Theo báo New York Times, ngày 4-6, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) quyết định điều chỉnh sản lượng khai thác dầu mỏ của một số nước thành viên, nhằm kìm hãm đà giảm của giá dầu thế giới.
Trong đó, Saudi Arabia, quốc gia xuất khẩu dầu mỏ số 1 thế giới, chấp nhận hạ sản lượng khai thác dầu thô ở mức 1 triệu thùng/ngày trong tháng 7-2023. Thời gian cắt giảm có thể được kéo dài nếu Riyadh thấy cần thiết.
Cùng với các quyết định cắt giảm khác được OPEC đưa ra trong nhiều tháng qua, sản lượng dầu mỏ của Saudi Arabia sẽ xuống còn 9 triệu thùng/ngày.
Bên cạnh Saudi Arabia, quốc gia xuất khẩu dầu lớn thứ hai thế giới là Nga cũng tự nguyện giảm khai thác 500.000 thùng mỗi ngày. Nga đã công bố động thái này từ tháng 2-2023.
Song song với đó, OPEC+ cũng thống nhất giảm sản lượng ở một số quốc gia châu Phi như Nigeria và Angola. Các nước này đã không thể đáp ứng sản lượng yêu cầu trong một thời gian dài vì thiếu nguồn đầu tư và khó khăn do đại dịch COVID-19 đem lại.
Ngược lại với Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) lại được phép tăng nhẹ sản lượng ở mức 200.000 thùng/ngày từ đầu năm 2024. Quốc gia Trung Đông này vừa đầu tư hàng tỉ USD cho việc nâng cao năng suất khai thác dầu mỏ và đã đòi tăng sản lượng từ lâu.
Thông báo chính thức của OPEC+ nêu rõ những động thái trên nhằm "đạt và duy trì thị trường dầu mỏ ổn định". Tổ chức này cũng cho biết sẽ kiên định với cách tiếp cận "chủ động" hiện tại.
Quyết định giảm sản lượng này của OPEC+ đưa ra trong bối cảnh giá dầu thô thế giới đang giảm mạnh. Vào thời điểm cuộc họp OPEC+ ngày 4-6 kết thúc, giá dầu Brent trên thế giới mở ở mức 76 USD/thùng.
Theo báo Wall Street Journal, giá dầu thế giới phải trên 80 USD/thùng thì Saudi Arabia mới hòa vốn. Quốc gia này hiện cần nguồn tiền mặt khổng lồ cho những dự án phát triển đất nước đầy tham vọng của Thái tử kiêm Thủ tướng Mohammed bin Salman.
Với việc nắm giữ hơn 40% nguồn cung dầu mỏ thế giới, OPEC+ hoàn toàn có thể tác động đến giá dầu toàn cầu.
Chủ trương trên của OPEC+ đi ngược với quan điểm của Mỹ nói chung và Tổng thống Joe Biden nói riêng. Washington muốn giảm càng nhiều giá dầu càng tốt nhằm giảm chi phí cho các hoạt động giao thông vận tải của nước này.
Số liệu của kênh CNN tổng hợp cho thấy ngay sau khi có thông tin OPEC+ cắt giảm sản lượng, giá dầu Brent đã tăng 1%, lên mức 76,9 USD/thùng; giá dầu WTI tăng 1,2% lên 72,6 USD/thùng.
Ngày 2-6, hãng tin Reuters, Bloomberg xác nhận nhà báo của họ bị từ chối cấp phép hoạt động đưa tin tại cuộc họp của OPEC ở thủ đô Vienna của Áo.