Ngày 3-6, Hội nghị giáo dục y học sinh viên toàn quốc năm 2023 lần đầu tiên được Trường đại học Y Dược TP.HCM tổ chức thu hút 400 đại biểu, sinh viên đến từ 20 trường y cả nước.
Sinh viên y khoa ở Nhật rất ít phải thi
Chia sẻ tại hội nghị, Trần Huệ Anh - sinh viên y 6 Trường Y tế phúc lợi - xã hội (Nhật) - cho hay sinh viên y khoa ở Nhật học các môn tiền lâm sàng theo module từng hệ cơ quan, trong 4 năm đầu.
Trước khi đi lâm sàng, sinh viên phải trải qua kỳ thi đánh giá năng lực (thi trên máy tính với 300 câu trắc nghiệm, làm bài trong thời gian 6 tiếng). Sau đó, sinh viên tiếp tục thi kỹ năng khám lâm sàng. Nếu đậu hai kỳ thi đó sinh viên mới được đi lâm sàng.
"Trong quá trình học lâm sàng, sinh viên Việt Nam phải trải qua hàng chục kỳ kiểm tra, thi rất căng thẳng. Trong khi ở Nhật, sinh viên không phải thi gì. Quá trình học, sinh viên được phân bệnh nhân để theo dõi. Sau mỗi hai tuần sinh viên sẽ trình bày báo cáo để giảng viên đánh giá, chứ không phải thi hay chấm điểm.
Cuối năm thứ 5, sinh viên phải trải qua kỳ thi đánh giá kiến thức các môn theo hình thức trắc nghiệm để xét lên năm 6. Do ít phải thi nên sinh viên y khoa ở Nhật ít bị áp lực thi cử, có thêm thời gian tự học nhiều hơn", Huệ Anh chia sẻ.
"Thầy cô không muốn bắt sinh viên thi nhiều"
Hoàng Văn Huy - sinh viên năm 2 Trường đại học Y Dược Buôn Ma Thuột - băn khoăn chương trình đào tạo y khoa ở Nhật có rất ít kỳ thi. Còn ở Việt Nam, chương trình đào tạo lĩnh vực y khoa có rất nhiều bài thi.
Trong 6 năm học sinh viên y khoa phải làm hàng trăm bài kiểm tra, thi các môn học. "Liệu chương trình đào tạo của Việt Nam có thể áp dụng như của Nhật với rất ít kỳ thi, được không?", Huy đặt vấn đề.
Câu hỏi của Huy nêu ra có lẽ đã nói lên "nỗi lòng của sinh viên y khoa" nên bên dưới hội trường tiếng vỗ tay rần rần hưởng ứng.
Trao đổi với sinh viên về việc này, PGS.TS Vũ Minh Phúc, nguyên phó trưởng khoa y Trường đại học Y Dược TP.HCM, cho rằng thật ra thầy cô không ai muốn bắt sinh viên phải thi nhiều.
Trong việc kiểm tra, đánh giá người học, ở các nước phát triển thường đặt nặng lượng giá quá trình. Có nghĩa là trong quá trình học, sinh viên sẽ được lượng giá từng giai đoạn và việc này không tính điểm. Việc lượng giá chỉ nhằm mục tiêu nhằm giúp sinh viên nhận ra những điểm chưa tốt để khắc phục.
Bên cạnh đó còn có kỳ thi kết thúc khóa học, việc đánh giá cũng đơn giản là đậu hoặc rớt, không chấm điểm. Các trường ở Mỹ, Anh thường áp dụng cách đánh giá như vậy, yêu cầu chủ yếu miễn sao sinh viên đạt được năng lực đầu ra.
"Ở Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn quy định các trường phải chấm điểm các môn học, điểm quá trình và điểm kết thúc. Như vậy việc này phải tuân thủ theo quy định chung của quốc gia. Lãnh đạo các trường bắt buộc phải tuân thủ theo quy chế của bộ", bà Phúc nói.
"Sinh viên y khoa nếu chỉ thi cuối kỳ sẽ không ổn"
Trong khi đó, GS.TS Trần Diệp Tuấn, chủ tịch hội đồng trường Đại học Y Dược TP.HCM, đưa ra câu hỏi với sinh viên: "Nếu không thi, các em có học không?".
Thay vì đưa tay trả lời câu hỏi này, cả hội trường lại cười ồ lên…
"Chính sách của cơ quan quản lý đưa ra sẽ quyết định hành vi của mọi người. Nếu không thi mà các em học vẫn học tốt thì quá tốt. Nhưng nếu không thi mà sinh viên lơ là việc học sẽ rất nguy hiểm. Đặc biệt, học y là cả một quá trình, phải tích lũy kiến thức từng giai đoạn. Nếu để cuối kỳ thi một lần có lẽ không ổn. Có thể nhiều em vượt qua kỳ thi nhưng sau đó không biết gì hết", ông Tuấn nhận định.
GS.TS Tạ Văn Thành, chủ tịch hội đồng trường Đại học Y Hà Nội, cũng cho rằng việc lượng giá, cho điểm sinh viên hiện vẫn hết sức cần thiết. Vì bất cứ chính sách nào đưa ra phải phụ thuộc vào văn hóa, trình độ phát triển của xã hội đó.
"Ai cũng biết Nhật, Mỹ có hệ thống giáo dục rất tuyệt vời nhưng nếu copy nguyên để áp dụng cho Việt Nam có lẽ sẽ hỏng. Do vậy, các em vẫn phải cố gắng học tốt để thi tốt", ông Thành khuyên.
Sáng 8-5, Trường đại học Y Dược TP.HCM công bố đề án tuyển sinh đại học hệ chính quy 2023 với nhiều thay đổi trong xét tuyển so với năm ngoái.