vĐồng tin tức tài chính 365

Đối thoại Shangri-La 2023: Hợp tác vì hòa bình, an ninh khu vực

2023-06-05 05:56

Tham dự Đối thoại Shangri-La 2023, diễn ra tại Singapore từ ngày 2 đến 4-6, các lãnh đạo quốc phòng đến từ nhiều nước trong khu vực và trên thế giới đều có chung quan điểm rằng “hợp tác, duy trì đối thoại và thượng tôn pháp luật” là chìa khóa then chốt để đảm bảo hòa bình và an ninh khu vực.

Đề cao pháp quyền, ưu tiên đối thoại

Tại phiên đối thoại về Xây dựng một châu Á - Thái Bình Dương (TBD) cân bằng và ổn định, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Carlito Galvez Jr chia sẻ rằng khu vực châu Á - TBD đã tương đối hòa bình và ổn định kể từ khi trật tự thế giới lưỡng cực hồi Chiến tranh lạnh kết thúc.

Tuy nhiên, ông Galvez Jr nhấn mạnh sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng trong khu vực hiện nay lại vô tình khiến mầm mống bất ổn gia tăng khi xuất hiện các trung tâm quyền lực mới, dẫn tới một kỷ nguyên tranh giành ảnh hưởng và lợi ích.

Các vấn đề ở Biển Đông và biển Hoa Đông, căng thẳng ở eo biển Đài Loan, bán đảo Triều Tiên, giao tranh ở biên giới Trung - Ấn... đã cho thấy những tai họa địa chính trị vẫn hoàn toàn có thể xảy ra ở hiện tại.

Các bên tham dự đối thoại đều có chung mục tiêu là xây dựng cơ chế an ninh hiệu quả và những thứ họ trao đổi thường xuyên tại hội nghị là: Cam kết gia tăng sự hiện diện của Mỹ, Canada, các nước châu Âu; đề cao quan hệ đối tác; tầm quan trọng của ngoại giao và liên lạc.

Theo ông Galvez Jr, để ngăn chặn sự sụp đổ của nền hòa bình và ổn định lâu dài ở châu Á - TBD trong bối cảnh môi trường an ninh ngày càng biến động, tôn trọng luật pháp quốc tế và tiếp tục theo đuổi đối thoại và chủ nghĩa đa phương là hai chìa khóa quan trọng.

“Philippines luôn tin rằng luật pháp quốc tế là công cụ cân bằng lớn nhất giữa các quốc gia. Chính niềm tin này đã khiến chúng ta tự tin vận dụng cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) và Tòa án Quốc tế” - ông Galvez Jr nói.

Về việc theo đuổi đối thoại và chủ nghĩa đa phương, Bộ trưởng Galvez Jr thừa nhận thúc đẩy ý chí chính trị và sự tin tưởng lẫn nhau để ngồi xuống đối thoại mang tính xây dựng, đạt được thỏa thuận tuân thủ hệ thống chuẩn mực và giá trị chung không phải là một việc dễ dàng.

“Tuy nhiên, tôi dám khẳng định rằng hệ thống đa phương, ngay cả khi đối mặt với căng thẳng địa chính trị gia tăng vẫn là phương tiện bao trùm duy nhất để quản lý sự phụ thuộc lẫn nhau theo cách giúp tăng cường lợi ích quốc gia và quốc tế” - ông Galvez Jr nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cũng kêu gọi tăng cường đối thoại. Ông Austin cho rằng việc sẵn sàng đối thoại là hành động của “các nhà lãnh đạo quốc phòng có trách nhiệm”.

“Thời điểm thích hợp để đối thoại là ngay bây giờ. Đối thoại không phải là một phần thưởng mà là điều cần thiết”, theo ông Austin.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Anh Ben Wallace cũng nhấn mạnh rằng có thể giữ cho khu vực cân bằng và ổn định bằng cách duy trì các quy tắc quốc tế và thúc đẩy các tiêu chuẩn chung.

Theo ông, việc các nước tuân thủ luật pháp quốc tế sẽ giúp ngăn cạnh tranh leo thang thành xung đột và các tranh chấp cũng sẽ được giải quyết công bằng, không thiên vị. Ngoài ra, theo ông, ủng hộ thương mại tự do, thúc đẩy các nguyên tắc và giá trị chung cũng đảm bảo cân bằng và ổn định khu vực.

Đối thoại Shangri-La 2023: Hợp tác vì hòa bình, an ninh khu vực ảnh 1

Đại biểu thảo luận tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 20 ngày 2-6. Ảnh: IISS

Duy trì an ninh hàng hải

Tại Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Hamada Yasukazu lo ngại về những động thái đơn phương thay đổi hiện trạng trong khu vực AĐD - TBD, đặc biệt là trên biển. Ông nhấn mạnh để giải quyết quan ngại này, các nước cần cùng đối phó với các động thái đó, đồng thời tăng cường trao đổi thông tin để tránh hiểu lầm và tính toán sai lầm, đồng thời thúc đẩy xây dựng lòng tin thông qua đối thoại.

Ở khu vực AĐD - TBD, đặc biệt là trong lĩnh vực hàng hải, trật tự quốc tế hiện tại dựa trên nguyên tắc thượng tôn pháp luật đang phải đối mặt với nhiều thách thức khác nhau. Tình trạng này làm dấy lên sự ngờ vực và lo ngại rằng những thay đổi đơn phương đối với hiện trạng bằng vũ lực hoặc cưỡng ép có thể sắp xảy ra.

Theo đó, ông Yasukazu cho biết Tokyo đặt mục tiêu tăng cường hợp tác, cộng tác với các quốc gia đồng minh và có cùng chí hướng nhằm tăng cường mối quan hệ đoàn kết toàn cầu; mở rộng hợp tác và trao đổi song phương trong nhiều lĩnh vực.

Để thúc đẩy an ninh hàng hải, một trụ cột trong “Chiến lược AĐD - TBD tự do và cởi mở” (FOIP) của Nhật, Tokyo tiếp tục nỗ lực hỗ trợ xây dựng năng lực, chuyển giao thiết bị và công nghệ quốc phòng với các nước đối tác”.

Về an ninh hàng hải, ông Pio Tikoduadua, Bộ trưởng Nội vụ và Nhập cư Fiji, cho biết Fiji và các nước TBD sẽ không chọn phe. Ông cảnh báo sự cạnh tranh gay gắt trong khu vực và cuộc chạy đua giành vị trí lãnh đạo toàn cầu có thể đe dọa an ninh và ổn định hàng hải tập thể của toàn khu vực. Ngoài ra, ông Tikoduadua còn chia sẻ quan ngại chung của các đảo quốc TBD về sự phân nhánh của các mối đe dọa hàng hải, gồm biến đổi khí hậu, đánh bắt cá bất hợp pháp, tội phạm xuyên quốc gia...

Ở diễn biến khác, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto kêu gọi các nước trên thế giới cùng hợp tác ở các lĩnh vực khác nhau chứ không chỉ ở mảng an ninh, chẳng hạn như phòng ngừa dịch bệnh, khủng hoảng năng lượng, nước, an ninh lương thực...

Đề cập đến khủng hoảng Nga - Ukraine, ông kêu gọi các bên giảm thang xung đột và đàm phán hòa bình.

“Những gì xảy ra ở Ukraine ảnh hưởng đến sinh kế của tất cả các nước trên thế giới. Giá năng lượng tăng, giá thực phẩm tăng và nhiều nước đang phải gánh chịu tác động tiêu cực” - ông Prabowo Subianto nói.•

Mỹ, Trung Quốc đề cao đối thoại dù liên tục đấu khẩu

Tại Đối thoại Shangri-La năm nay, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và người đồng cấp Trung Quốc Lý Thượng Phúc đã có những phát biểu nhắm vào nhau xung quanh các vấn đề an ninh khu vực.

Phát biểu tại hội nghị ngày 4-6, ông Lý cho biết quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington trong vài năm qua đã xuống mức “thấp kỷ lục” kể từ năm 1979, khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.

“Không thể phủ nhận rằng một cuộc xung đột hoặc đối đầu nghiêm trọng giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ là một thảm họa không thể chịu đựng được đối với thế giới. Bắc Kinh tin rằng một cường quốc nên hành xử như một cường quốc, thay vì kích động đối đầu trong khối vì lợi ích cá nhân” - ông nói.

Theo tờ South China Morning Post, dường như ám chỉ Mỹ, ông Lý cáo buộc một số quốc gia thích áp đặt các quy tắc của mình lên các quốc gia khác trong “trật tự quốc tế dựa trên quy tắc” của họ. “Cái gọi là trật tự quốc tế dựa trên luật lệ của nó không bao giờ cho bạn biết luật lệ là gì, ai đã đặt ra những luật lệ này. Chúng tôi tin rằng chìa khóa để các quốc gia chung sống hòa thuận là tôn trọng lẫn nhau và đối xử bình đẳng với nhau”, theo ông Lý.

Trước đó tại đối thoại, ông Austin tuyên bố:“Chúng tôi không tìm kiếm xung đột hay đối đầu nhưng chúng tôi sẽ không nao núng trước sự bắt nạt hoặc ép buộc”. Ông Austin nhấn mạnh Washington quyết tâm duy trì hòa bình, ổn định trên eo biển Đài Loan và phản đối bất kỳ nỗ lực thay đổi đơn phương nào từ cả hai phía.

Lầu Năm Góc cho biết phía Trung Quốc đã từ chối yêu cầu của Mỹ về một cuộc gặp giữa bộ trưởng Quốc phòng hai nước tại Singapore. Tuy có cáo buộc lẫn nhau, song hai quan chức quốc phòng cấp cao Mỹ - Trung đều tuyên bố đề cao vai trò của đối thoại.

DƯƠNG KHANG

Xem thêm: lmth.493637tsop-cuv-uhk-hnin-na-hnib-aoh-iv-cat-poh-3202-al-irgnahs-iaoht-iod/nv.olp

“Đối thoại Shangri-La 2023: Hợp tác vì hòa bình, an ninh khu vực”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools