kể cô gái đạo Hồi, tập 22) những phụ nữ Hồi giáo bị xã hội Ấn từ khước rốt cuộc cũng tìm thấy chốn tựa nương...
Nữ diễn viên Amrita Puri thủ vai chính Charutala trong Broken Nest (Vỡ Tổ, tập 9 và 10 của chùm phim) chia sẻ việc đóng nhân vật Charutala là một giấc mơ. Cũng như Binodini, Charutala ngoại tình, lạc lõng bơ vơ giữa "bầu không khí chính trị của Ấn Độ cũng nóng như khí hậu". "Các câu chuyện khai thác trong chùm phim có một vẻ quyến rũ của thế giới cũ, một cảm giác đậm thi ca như dịch chuyển chúng ta trở về thời kỳ trước", Amrita Puri nhận xét.
Cân bằng giữa đại chúng và tinh hoa
Theo tờ Deccan Herald, "Chùm phim của Anurag Basu đặc biệt quyến rũ trong cách khắc họa bối cảnh Bengal xưa kia, từ phục trang của nhân vật chính (áo tay phồng, quần chăng đăng ten và sari vấn đúng điệu Bengal) cho tới những món nội thất và nhân vật thuộc thời kỳ ấy, tất cả nhìn thấy trong từng khung hình đều hoàn hảo".
Tờ DNA khen cách đánh sáng của Basu khắc họa những sắc thái từ tương phản cho đến dịu dàng, "đạt được sự cân bằng mong manh nằm giữa đại chúng và tinh hoa".
Tờ Indian Express khen ngợi chùm phim, cho rằng tác phẩm "sở hữu một nét bình đẳng giới lạ lẫm".
TTO - Một NXB Trung Quốc vừa thu hồi bản dịch thơ Tagore sang tiếng Trung Quốc mới nhất sau khi dư luận Ấn Độ phản ứng gay gắt rằng nó thô tục và quá xa rời nguyên bản.