Bộ bàn ghế Quỳnh làm theo đơn đặt hàng của khách người Trung Quốc. Cả bộ bằng lõi gỗ sưa, không khảm, không trạm nhưng tạo hình tỉ mỉ đến từng khớp mộng, từng miếng ghép.
Mới nhìn qua, người ta lầm mỗi chiếc ghế được tạc từ một gốc cây nguyên khối chứ không phải được ghép từ hàng trăm khúc "củi" khác nhau.
Chợ "củi" quý hiếm
"Giá gỗ thì vô cùng lắm - Quyền nói - Rẻ thì vài chục một cân, đắt thì vài triệu, còn có những loại hàng hiếm người ta bán gần hai chục triệu mỗi cân mà tranh nhau mua. Thợ gỗ "săn" như săn đá quý!".
Trong khi đó, anh Xuân Thế có xưởng gỗ ở Hiệp Hòa (Bắc Giang), ngày nào cũng lọ mọ ở các chợ gỗ Phù Khê, Đồng Kỵ, tỉnh Bắc Ninh. Công việc của Thế là "săn" những đoạn gỗ "vừa miếng" để đội thợ ở nhà thi công. Mùa này khách đặt gỗ hương nhiều.
Gỗ hương ở đây có đến bốn khu chợ bán. Vào thời hoàng kim, trước đại dịch COVID-19, mỗi chợ có cả trăm ki ốt. Thợ gỗ tới chợ từ 7h sáng tới chiều muộn. Từ ngày có dịch, hàng mộc mỹ nghệ ở Đồng Kỵ, Phù Khê bán chậm vì Trung Quốc nhập ít.
Thế sà vào một bãi gỗ, lôi từ trong "đống củi" ra một khúc hương đã được xẻ vuông, mỗi mặt chỉ rộng bằng bàn tay, ở giữa có một lỗ sâu đen ngòm. Thế rút thước đo rồi đưa một nhát đục bào trên mặt gỗ xem vân.
"Được rồi - anh thốt lên rồi nhanh chóng giấu nụ cười - Bà chủ ơi! Đoạn này bị sâu rồi! Giảm đi!". Chủ hàng biết tỏng các tay thợ gỗ tìm được khúc ưng ý là sẽ mua, nhất quyết không giảm giá. "Ở đây cân đủ, đúng bốn nhăm". Giá 45.000 đồng một kg gỗ.
Thế chẳng nói thêm, đặt khúc gỗ lên cân rồi "xuống tiền". "Quan trọng nhất là màu với vân gỗ. Ví dụ như cái lưng ghế màu gì? Thớ như thế nào? Phải phối với cái tay ghế màu gì? Thớ, vân ra làm sao cho đẹp? Lại còn phải chiều khách nữa. Có khách thích vân "chun" (lượn sóng), có khách thích vân tròn, nhưng lại có khách thích vân chéo", Thế không ngần ngại kể.
Thế buộc tạm vài khúc gỗ mới mua được, rồi "lượn" sang chợ gỗ trắc. Loại gỗ này cũng có vài chợ với hàng trăm ki ốt. Gỗ trắc ít cây to, phần lớn là những đoạn gỗ tròn, cong queo, xù xì, vứt chỏng chơ hàng đống chẳng khác gì củi.
Thế nhưng thứ củi này lại có giá cả trăm nghìn mỗi cân. Những khúc củi gõ vào nhau đanh như tiếng khánh, thợ gỗ nghe tiếng để đoán độ cứng, độ già của gỗ.
"Loại này hợp với đồ giả cổ - thợ mộc Nguyễn Văn Hiển nghiêng đầu lắng nghe tiếng hai đoạn gỗ trắc va vào nhau chát chúa rồi nói tiếp - Màu gỗ sậm, thêm vài lượt màu là đen bóng như sắt. Gỗ này rất cứng, nhưng thớ mịn, ít nứt gãy, ghép mộng mới khít, mới đẹp được".
Chợ gỗ Phù Khê, Đồng Kỵ có đủ loại. Từ những cây gõ nhập Nam Phi to như cái bồ thóc, xẻ ra đỏ ối như tiết đến những cây tử đàn tím ngắt, gỗ hương vàng sậm, gỗi mun đen bóng...
Chợ gỗ lại chia ra từng loại khác nhau. Gỗ lớn, gỗ hộp bày bán ngoài đường to, phía giáp với đất Đông Anh (Hà Nội), gỗ xẻ thanh có chợ riêng, nguyên cây có chợ riêng, và cả những khu chợ chỉ bán ván.
Thợ cần loại nào thì tìm ở chợ loại đó. Thợ tạc tượng, điêu khắc ra bới đống trắc ở chợ Tấn Bào, thợ cần gỗ hương thì sang Tiến Bào, cần ván đến Phù Khê, cần nhiều loại hơn nữa thì sang Phù Khê Thượng...
Ngô Văn Tuấn, thợ mộc ở Phù Khê, nhẩm tính: "Nếu mình mua cây gỗ to về xẻ tính ra cũng lãi được thêm vài phần trăm. Nhưng cây to mình không thể "soi" được hết trong thân nó thế nào. Có khi chỉ một vết rỗng, một vết nứt bên trong là mất nửa tiền. Hơn nữa mình còn phải chọn màu, chọn vân, chọn thớ gỗ... Vì thế, cứ ra chợ, ưng đoạn nào thì lấy đoạn đó".
Loại "hàng nhỏ" (giá rẻ) của Tuấn làm theo đơn đặt hàng của Trung Quốc. Giá mỗi bộ khoảng vài chục triệu, nhưng phía đối tác yêu cầu rất cao. Ngày nào anh cũng lang thang chợ gỗ.
Những miếng ván gỗ hương chỉ vài trăm nghìn đồng, nhưng có những tấm ván gỗ trắc anh mua tới vài chục triệu một tấm. Chủ hàng ở chợ gỗ chỉ bày một phần, còn hàng cực "xịn" ở trong kho, khách có yêu cầu mới dẫn đến xem cẩn thận như bán đá quý.
Những khúc "củi" tiền tỉ
Ngô Xuân Quỳnh có hơn ba chục năm làm nghề mộc ở Đồng Kỵ. Trước đây, Quỳnh làm thợ ở Phù Khê, làng mộc cổ xưa nhất đất Kinh Bắc. Từ ngày Đồng Kỵ nổi lên thành làng mộc mỹ nghệ, Quỳnh về làng mở xưởng, chuyên làm "hàng lớn" (hàng đắt tiền) cho đối tác Trung Quốc. Anh giở điện thoại khoe hàng loạt mẫu bàn ghế khách hàng ở Bắc Kinh, Quảng Đông "feedback".
"Phần lớn dân làng xuất hàng đi Trung Quốc, những bộ bàn ghế vài chục triệu hay vài trăm triệu, khách trong nước mua chỉ là hàng "rơm" (giá rẻ) thôi. Bộ này em bán hơn 3 tỉ đồng", Quỳnh gõ lên mặt chiếc đoản đỏ sậm như quả mận chín.
Bộ bàn ghế làm từ gỗ sưa Bắc, loại sưa đỏ, tuổi đời cả trăm năm, Quỳnh "săn" vài tháng mới đủ gỗ để làm. Gã thợ kỹ tính có nhiều mối để kiếm được gỗ quý. Khó kiếm nhất là gỗ sưa đỏ, dân làng Đồng Kỵ hay gọi là sưa Bắc, giá bán tới gần hai chục triệu mỗi kg.
"Mấy khúc sưa đỏ lõi to bằng bắp đùi chỉ có vài triệu một cân thôi - Quỳnh nói - Nhưng khúc nào xẻ được ván rộng, không mắt mấu, không sâu, không nứt, bản to, già gỗ thì giá phải tính bằng chục triệu mỗi cân. Một khúc cây có khi mua được cả căn chung cư rồi".
Ở Đồng Kỵ và Phù Khê, hai làng nghề mộc nổi tiếng đất Kinh Bắc, có tới gần chục chợ gỗ. Nhiều nhất là các chợ bán gỗ hương, cao cấp hơn là chợ gỗ cẩm, chợ trắc, tử đàn, gõ đỏ...
Hầu hết gỗ được nhập khẩu từ châu Phi hoặc Lào về. Một số loại cực hiếm như sưa Bắc chỉ tìm được đồ cũ hoặc lâu lắm các tay "săn" gỗ mới kiếm được một gốc sưa mà như... tìm được kim cương.
5 năm trước, tỉnh Bắc Ninh đấu giá một cây sưa cổ thụ, giá lên hơn 26 tỉ đồng. Dân săn gỗ kiếm được một gốc bằng miệng chum, giá cũng lên cả tỉ bạc.
Những loại ấy không bao giờ mang ra chợ, mà chỉ chào hàng rồi dẫn khách về nhà xem. Người đi xem gỗ cũng soi xét, tìm nguồn gốc, đòi hỏi cam kết, an ninh, bảo hành... chẳng khác gì những tay buôn đá đỏ ở Lục Yên, tỉnh Yên Bái.
"Gỗ thì "vô cùng" lắm! Như gỗ sưa Bắc giờ chỉ tìm được từ đồ cũ, còn trong tự nhiên chắc phải đến đời cháu chắt chúng ta mới có từ cây trồng", Quỳnh chia sẻ.
Cũng là hoàng đàn, nhưng loại hoàng đàn để lâu phủ một lớp như tuyết trắng rất hiếm. Ai may mắn lắm mới kiếm được một vài mẩu là đồ vật cũ từ xa sưa sót lại. Còn cây hoàng đàn tuyết giờ chỉ chưa tới ba chục cây đang được bảo tồn ở Lạng Sơn.
Ông Nguyễn Văn Hùng, chủ tịch UBND phường Phù Khê (Từ Sơn, Bắc Ninh), cho hay chợ gỗ chính thức thành lập từ năm 2012 với quy mô hơn 10.000m2. Trước đó, nhu cầu mua bán gỗ của người dân trong vùng rất lớn.
Họ phải đi chọn gỗ, mua gỗ vụn ở khắp nơi như Hoài Đức, Thạch Thất (Hà Nội), Hải Phòng, Quảng Ninh... Một số doanh nghiệp, hộ kinh doanh mua gỗ về để thi công, những phần gỗ nhỏ hơn đưa ra các bãi tập kết để bán lại. Từ đó dần hình thành chợ gỗ và chịu sự quản lý của chính quyền về nguồn gốc hợp pháp của gỗ.
Vài năm trở lại đây, thị trường ảm đạm, do Trung Quốc ít nhập hàng. Nhiều doanh nghiệp đã dừng kinh doanh, một số hộ kinh doanh nhỏ chung vốn nhập từng container gỗ về rồi phân chia ra từng loại để bán ở chợ theo quy định của pháp luật.
TTO - Hai vụ phá rừng quy mô lớn vừa bị phát hiện ở hai huyện Đông Giang và Nam Giang (Quảng Nam) trong tháng 3-2018, với hơn trăm cây gỗ rừng cổ thụ bị chặt hạ.