Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cùng nhiều vị lãnh đạo có mặt trao đổi với thiếu nhi thành phố tại buổi gặp có chủ đề "Em yêu thành phố của em".
Góp ý của thiếu nhi là cơ sở xây dựng chính sách
Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ khẳng định lãnh đạo thành phố luôn dành thời gian để gặp gỡ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng thiếu nhi, ghi nhận những vấn đề, chia sẻ, mong muốn của các em, kịp thời chỉ đạo các cấp, các ngành đưa ra giải pháp qua những hành động thiết thực.
"Các cô chú mong muốn được lắng nghe ý kiến các cháu, qua đó xây dựng các chính sách, chương trình, kế hoạch liên quan đến thiếu nhi, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, tầm nhìn và hành động cho sự nghiệp trăm năm trồng người", bà Lệ nhắn nhủ.
Cần thay đổi việc dạy lịch sử, chương trình mới nặng nề
Trước đó, Thành Đoàn, Hội đồng Đội TP.HCM đã ghi nhận, tổng hợp 76 ý kiến đóng góp từ đội viên, thiếu nhi thông qua kỳ họp lần thứ 11 Hội đồng Trẻ em thành phố mở rộng.
Nội dung xoay quanh các nhóm vấn đề về giáo dục, lịch sử - văn hóa, y tế, môi trường, phát triển năng khiếu, khoa học sáng tạo và rèn luyện kỹ năng.
Khảo sát ý kiến gần 10.000 đội viên, thiếu nhi về vấn đề các bạn quan tâm cho kết quả nhiều nội dung liên quan đến học tập, đời sống văn hóa tinh thần, các vấn đề xã hội, việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và các ý kiến đề xuất.
Theo bạn Hương Giang (Trường THCS Quang Trung, quận Tân Bình), lượng kiến thức trong chương trình sách giáo khoa mới đã bao quát, cụ thể và đa dạng hơn. Tuy nhiên, hệ thống cơ sở vật chất chưa được trang bị đồng bộ để theo kịp mục tiêu chuyển đổi số ngành giáo dục.
"Như máy trình chiếu tương tác hay tivi chưa nhiều ở một số trường học nên số tiết học ở các phòng học thông minh vẫn còn rất ít", Hương Giang nói.
Theo Thục Uyên (quận Gò Vấp), sự đa dạng nội dung, lượng kiến thức ở chương trình sách giáo khoa đổi mới phần nào gây áp lực khá nặng với học sinh.
Liên quan lĩnh vực văn hóa - lịch sử, bạn Anh Thư (quận Gò Vấp) cho rằng TP.HCM đã xây dựng nhiều bảo tàng, trùng tu nhiều di tích lịch sử, địa chỉ đỏ. Cùng với đó nhiều câu lạc bộ, đội nhóm liên quan đến giáo dục, lịch sử ra đời, hoạt động hiệu quả.
Tự nhận yêu thích lịch sử nhưng Thư nói việc dạy sử chưa đưa cảm xúc học sinh đến từng sự việc cao trào của lịch sử.
"Mới dừng lại việc giảng bài theo lối mòn, rập khuôn khiến việc tiếp nhận lịch sử của học sinh khó khăn, dễ nhàm chán", Thư bày tỏ.
Những gửi gắm đầy trách nhiệm
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên bày tỏ sự phấn khởi khi có mặt tại buổi gặp. Ông nói bản thân càng xúc động khi lắng nghe những tâm tư, suy nghĩ đầy trách nhiệm của tuổi nhỏ thành phố.
Ông Võ Văn Hoan - phó chủ tịch UBND TP.HCM - nhận xét các ý kiến, đóng góp của thiếu nhi thành phố đều có tầm nhìn dài hơi, đi thẳng vào các vấn đề góc cạnh của cuộc sống.
Ông Hoan nói buổi gặp đã ghi nhận khối lượng ý kiến "khổng lồ" mà chưa chắc các cuộc họp của UBND thành phố đã có, với 51 lượt học sinh đặt câu hỏi, nêu vấn đề.
"Các bạn thiếu nhi nói ít nhưng rất nhiều nội dung, hết sức tâm huyết, có trách nhiệm và tầm nhìn", ông Hoan nhận xét.
Cần trồng nhiều cây xanh, tăng điểm tiếp nhận rác tái chế
Bạn Nguyễn Ngọc Diễm (huyện Củ Chi) nói vẫn còn nhiều bạn vì gia đình không có điều kiện nên không thể đến trường. Diễm mong cầu lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo xem xét, hỗ trợ cho các gia đình khó khăn để các bạn nhỏ có điều kiện học hành.
Nhiều ý kiến đóng góp, phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường, cảnh quan thành phố được nêu lên tại buổi gặp, kèm theo các gợi mở từ góc nhìn của trẻ em với lãnh đạo thành phố.
Theo bạn Khánh Vân (quận 1), thành phố có nhiều chương trình trồng cây gây rừng. Đặc biệt, đầu tư đổi mới các phương tiện giao thông công cộng cũ đã xuống cấp.
Trong khi đó, bạn Lê Nguyễn Vân Anh (quận 10) mong TP.HCM xây dựng những tụ điểm, máy chuyên tiếp nhận và hỗ trợ tái chế chai, lon nước, giấy báo...
Hôm nay (3-6) sẽ diễn ra chương trình "Lãnh đạo TP.HCM gặp gỡ, lắng nghe thiếu nhi". Thành Đoàn và Hội đồng Đội TP cho biết đã khảo sát ý kiến 10.000 trẻ để chuẩn bị cho cuộc gặp này.