Trong văn bản, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh: "Chấm dứt tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, không xử lý hoặc kéo dài thời gian xử lý".
Văn bản được ban hành trong bối cảnh các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh do bị vướng các thủ tục hành chính phức tạp. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ có vậy.
Thời gian gần đây, doanh nghiệp và người dân phản ảnh còn bị làm khó khi yêu cầu dịch vụ công, do không ít cơ quan công quyền không chịu giải quyết yêu cầu vì sợ bị cho là làm sai.
Một số thủ tục hành chính mới phát sinh được cho là biện pháp "phòng thủ từ xa" của cơ quan chức năng trước nguy cơ bị đánh giá làm sai và bị quy trách nhiệm.
Căn bệnh sợ trách nhiệm, sợ làm sai, không dám làm "hoành hành" trong khu vực công đang được thăm khám để làm rõ căn nguyên.
Các giả thuyết được đưa ra. Đó có thể là do quy định pháp luật được diễn đạt mập mờ, được hiểu theo nhiều cách; người thực thi công vụ không biết chọn cách hiểu nào để xử lý công việc mà không bị cấp trên hoặc cơ quan thanh tra, kiểm tra bắt bẻ.
Đó cũng có thể do người thực thi công vụ có năng lực kém cỏi và không có đủ dũng cảm, tính quyết đoán để xử lý công việc dù quy định pháp luật rõ ràng. Tất nhiên không loại trừ khả năng quan chức không chịu làm vì muốn nhũng nhiễu.
Nếu luật pháp quy định không rõ ràng thì không thể trách người thực thi công vụ, bởi nếu người này nghĩ và làm theo một đàng rồi sau này cấp có thẩm quyền lại nói đáng lý phải làm theo một nẻo thì nguy hiểm. Trường hợp quan chức muốn gây khó dễ để vòi vĩnh thì dứt khoát phải bị xử lý theo pháp luật để răn đe.
Còn lại trường hợp người thực thi công vụ không chịu giải quyết công việc, dù hoàn toàn có đủ thẩm quyền để giải quyết một cách đúng pháp luật, do ù lì, hèn nhát, sợ phải thực hiện trách nhiệm giải trình.
Loại người này cần bị loại khỏi môi trường công vụ để hệ thống có điều kiện vận hành trơn tru. Nhưng vấn đề bật ra là loại bỏ bằng cách nào. Đã có những yêu cầu cho vấn đề nêu trên được đưa ra: Ai không dám làm thì đứng qua một bên, để người khác làm.
Diễn dịch ý tưởng bằng ngôn ngữ dân gian thì có thể hiểu là người được giao xử lý công việc mà không dám đưa ra quyết định thì hãy từ chức để công việc được giao cho người khác. Nhưng nếu người này không chịu quyết định mà cũng không từ chức thì sao?
Pháp luật công vụ hiện hành có quy định cho phép giáng cấp, cách chức, buộc thôi việc đối với người có hành vi vi phạm quy định của pháp luật như tham nhũng, cố ý làm trái. Còn đối với người không chịu ra quyết định xử lý công việc thì pháp luật hiện hành không chỉ rõ phải làm sao.
Một đại biểu Quốc hội đề xuất coi hành vi từ chối không giải quyết yêu cầu của người dân là hành vi vi phạm pháp luật. Ý tưởng này cũng hay nhưng chỉ mới là ý ban đầu.
Để hiện thực hóa ý tưởng cần trả lời một loạt câu hỏi: Vi phạm đó là vi phạm gì? Pháp luật? Nội quy công vụ?... Ai đánh giá để kết luận và xử lý? Quyền bào chữa của người bị cho là vi phạm thực hiện như thế nào?...
Tóm lại, muốn trị căn bệnh sợ làm sai do yếu, hèn của người thực thi công vụ, điều cần thiết là có một hệ thống luật pháp chặt chẽ và tường minh về quyền và trách nhiệm của cá nhân, đặc biệt là đối với cá nhân người đứng đầu.
Đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng phải tổng kết xem đã xử lý được bao nhiêu người đứng đầu liên quan cán bộ sợ sai, không dám làm và bao nhiêu người đã "đứng sang một bên" khi không làm được việc.