Ngày 3-6, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5-2023, kết nối trực tuyến tới các tỉnh, TP.
Cần nhiều hỗ trợ doanh nghiệp
Trên nền tảng các kết quả đạt được gồm: ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; giảm nợ công, nợ Chính phủ, bội chi, Thủ tướng nhận định thời gian tới khó khăn nhiều hơn, nên cần phải ưu tiên cho tăng trưởng vì kiểm soát được lạm phát. Tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, chắc chắn, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, mở rộng sản xuất cho dịch vụ, nông nghiệp.
Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng của Thủ tướng có cơ sở khi lãnh đạo các địa phương đã thông báo nhiều số liệu tích cực.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho hay doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng, sản xuất công nghiệp xây dựng của địa phương này đã "thoát âm"... Đây là những yếu tố giúp kinh tế TP vượt lên trong quý 2. Dự kiến, tốc độ tăng trưởng GRDP quý 2 tăng 5,87% so với cùng kỳ.
Cùng với việc Chính phủ tháo gỡ các vướng mắc cho thị trường bất động sản, TP sẽ chủ động phân loại, rà soát các nhóm dự án, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu giải ngân 35% vốn đầu tư công trong quý 2, khởi công đường vành đai 3 trong tháng 6...
Tuy vậy, ông Mãi nhìn nhận doanh nghiệp còn nhiều khó khăn về thị trường, đơn hàng, thủ tục phòng cháy chữa cháy. Các thị trường bất động sản, trái phiếu phục hồi nhưng chưa mạnh... Vì vậy, cần củng cố, nuôi dưỡng và quản lý nguồn thu để thu đúng, thu đủ, thu kịp thời.
Dù là tỉnh giải ngân đầu tư công đạt mức cao trong nhóm đầu cả nước với 34%, cơ bản giải phóng xong mặt bằng cho cầu Rạch Miễu, khởi động tuyến đường ven biển... song Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam kiến nghị có cơ chế đặc thù cho mỏ cát Ba Lai (khoảng 15 triệu tấn) để vừa cung cấp cho các dự án hạ tầng trong tỉnh và cả đường vành đai 3, 4 TP.HCM, vừa khôi phục và nâng cấp sông Ba Lai - dự án lớn nhằm xây dựng hồ chứa nước ngọt Ba Lai.
Trả lời ngay kiến nghị này, Thủ tướng giao Phó thủ tướng Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo, tỉnh phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xử lý vấn đề quy hoạch mỏ cát này trong vòng 15 ngày.
Tập trung ba động lực chính
Thêm nữa, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu tháng 5 tiếp tục có chuyển biến so với tháng 4 và quý 1. Tín hiệu cho thấy tăng trưởng kinh tế có thể tích cực hơn trong quý 2 nhờ các yếu tố thuận lợi để tạo đà tăng trưởng cả năm và năm sau.
Thực tế, các tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá cao về triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Trong hai năm 2023 - 2024, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo Việt Nam tăng trưởng ở mức 6,5% và 6,6%; Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo mức tăng là 6,3% và 6,5%; Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng 5,8% và 6,9%.
Tiếp tục nhấn mạnh quan điểm ưu tiên giữ tăng trưởng, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu cần đẩy mạnh ba động lực chính. Bao gồm: giải pháp tiêu dùng gắn với tiêu thụ hàng hóa trong nước, tăng tổng cầu, tổng cung, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí; khuyến mại, hỗ trợ người lao động...
Giải pháp về đầu tư trên cơ sở tăng cường giải ngân vốn đầu tư công nhanh, kịp thời và hiệu quả. Thúc đẩy đầu tư tư nhân, giải quyết khó khăn về vốn, phí, lệ phí, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Giải pháp về xuất khẩu trên cơ sở tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, khai thác hiệu quả các FTA, tăng năng suất lao động, giảm chi phí logistics. Cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, giáo dục tinh thần trách nhiệm của cán bộ công chức, chấm dứt tình trạng đùn đẩy trách nhiệm.
Thủ tướng giao các bộ ngành liên quan tiếp tục giảm chi phí lãi suất cho vay; tăng khả năng tiếp cận vốn vào lĩnh vực ưu tiên. Đẩy nhanh chính sách hoàn thuế VAT, chuẩn bị chính sách bổ sung miễn, giảm thuế, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, quy định về phòng cháy chữa cháy, triển khai hiệu quả đề án 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội. Đẩy nhanh dự án giao thông trọng điểm, đặc biệt lưu ý thúc đẩy dự án sân bay Long Thành.
Tăng tiêu thụ rau quả nội địa
Đối với hoạt động xuất nhập khẩu đặc biệt khu vực biên giới, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu cho biết mỗi ngày tỉnh thông quan 1.000 - 1.200 container hàng hóa. Dù có hiệu suất thông quan cao hơn nhưng tình trạng ùn ứ nông sản vẫn diễn ra do lượng hàng hóa rất lớn tập trung trong thời gian ngắn, trong đó hoa quả mùa vụ chiếm tới 85%.
Vì vậy, ông đề nghị các biện pháp đồng bộ như các địa phương, doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ hoa quả trong nội địa; các doanh nghiệp cân nhắc, lựa chọn cửa khẩu phù hợp, tránh dồn về một địa điểm.
Để tháo gỡ vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên thông tin là ngày 4-6, hai bộ (Công Thương, NN&PTNT) sẽ làm việc với phía Trung Quốc về các giải pháp thúc đẩy giao thương giữa hai nước, trong đó có việc quyết liệt tháo gỡ nông sản ùn ứ tại cửa khẩu.
Tăng trưởng GRDP và doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng, sản xuất công nghiệp xây dựng thoát âm... là những yếu tố giúp kinh tế TP vượt lên trong quý 2.