Khoảng 1.000MW nguồn điện miền Bắc được khôi phục vận hành
Theo thông tin từ Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, đến hôm nay 10-6 công suất nguồn điện miền Bắc sẽ có phần cải thiện và đưa vào vận hành trở lại tổng cộng khoảng 1.000 MW.
Nguyên nhân do vừa qua một số tổ máy nhiệt điện bị sự cố (Quảng Ninh, Nghi Sơn 1, Thái Bình 2) đã được khẩn trương xử lý khắc phục.
Ngoài ra, trong vài ngày qua một số khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ có mưa nhỏ nên một số hồ thủy điện nhỏ có thêm nước để cải thiện phát điện.
Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết vẫn liên tục đôn đốc, tìm mọi giải pháp để tăng cường vận hành các nguồn nhiệt điện nhằm ứng phó với tình trạng các hồ thủy điện lớn thiếu hụt nước.
Bán giống cây không bảo đảm truy xuất nguồn gốc bị phạt tới 10 triệu đồng
Chính phủ vừa ban hành nghị định 31/2023 quy định xử phạt vi phạm hành chính về trồng trọt.
Theo đó, với hành vi vi phạm quy định về buôn bán giống cây trồng, nghị định quy định phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng hành vi buôn bán giống cây trồng nhưng không thông báo cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin về địa chỉ giao dịch, tên tổ chức, cá nhân hoặc người đại diện hợp pháp, điện thoại liên hệ.
Với hành vi buôn bán giống cây trồng (trừ giống cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm) không có hồ sơ bảo đảm truy xuất nguồn gốc lô giống cây trồng, hồ sơ chất lượng lô giống cây trồng theo quy định bị phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng.
- Tham khảo thêm
Về kiểm định ruộng giống, nghị định quy định phạt tiền từ 5 - 7 triệu đồng với hành vi kiểm định ruộng giống không theo tiêu chuẩn quốc gia về phương pháp kiểm định ruộng giống.
Phạt tiền từ 7 - 10 triệu đồng đối với hành vi thực hiện kiểm định ruộng giống nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận tập huấn nghiệp vụ kiểm định ruộng giống.
Phạt tiền từ 15 - 20 triệu đồng đối với hành vi sản xuất giống nhưng không thực hiện kiểm định ruộng giống theo quy định.
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 5 tháng 2023 đạt 4,7 tỉ USD
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, 5 tháng đầu 2023 kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 4,7 tỉ USD, giảm gần 30% so với cùng kỳ năm 2022.
Đặc biệt, sản phẩm gỗ chế biến sâu, thuộc mã HS 94, giảm tới 38%. Hiện nay, chỉ còn một số mặt hàng thuộc nhóm HS 44 còn tăng trưởng dương.
4 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng ván sợi sang thị trường Ấn Độ đạt 21,19 triệu USD, tăng 3 lần so với cùng kỳ năm 2022 (7,6 triệu USD).
Ván sợi hiện chiếm 47% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Ấn Độ.
Với mặt hàng ván bóc, xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm đạt 69,4 triệu USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2022.
Dù giá xuất khẩu dăm gỗ giảm rất mạnh so với cuối năm 2022, song kim ngạch xuất khẩu dăm gỗ trong 4 tháng năm 2023 đạt trên 4,1 triệu tấn, với trị giá 704,4 triệu USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2022.
Lao động chưa qua đào tạo chiếm tỉ lệ thôi việc, mất việc nhiều nhất
Báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tính đến tháng 5-2023 cho thấy, số lao động trong doanh nghiệp bị ảnh hưởng việc làm là trên 509.900 người (khoảng 3,4% tổng số lao động).
Cụ thể, lao động thôi việc, mất việc làm trên 279.400 người (chiếm 54,79% lao động bị ảnh hưởng). Trong đó lao động ngành dệt may gần 68.800 người, da giày trên 31.650 người, sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử là trên 45.000 người.
Số lao động thôi việc, mất việc tập trung ở các tỉnh có khu công nghiệp, khu kinh tế lớn như Bình Dương (71.590 người), Đồng Nai (32.450 người), TP.HCM (44.890 người), Bắc Giang (27.500 người), Bắc Ninh (13.990 người), Hải Dương (16.020 người), Hà Nội (46.860 người).
Số lao động giảm giờ làm trên 195.000 người (chiếm 38,25% lao động bị ảnh hưởng); trong đó lao động ngành dệt may trên 66.640 người, ngành da giày là trên 66.130 người, ngành sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử là gần 24.850 người, ngành chế biến thủy, hải sản gần 5.940 người, ngành chế biến gỗ và sản xuất các sản phẩm từ gỗ là 5.450 người.
Số lao động bị ngừng việc, nghỉ việc không lương là 17.000 người (chiếm 3,33% lao động bị ảnh hưởng); trong đó lao động ngành dệt may gần 4.940 người, ngành sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử trên 2.240 người, ngành chế biến thủy, hải sản là 3.138 người, ngành chế biến gỗ và sản xuất các sản phẩm từ gỗ trên 2.230 người.
Số lao động tạm hoãn hợp đồng lao động trên 8.340 người (chiếm 1,64% lao động bị ảnh hưởng), trong đó nhiều nhất là lao động ngành dệt may gần 3.830 người. Số lao động chưa qua đào tạo (chưa có bằng cấp, chứng chỉ) thôi việc, mất việc nhiều nhất với tỉ lệ 68%.
Tỉ lệ lao động là thợ may, thợ lắp ráp thôi việc, mất việc cao nhất (28% lao động là thợ may, 8% lao động là thợ lắp ráp). Số lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất thôi việc, mất việc nhiều nhất (49% số lao động nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp là từ các khu công nghiệp, khu chế xuất).
Một số tin tức đáng chú ý: Sản lượng vải thiều tăng mạnh, siêu thị tăng tiêu thụ; TP.HCM làm việc với JICA Nhật Bản để chống sụt lún; Triển lãm quốc tế các thiết bị biểu diễn chuyên nghiệp...