Lộ trình đã được hoàn thiện tại cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và người đồng cấp Ấn Độ Rajnath Singh ngày 5-6.
Lộ trình bao gồm các đề xuất cụ thể có thể giúp Ấn Độ tiếp cận với công nghệ tiên tiến của Mỹ. Hai nước sẽ tăng cường hợp tác công nghệ và hợp tác sản xuất các khí tài chiến đấu, trinh sát trên bộ, trên không và trong lòng biển.
Bộ trưởng Austin và Bộ trưởng Singh cũng cam kết xem xét các rào cản pháp lý cản trở sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa hai nền công nghiệp quốc phòng. Theo ông Austin, hợp tác quốc phòng với Ấn Độ có ý nghĩa quan trọng vì "thế giới đang thay đổi nhanh chóng".
Theo Hãng tin Reuters, lộ trình thật sự là một bước ngoặt. Điều này là do Washington kiểm soát chặt chẽ những công nghệ quân sự nội địa nào có thể được chia sẻ hoặc bán cho các quốc gia khác.
Đại sứ quán Mỹ tại Ấn Độ nhấn mạnh thỏa thuận sẽ thay đổi "mô hình" hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng giữa hai nước.
Thỏa thuận này được đưa ra vài tuần trước khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thăm Mỹ vào ngày 22-6 và hội đàm với Tổng thống Joe Biden.
Theo Reuters, Washington và New Delhi đang chuẩn bị ký kết một thỏa thuận cho phép động cơ phản lực Mỹ sản xuất tại Ấn Độ. Loại động cơ này sẽ được dùng cho chương trình chiến đấu cơ nội địa của Ấn Độ.
Mỹ trong mục tiêu đa dạng hóa nguồn cung vũ khí của Ấn Độ
Ấn Độ là một trong những nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, với gần một nửa trong số đó là từ Nga. Trong những năm gần đây, New Delhi đã nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung khi mua thêm từ Mỹ, Pháp, Israel và một số nước khác.
Chính quyền của Thủ tướng Modi cũng muốn các nhà sản xuất quốc phòng toàn cầu hợp tác với các công ty Ấn Độ. New Delhi đặt mục tiêu có vũ khí "Made in India", không chỉ đáp ứng nhu cầu nội địa mà còn xuất khẩu.
Nguồn tin quan chức Ấn Độ cho hay 5 tàu dân quân biển của Trung Quốc đã tiếp cận khu vực hải quân Ấn Độ và các nước ASEAN diễn tập ở Biển Đông. Ấn Độ đang theo dõi các tàu này.