Tháng 2-1973, chỉ vài tháng sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 12-1972, chính phủ của Thủ tướng Gough Whitlam đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. 50 năm sau đó, một thủ tướng nữa cũng thuộc Công đảng Úc đã đến Việt Nam.
Việt Nam là "cường quốc sản xuất"
Trong họp báo chung với Thủ tướng Úc Albanese, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã mô tả cuộc hội đàm thành công giữa hai nhà lãnh đạo là "cởi mở, thẳng thắn, chân thành và tin cậy".
Thủ tướng khẳng định: "Phát huy thành quả của 50 năm quan hệ tốt đẹp, Việt Nam sẵn sàng cùng Úc bước vào chặng đường hợp tác mới, cùng nhau đưa quan hệ Đối tác chiến lược lên một tầm mức mới, thiết thực, hiệu quả hơn, vì lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, và vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới".
Trong khi đó, Thủ tướng Albanese mang theo kỳ vọng về tương lai mối quan hệ. "Chính phủ của tôi đã cam kết thúc đẩy quan hệ với Đông Nam Á. Hiện nay, Úc đang xây dựng chiến lược kinh tế Đông Nam Á tới năm 2040 và Việt Nam sẽ đóng vai trò trung tâm trong việc đó", Thủ tướng Úc Albanese bày tỏ trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Phạm Minh Chính vào ngày 4-6.
Nhà lãnh đạo Úc cũng cho biết Canberra dự định tổ chức một hội nghị cấp cao đặc biệt với ASEAN vào tháng 3-2024 và rất mong sự có mặt của Thủ tướng Phạm Minh Chính, cũng như đón tiếp người đứng đầu Chính phủ Việt Nam trong một chuyến thăm chính thức.
Trong cuộc họp báo chung sau đó, ông Albanese một lần nữa nhắc lại tầm quan trọng của Việt Nam khi nhấn mạnh Úc xem Việt Nam là "cường quốc sản xuất" với tốc độ tăng trưởng luôn trong tốp đầu thế giới.
Nước Úc, theo chia sẻ của Thủ tướng Albanese, tự hào vì là một trong những quốc gia đầu tiên thiết lập quan hệ với Việt Nam sau Hiệp định Paris và tự hào vì đã tiên phong đi cùng Việt Nam trong hành trình mở cửa nền kinh tế.
Việt Nam ngày nay đã trở thành thị trường quan trọng của Úc. Năm 2022, kim ngạch thương mại song phương đạt gần 16 tỉ USD, trong đó xuất khẩu từ Úc đến Việt Nam là hơn 10 tỉ USD. Tại cuộc gặp ngày 4-6, hai thủ tướng đã nhất trí sẽ đưa kim ngạch thương mại hai chiều lên cột mốc mới 20 tỉ USD và theo hướng cân bằng hơn.
Chuyến thăm của Thủ tướng Albanese lần này còn góp phần củng cố quan hệ hai nước trên các lĩnh vực khác. Một cơ chế đối thoại cấp bộ trưởng nữa được thiết lập, bổ sung vào danh sách hơn 20 cơ chế hợp tác song phương trong đó có cả cấp thủ tướng. Hai đường bay thẳng mới giữa Việt Nam và Úc được mở, điều mà theo ông Albanese là sẽ giúp người dân hai nước xích lại gần nhau hơn.
Thêm trụ cột hợp tác mới
Cũng trong cuộc họp báo chung, Thủ tướng Albanese đã công bố gói hỗ trợ 105 triệu AUD (69,5 triệu USD) cho quy hoạch cơ sở hạ tầng bền vững, khuyến khích đầu tư tư nhân vào cơ sở hạ tầng năng lượng sạch và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật phát triển ngành khai khoáng Việt Nam.
Hai bên cũng sẽ hợp tác để thương mại hóa các nghiên cứu khoa học chung trong các lĩnh vực như nông nghiệp ứng dụng và nghiên cứu thực phẩm.
Hợp tác để cùng đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 được kỳ vọng sẽ chiếm vị trí quan trọng trong quan hệ Việt - Úc thời gian tới.
Trong đó, nổi bật có hợp tác về công nghệ mới giúp giảm phát thải và năng lượng sạch. Cả hai nước đều tự hào vì có nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào. Việt Nam có trữ lượng đất hiếm - vốn rất quan trọng cho ngành công nghiệp bán dẫn - thuộc hàng đầu thế giới. Trong khi đó, Úc là nhà cung cấp lớn nhất thế giới về lithium, thứ cũng quan trọng không kém cho pin xe điện.
Trong cuộc gặp tháng 5 rồi tại Hiroshima (Nhật Bản), Thủ tướng Albanese và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đạt được thỏa thuận về việc tiếp cận Đạo luật giảm lạm phát (IRA) trị giá hơn 750 tỉ USD của Mỹ. Trong đó có 369 tỉ USD sẽ dành cho đầu tư, khuyến khích năng lượng sạch và miễn giảm thuế. Hàng tỉ USD được dự báo sẽ đổ vào Úc sau thỏa thuận trên.
Không những thế, các công ty khai thác những khoáng sản thiết yếu và năng lượng sạch Úc cũng sẽ hưởng lợi từ việc được miễn giảm thuế, trợ cấp. Những lợi ích từ IRA cũng thúc đẩy Liên minh châu Âu tìm đến Mỹ thời gian gần đây.
Dẫn ra IRA để cho thấy sự phối hợp giữa các nước hiện nay có vai trò rất quan trọng trong đảm bảo chuỗi cung ứng xanh. Sự phát triển kinh tế nhanh chóng của Việt Nam là cơ hội quan trọng cho các doanh nghiệp Úc muốn xây dựng chuỗi cung ứng an toàn và đa dạng hơn, đồng thời tiếp cận thị trường tiêu dùng mới.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam có thể tận dụng các công nghệ khai thác bền vững khoáng sản, trong đó có đất hiếm, từ Úc. Việt Nam cũng có thể cung cấp nguồn lao động và chi phí xử lý đất hiếm thấp cho Úc, mở ra cơ hội cho Canberra vào Đông Nam Á - nơi đang trong cuộc chạy đua phát triển công nghiệp pin nội địa.
Một số học giả Úc thường dùng hình ảnh kangaroo để nói về quan hệ với Việt Nam. Loài vật biểu tượng của nước Úc có một đặc điểm là luôn nhảy về phía trước, không bao giờ lùi. Đó có lẽ cũng là hàm ý của các học giả muốn nhấn mạnh đặc trưng của quan hệ Việt - Úc: luôn tiến về phía trước và tiến nhanh.
Gặp các lãnh đạo cấp cao Việt Nam
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức đầu tiên Việt Nam, ngoài Thủ tướng Phạm Minh Chính, trong ngày 4-6, Thủ tướng Úc Anthony Albanese đã gặp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Gặp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Úc Anthony Albanese bày tỏ xúc động vì sự tiếp đón trọng thị, đồng thời chuyển lời mời người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam sang thăm chính thức Úc.