Chiều 5-6, Phòng thương mại, Đại sứ quán Na Uy tại Hà Nội phối hợp với Cục Thủy sản, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các đơn vị liên quan tổ chức hội thảo "Na Uy - Việt Nam: Thúc đẩy hợp tác trong nuôi trồng thủy sản trên biển", tại Nha Trang (Khánh Hòa).
Nuôi biển công nghiệp chưa có trong hệ thống đào tạo chính quy
Tại hội thảo, bà Bùi Thị Ninh - giám đốc văn phòng giới sử dụng lao động của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chi nhánh tại TP.HCM - cho biết điều kiện, khí hậu nước ta rất phù hợp với phát triển nuôi biển công nghiệp.
Tuy nhiên, có một số khó khăn, thách thức như kỹ thuật trong sản xuất giống hạn chế, quy mô nhỏ; công nghệ nuôi, hệ thống lồng còn chưa phát triển...
Đặc biệt, nhân lực phục vụ kinh tế biển nói chung và nuôi biển công nghiệp còn đang thiếu hụt, đồng thời kỹ thuật sản xuất của lao động đa số còn ở trình độ thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.
Theo bà Ninh, bộ môn nuôi biển công nghiệp chưa có trong hệ thống đào tạo chính quy.
"Do đó, cần xây dựng mô hình đào tạo theo sự dẫn dắt của ngành để đáp ứng nhu cầu lao động của thị trường. Thiết lập cơ chế hợp tác giữa nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp trong phát triển nguồn nhân lực.
Thúc đẩy tính chủ động của doanh nghiệp khi tham gia vào quá trình đào tạo. Xây dựng đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao, có kiến thức và kỹ năng đáp ứng nhu cầu thực tiễn của ngành, có nền tảng vững chắc để đào tạo nâng cao trong quá trình làm việc" - bà Ninh đề xuất.
Đầu tư công nghệ để tiết kiệm nhân lực
Ông Josh Goldman, tổng giám đốc Australis, cho biết Việt Nam đã phát triển được một ngành nuôi trồng thủy sản rất thành công.
Tuy nhiên, người nông dân có truyền thống tập trung vào sản xuất tôm, cá giá trị thấp trong các ao trên đất liền.
"Đã đến lúc phải nhìn ra biển, nuôi biển bền vững được xác định là ngành xuất khẩu nhiều tỉ đô la tiếp theo của Việt Nam. Kết hợp giữa công nghệ và chính sách đúng đắn sẽ hỗ trợ việc chuyển đổi theo hướng sản xuất giá trị cao, ít tác động tới môi trường.
Ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam tạo ra sản lượng cao gấp gần 3 lần so với Na Uy, nhưng giá trị của sản phẩm lại chỉ bằng một nửa.
Nói một cách khác, ngành nuôi trồng thủy sản của Na Uy đã đạt được hiệu quả kinh tế cao với sản lượng nhỏ, một con đường mà cho đến nay vẫn khác biệt so với Việt Nam" - ông Josh Goldman so sánh.
Bên lề hội thảo, ông Audun Sivertsen Fjeldvær - tổng giám đốc Công ty ScaleAQ Seabased (chuyên về thiết bị, công nghệ nuôi biển) - cho biết yếu tố quan trọng nhất là đầu tư công nghệ để tiết kiệm được nhân lực, đảm bảo an toàn sinh học cho trại nuôi; đồng thời tiết kiệm chi phí khi làm trang trại nuôi nhỏ nhưng hiệu quả cao.
Phú Yên quy hoạch nuôi biển công nghiệp vùng biển hở khoảng 1.000ha
Tại hội thảo, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên cho biết trong định hướng phát triển của tỉnh sẽ quy hoạch nuôi biển công nghiệp vùng biển hở khoảng 1.000ha tại thị xã Sông Cầu.
Bên cạnh đó, kết hợp phát triển nuôi biển công nghiệp với các ngành kinh tế khác như du lịch, điện gió...; kêu gọi đầu tư dự án nuôi biển công nghiệp vùng biển hở thôn Hòa Lợi, xã Xuân Cảnh, thị xã Sông Cầu với quy mô 700ha,vốn đầu tư 21.000 tỉ đồng.
Ngoài ra, tỉnh triển khai 2 dự án thí điểm nuôi biển hở bằng lồng HDPE nuôi tôm hùm và cá biển do Công ty thủy sản Đắc Lộc và Công ty thủy sản Tôm Vàng thực hiện.
Theo Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Na Uy Erling Rimestad, Na Uy và Việt Nam là hai quốc gia đứng thứ hai và thứ ba thế giới về xuất khẩu thủy sản nhưng không vì thế mà hai nước cạnh tranh nhau.