Từ năm 2010 đến nay, Viettel đã hình thành 10 ngành sản phẩm công nghiệp quốc phòng công nghệ cao, trong đó đã cung cấp hơn 50 chủng loại sản phẩm cho quân đội. Lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất công nghiệp công nghệ cao đã trở thành trụ cột phát triển của Viettel với nguồn doanh thu hàng nghìn tỉ đồng mỗi năm.
Gian nan tìm trái ngọt
Cùng với chiến lược chuyển đổi số quốc gia của Chính phủ, Bộ Quốc phòng coi chuyển đổi số là một nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, góp phần hiện đại hóa quân đội.
Trong các đơn vị của Bộ Quốc phòng, Tổng cục Hậu cần được đánh giá là điểm sáng về công tác chuyển đổi số. Trung tướng Trần Duy Giang, chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, cho biết: "Ðến nay các đơn vị đầu mối trực thuộc tổng cục đã triển khai mạng máy tính nội bộ quân sự kết nối mạng truyền số liệu quân sự theo mô hình mạng an toàn. Các phần mềm chuyên ngành đã được đưa vào khai thác sử dụng".
Nhờ đó, quy trình xử lý công việc thường xuyên tại các cơ quan, đơn vị hậu cần được chuẩn hóa, thực hiện theo hệ thống quản lý chất lượng ISO. Ví dụ, nếu như trước đây các kho xăng dầu làm báo cáo theo tháng thì hiện nay đã được cập nhật hằng ngày, hằng tuần.
Công tác cập nhật hồ sơ, dữ liệu điện tử giúp việc quản lý số lượng, chất lượng xăng dầu toàn quân trở nên khoa học, chính xác.
Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần tại vị trí Trung tâm thông tin và chỉ huy điều hành của tổng cục có thể kiểm tra được số lượng, chiến lược dự trữ tại các kho xăng dầu chiến lược, để có biện pháp chỉ đạo kịp thời.
Đơn vị phối hợp chuyển đổi số cùng Tổng cục Hậu cần chính là Trung tâm Quốc phòng an ninh của Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel (VTS).
Tháng 10-2022, Trung tâm Quốc phòng an ninh bắt tay vào triển khai và xây dựng mô hình Chuyển đổi số thí điểm cho Tổng cục Hậu cần.
Vì thời gian gấp rút diễn ra trong hai tháng, các kỹ sư đã phải tập trung ngày đêm để thi công, lắp đặt, tích hợp trung tâm điều hành, làm điểm mô hình toàn quân với năm cục chuyên ngành, hoàn thiện toàn bộ 324 mẫu biểu báo cáo, biểu đồ, đưa vào khai thác trước thời hạn một tháng.
Trong quá trình triển khai, nhóm kỹ sư cũng gặp không ít khó khăn bởi làm việc tại Bộ Quốc phòng liên quan đến các thông tin, dữ liệu an ninh quốc gia.
Tuy nhiên, hệ thống muốn hoàn chỉnh và chính xác thì rất cần phải có sự liên thông về số liệu. Do đó việc từng bước cải thiện hệ thống, chứng minh được chất lượng sản phẩm công nghệ thông tin qua từng giai đoạn chính là cách tốt nhất để thuyết phục những lãnh đạo bộ.
Nhờ sự sáng tạo, tạo ra những sản phẩm chất lượng hơn mà Trung tâm Quốc phòng an ninh đã được tin tưởng giao tư vấn, đào tạo về chuyển đổi số cho 100% cơ quan đơn vị chính trong Bộ Quốc phòng. Đồng thời được giao cho là thành viên tổ biên soạn xây dựng Đề án Chuyển đổi số của Bộ Quốc phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Một hành trình mới đang mở ra để Viettel đóng góp nhiều hơn nữa cho sự lớn mạnh của quân đội.
Từ tình yêu đất nước đến làm chủ công nghệ sản xuất khí tài
Cũng được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ quan trọng của đất nước, Viện Hàng không vũ trụ Viettel (VTX) là đơn vị trực tiếp thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, chế tạo, sản xuất một số vũ khí chiến lược cho Quân đội nhân dân Việt Nam.
Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đến nay VTX đã triển khai thành công nhiều dự án quan trọng, với những kết quả đột phá trong lĩnh vực hàng không vũ trụ, đưa Việt Nam trở thành một trong số rất ít các nước trên thế giới có khả năng làm chủ vũ khí chiến lược công nghệ cao.
Khi bắt đầu thành lập, nhiều ý kiến cho rằng nhiệm vụ của VTX là không thể, bởi họ gần như bắt đầu từ con số 0. Họ chỉ bắt đầu với quân số vài chục người, chưa từng làm vũ khí chiến lược công nghệ cao, không có tổng công trình sư, không được chuyển giao công nghệ và tài liệu, không có cơ sở nghiên cứu, thử nghiệm…
Các ngành công nghiệp phụ trợ cho lĩnh vực này ở Việt Nam cũng không phát triển, nhiều vật tư linh kiện phải nhập từ nước ngoài.
Tuy nhiên, trong "cái khó ló cái khôn", các kỹ sư của VTX đã có nhiều cách làm hay, chế tạo ra nhiều công cụ, phòng thí nghiệm rất sáng tạo, chủ động tìm kiếm các nguồn cung vật tư thay thế, tự nghiên cứu chế tạo một số module trong nước, đi trước hai năm trong bảo đảm vật tư linh kiện để đối phó với những tình huống khách quan từ COVID-19 và chiến tranh giữa các nước trên thế giới.
Khi được hỏi đâu là động lực để VTX có thể hoàn thành những việc lớn, trong một lĩnh vực khó như vậy, anh Vũ Tuấn Anh, viện trưởng VTX, cho rằng: "Tình yêu đất nước, lòng tự tôn dân tộc, sự tự hào được thực hiện sứ mệnh hòa bình là động lực tiếp thêm ý chí mãnh liệt, để VTX vượt qua mọi khó khăn đi đến thành công".
Tháng 11-2022, trong đợt diễn tập cấp chiến lược của Bộ Quốc phòng, khí tài do VTX chế tạo lần đầu tiên đưa vào thực chiến. Trước ngày thử nghiệm hoạt động của sản phẩm trên thực địa, kiểm tra kỹ thuật khí tài gặp sự cố. Tại khu vực trận địa, dưới trời mưa tầm tã, các kỹ sư VTX đã quên cả đói rét, phân tích, tìm nguyên nhân khắc phục sự cố. Sáng hôm sau, kết quả thử nghiệm thành công!
Thành công này không đến từ sự may mắn, đó là sự vượt qua giới hạn của thử thách, là việc làm chủ hoàn toàn khí tài, chủ động trong công tác bảo đảm kỹ thuật và tác chiến, không bị phụ thuộc vào nước ngoài của kỹ sư VTX.
Không chỉ Trung tâm Quốc phòng an ninh hay VTX, ở Viettel có nhiều đơn vị cũng đang thực hiện các nhiệm vụ quan trọng của quân đội, để nghiên cứu phát triển khí tài cho đất nước.
Nếu một quốc gia chỉ biết mua sản phẩm, thiết bị của nước khác hoặc chỉ lắp ráp, gia công, quốc gia ấy sẽ không bao giờ có được nền công nghệ cao hiện đại. Nhận thức đó là động lực để Viettel nỗ lực nghiên cứu, sản xuất thành công nhiều sản phẩm công nghệ quân sự và dân sự "Make in Vietnam".