Ủy ban Pháp luật đã có báo cáo thẩm tra đối với tờ trình về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Theo chương trình kỳ họp thứ 5, hôm nay (5-6) dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ được trình và sau đó Quốc hội thảo luận tại tổ.
Dự thảo luật nêu ra vấn đề được người dân quan tâm là việc cải tạo, xây dựng nhà chung cư cũ, do đây là vướng mắc lớn.
Trong các đề xuất được nêu liên quan về quyền sở hữu nhà chung cư, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự án luật trình lần này đã bỏ phương án về thời hạn sở hữu nhà chung cư.
Tuy vậy, cơ quan thẩm tra cho rằng các nội dung bổ sung trong dự thảo luật chưa đáp ứng yêu cầu mà Ủy ban Thường vụ nêu ra. Đơn cử như thẩm quyền, trình tự, thủ tục di dời cư dân, phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư không còn an toàn, nên cần tháo gỡ các điểm nghẽn.
Tháo gỡ điểm nghẽn về cải tạo, xây dựng nhà chung cư cũ
Cụ thể, trong trường hợp không di dời được người dân ra khỏi các nhà chung cư cũ nguy hiểm, có nguy cơ sập đổ sẽ thực hiện cưỡng chế. Tuy nhiên, dự thảo chưa quy định cụ thể thẩm quyền, trình tự, thủ tục di dời, biện pháp cưỡng chế, nên khó khăn trong triển khai.
"Nếu chung cư cũ, hư hỏng, có nguy cơ sập đổ mà chưa di dời được người dân, hậu quả xảy ra ai sẽ chịu trách nhiệm? Đề nghị Chính phủ có quy định cụ thể, giải pháp quyết liệt hơn, có biện pháp cưỡng chế cần thiết, phù hợp để khắc phục tình trạng này" - cơ quan thẩm tra nêu.
Trường hợp không lựa chọn được chủ đầu tư khi người dân tự góp kinh phí để xây chung cư cũ, Ủy ban Pháp luật đồng tình với đề xuất của Chính phủ là chủ sở hữu nhà chung cư được lựa chọn nhà đầu tư; trường hợp không lựa chọn được thì cơ quan cấp tỉnh sẽ tổ chức đấu thầu.
Trong trường hợp phương án bồi thường, tái định cư kéo dài dẫn tới không lựa chọn được nhà đầu tư, dự luật quy định doanh nghiệp tham gia đăng ký làm chủ đầu tư dự án lập phương án bồi thường tái định cư để các chủ sở hữu nhà chung cư quyết định lựa chọn.
Đồng tình với quy định này, song cơ quan thẩm tra lo ngại việc này sẽ vướng mắc do khó có thể đạt đồng thuận 100%.
Vì vậy, cần quy định tỉ lệ biểu quyết lựa chọn phương án bồi thường, tái định cư; trường hợp sau một thời hạn nhất định không thống nhất được phương án sẽ do UBND tỉnh quyết định.
Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị dự luật cần làm rõ với trường hợp UBND cấp tỉnh đầu tư vốn để phá dỡ, xây dựng lại nhà chung cư thì quyền sở hữu các nhà chung cư sau khi xây dựng lại được xác định như thế nào?
Theo đó, các chủ sở hữu nhà chung cư cần có trách nhiệm, chia sẻ gánh nặng tài chính với Nhà nước. Đặc biệt là nhà chung cư thuộc sở hữu tư nhân mà đã hết thời hạn sử dụng, có nguy cơ sập đổ thì trách nhiệm chính trong việc này phải là các chủ sở hữu.
Làm rõ lợi nhuận định mức 10% với chủ đầu tư nhà ở xã hội
Ngoài ra, một chính sách quan trọng được xây dựng là phát triển nhà ở xã hội. Để bố trí quỹ đất xây nhà ở xã hội, dự luật quy định trách nhiệm của UBND cấp tỉnh phải dành một tỉ lệ nhất định nguồn tiền thu được từ dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để thực hiện đền bù, bồi thường, giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng kỹ thuật.
Để thu hút nhà đầu tư tham gia, dự luật đưa ra các ưu đãi liên quan tới vốn, miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, ưu đãi thuế, lợi nhuận định mức 10%...
Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật cho rằng dự luật không xác định tỉ lệ tối đa phần quỹ đất riêng là không chặt chẽ, có thể dễ bị lạm dụng, tiêu cực, nên cần bổ sung quy định tỉ lệ tối đa.
Ngoài ra, có ý kiến đề nghị làm rõ ưu đãi lợi nhuận định mức 10% đối với phần diện tích xây dựng nhà ở xã hội là được tính trên số chi phí nào? Bởi quy định như trên là chưa tạo động lực cho chủ đầu tư tham gia xây dựng nhà ở xã hội, nên cần nghiên cứu quy định mức ưu đãi lợi nhuận phù hợp hơn.
Cả gia đình người bác của tôi nhiều năm qua luôn sống trong tâm trạng bất an khi sống ở chung cư Vĩnh Hội (quận 4) ngày càng xuống cấp trầm trọng.