Ông Đức cho biết năm 2022 là năm đầu tiên kể từ khi tái cơ cấu, CB chính thức được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt kế hoạch kinh doanh và đã hoàn thành 100% các chỉ tiêu.
Cụ thể, tổng số dư huy động của CB đạt hơn 20.000 tỉ đồng, tăng ròng tín dụng khách hàng doanh nghiệp và bán lẻ đều đạt trên 5.000 tỉ đồng, đa dạng nguồn thu từ hoạt động bán buôn, bán lẻ, kinh doanh vốn…
"Tôi cũng xin thông báo một tin vui là khoảng 6 tháng nữa CB sẽ trở thành ngân hàng con của Vietcombank. Vừa qua Bộ Chính trị đã phê duyệt chủ trương này", ông Đức nói.
Đồng thời ông Đức cho biết việc này sẽ hoàn thành sớm nhất là cuối năm nay, chậm nhất là quý 1-2024.
Từ tháng 3-2015, CB chính thức trở thành ngân hàng 100% vốn thuộc sở hữu nhà nước, với sự hỗ trợ toàn diện từ Vietcombank.
Vietcombank đã cử phó tổng giám đốc là ông Nguyễn Văn Tuân làm chủ tịch Ngân hàng Xây dựng sau khi CB (khi đó có tên là VNCB) được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng và chuyển đổi mô hình hoạt động.
Trước đó tại đại hội đồng cổ đông năm 2023 của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) diễn ra cuối tháng 4, Chủ tịch Vietcombank Phạm Quang Dũng cho biết Vietcombank sẽ nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng yếu kém.
"Đây là một phần trách nhiệm, nhưng cũng là cơ hội cho Vietcombank. Những hỗ trợ, điều kiện từ phía Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước sẽ tạo ra cho ngân hàng động lực mới, cơ hội phát triển mới trong thời gian tới" - ông Dũng nói.
Ngoài Vietcombank, VPBank, MSB, MB cũng trình cổ đông thông qua việc sáp nhập một tổ chức tín dụng khác.
TTO - Tối nay 6-10, Ngân hàng Nhà nước vừa cấp thêm hạn mức tín dụng (room) cho bốn ngân hàng đã tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu kém theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước là VPB, HDB, MBB và VCB.