Xuất khẩu gặp khó
Báo Đầu Tư dẫn số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 5/2023 ước đạt 55,86 tỷ USD, tăng 5,3% so với tháng trước.
Tuy nhiên, nếu so với cùng kỳ năm trước, con số này vẫn giảm tới 12,3%. Thậm chí, tính chung 5 tháng, mức giảm còn lớn hơn - 14,7%, chỉ ước đạt 262,54 ỷ USD. Điều này cho thấy, thương mại hàng hóa của Việt Nam tiếp tục gặp khó khăn, và nguyên nhân chủ yếu vẫn là do kinh tế toàn cầu khó khăn, cầu tiêu dùng giảm.
Cầu giảm nên kể từ cuối năm ngoái, xuất nhập khẩu đã bắt đầu giảm. Tháng 5, tình hình tích cực hơn, nên xuất khẩu hàng hóa ước đạt 29,05 tỷ USD, tăng 4,3% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 7,79 tỷ USD, tăng 1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 21,26 tỷ USD, tăng 5,5%.
Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 5 giảm 5,9%. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước giảm 5,9%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) giảm 5,8%.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 136,17 tỷ USD, giảm 11,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 35,19 tỷ USD, giảm 13,2%, chiếm 25,8% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 100,98 tỷ USD, giảm 11,1%, chiếm 74,2%.
Theo Tổng cục Thống kê, trong 5 tháng đầu năm 2023, có 23 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 87,4% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 65,4%.
Tuy nhiên, 6/7 mặt hàng xuất khẩu chủ lực này có kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, xuất khẩu điện thoại và linh kiện ước đạt trên 21,173 tỷ USD, giảm 16%; điện tử, máy tính và linh kiện là 20,328 tỷ USD, giảm 9,8%; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 16,552 tỷ USD, giảm 5,1%.
Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may ước đạt 12,32 ty USD, giảm 17,8%; giày dép đạt 8,182 tỷ USD, giảm 13,3%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt trên 5 tỷ USD, giảm 28,7%. Chỉ có phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 5,428 tỷ USD, tăng 12,5%.
Việc kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chủ lực sụt giảm mạnh đã ảnh hưởng tới kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước.
Sức mạnh của thị trường nội địa
Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu đang gặp khó khăn, việc quay trở lại khai thác thị trường nội địa là giải pháp giúp doanh nghiệp Việt tiêu thụ hàng hóa mà không phụ thuộc vào xuất khẩu.
Theo báo Lao Động, bài học từ tiêu thụ nông sản thời gian qua cho thấy, có lúc chúng ta mải "chinh phục" thị trường nước ngoài mà “bỏ quên” thị trường nội địa. Việc này đã gây lãng phí tiềm năng rất lớn, thậm chí nhiều doanh nghiệp Việt còn bị thua ngay trên sân nhà khi chưa tận dụng tốt thị trường nội địa. Đến khi dịch Covid-19 bùng phát, xuất khẩu khó khăn, doanh nghiệp Việt đã tìm đường về với thị trường nội địa.
Thực tế, tiềm năng của thị trường trong nước là rất lớn với quy mô dân số gần 100 triệu người, thu nhập bình quân không ngừng được cải thiện kéo theo sức tiêu dùng tăng nhanh.
Báo Tin Tức dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5/2023 ước đạt 519 nghìn tỷ đồng, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung, 5 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 2.527 nghìn tỷ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 9,3%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,3% (cùng kỳ năm 2022 tăng 6%).
Tổng cục Thống kê cho biết, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 5 tháng năm 2023 đạt tốc độ tăng cao nhất so với cùng kỳ các năm từ 2015 trở lại đây và tăng 28,3% so với 5 tháng đầu năm 2019 - năm trước khi xảy ra dịch Covid-19.
Cụ thể, doanh thu bán lẻ hàng hóa 5 tháng ước đạt 1.993 nghìn tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 6,9%); trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 14,6%; may mặc tăng 11,1%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 4,8%; phương tiện đi lại (trừ ô tô) tăng 4,2%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 1,9%.
Doanh thu bán lẻ hàng hóa của một số địa phương có mức tăng cao như: Bắc Ninh tăng 19,6%; Bình Định tăng 14,8%; Bình Dương tăng 13,8%; Thanh Hóa tăng 12,1%; Hải Phòng tăng 10,6%; Quảng Ninh tăng 9,9%; Cần Thơ tăng 9,8%; Đồng Nai tăng 8,7%; Hà Nội tăng 7,9%; Đà Nẵng tăng 6,2%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt 268,3 nghìn tỷ đồng, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu của một số địa phương có mức tăng cao: Đà Nẵng tăng 40,3%; Cần Thơ tăng 27,2%; Đồng Nai tăng 23,6%; Tp.HCM tăng 23,4%; Quảng Ninh tăng 21,8%; Hải Phòng tăng 14,4%; Hà Nội tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu dịch vụ khác 5 tháng năm 2023 ước đạt 253,6 nghìn tỷ đồng, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể: Bình Thuận tăng 59,5%; Đà Nẵng tăng 54,8%; Gia Lai tăng 29,6%; Ninh Thuận tăng 23,5%; Bắc Giang tăng 21,5%; Tiền Giang tăng 17,5%; Lâm Đồng tăng 12,5%; Quảng Ninh tăng 12,3%; Bình Định tăng 11,7%; Hà Nội tăng 9,1%. Tuy nhiên, bên cạnh đó có một số địa phương có mức giảm là: Quảng Nam giảm 1,1%; Quảng Bình giảm 3,8%; Tp.HCM giảm 6,4%.
Bà Nguyễn Thuý Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Công Thương) đánh giá, hiện sức mua của thị trường trong nước đã tăng nhưng chưa cao, vẫn chưa khai thác hết dung lượng của thị trường trong nước với dân số 100 triệu dân.
Giảm thuế để kích thích tiêu dùng
Hơn lúc nào hết, tiêu dùng hàng hóa của thị trường nội địa phải được kích cầu bằng các chính sách hỗ trợ cần thiết, để ngành sản xuất có dư địa phát triển, giảm bớt khó khăn về hàng hóa tồn kho, đọng vốn và tạo dòng tiền.
Tiếp tục giảm thuế để vực dậy sản xuất, kích thích tiêu dùng là giải pháp cần thiết trong lúc này. Mới đây, Chính phủ chính thức trình Quốc hội tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%.
Theo ông Nguyễn Đặng Hiến, Phó chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm Tp.HCM, chính sách giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% giúp kích thích sức mua của người tiêu dùng trong nước. Động thái này càng cấp thiết, khi từ cuối năm 2022 đến nay, các doanh nghiệp phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Điển hình là chi phí logistics, nguyên vật liệu, xăng dầu, lãi suất vay tăng cao, kéo theo giá thành sản phẩm tăng 20-30% so với đầu năm 2022.
Theo Bộ Tài chính, trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, đòi hỏi cần có thêm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế. Thậm chí, với nguồn lực trong dân giảm, rất cần thêm gói hỗ trợ.
“Thúc đẩy tiêu dùng chính là liều thuốc ít tốn kém nhất mà lại đạt hiệu quả cao nhất. Đặc biệt, với thế mạnh là dân số trẻ, cũng như lượng người dùng điện thoại thông minh chiếm tỷ trọng lớn, lượng giao dịch ngày càng nhiều, thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam tăng trưởng nhanh, sẽ giúp doanh nghiệp, các nhà bán lẻ tăng tốc tiêu thụ hàng hóa”, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhận định.
Chia sẻ với báo Đầu tư, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải thông tin, tính đến nửa đầu tháng 5/2023, doanh nghiệp thuộc các ngành sản xuất, xuất khẩu chủ lực như điện tử, giày dép, dệt may đối mặt với tình trạng thiếu đơn hàng, trong khi với các ngành hàng này, chỉ 10% sản lượng tiêu thụ nội địa, 90% phụ thuộc xuất khẩu.
“Lúc này, thị trường trong nước với 100 triệu dân phải là trụ đỡ khi thị trường bên ngoài gặp khó khăn, trong đó tập trung vào các giải pháp chủ yếu như kích cầu sức mua ở thị trường nội địa là cần thiết, giúp doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, góp phần phục hồi nền kinh tế”, ông Hải nhấn mạnh.
Minh Hoa (t/h)