Thời gian vừa qua xảy ra không ít vụ báo tin giả và đã bị cơ quan chức năng xử lý.
Có người báo tin giả bị trộm để che giấu việc mình đã lỡ xài hết tiền của gia đình, có người báo tin giả để chọc phá cơ quan công an, cũng có người báo tin giả chỉ... để cho vui.
Vất vả vì... tin giả
Mới đây, Công an huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết đã ra quyết định xử phạt hành chính 2,5 triệu đồng đối với bà H.T.T.N. (48 tuổi, trú xã Phong Hải, huyện Phong Điền) về hành vi "báo thông tin giả, không đúng sự thật đến các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền".
Trước đó, bà N. đến cơ quan công an trình báo bị kẻ gian đột nhập vào nhà lấy trộm tài sản gồm 70 triệu đồng và 5 chỉ vàng.
Sau khi nhận tin báo, Công an huyện Phong Điền đã đến nhà bà N. để thực nghiệm hiện trường. Qua điều tra kết hợp với lời khai của bà N., phía công an nhận thấy đây có thể là một vụ dựng hiện trường giả.
Bằng biện pháp nghiệp vụ, công an đã khiến bà N. khai nhận việc bà dựng hiện trường giả rồi báo công an nhằm mục đích vụ lợi cá nhân.
Theo đó vào cuối năm 2022, bà N. được chồng giao quản lý số tiền 70 triệu đồng. Trong quá trình sinh hoạt hằng ngày, bà N. đã tiêu hết số tiền trên.
Sợ chồng la mắng, bà đã quyết định dựng hiện trường một vụ trộm giả để báo công an.
Trước bà N., Công an TP Huế cũng đã xử phạt hành chính đối với Lê Văn T. (20 tuổi) vì hành vi báo tin giả.
Theo đó do thiếu tiền tiêu xài, T. đã cầm cố xe máy của mình với giá 10 triệu đồng. Sau đó, T. báo với gia đình mình vừa bị hai thanh niên lạ mặt dùng dao khống chế, cướp đi xe máy.
Nhận được tin báo, lực lượng Công an TP Huế đã vào cuộc xác minh và phát hiện xe máy của T. đang nằm ở một tiệm cầm đồ trên địa bàn TP. Tại cơ quan công an, T. đã khai nhận hành vi của mình.
Mới đây, Phòng cảnh sát hình sự Công an tỉnh Vĩnh Long cũng vừa xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Dương Thanh Tâm (48 tuổi, ngụ xã Long Phú, huyện Tam Bình) và ông Trịnh Văn Hòa (61 tuổi, ngụ phường 8, TP Vĩnh Long) về hành vi báo thông tin giả.
Vào khoảng 10h25 ngày 11-5, ông Dương Thanh Tâm đến trực ban hình sự Công an tỉnh báo tin có kẻ gian đột nhập vào nhà riêng đánh con gái ông ngất xỉu và trộm tài sản trị giá khoảng 10 tỉ đồng.
Còn ông Trịnh Văn Hòa (là quản lý một doanh nghiệp tư nhân tại xã Tân Hạnh, huyện Long Hồ) vào trưa 16-5 đã đến Công an xã Tân Hạnh, huyện Long Hồ báo tin bị mất trộm 1,8 tỉ đồng.
Nhận được tin báo, Phòng cảnh sát hình sự Công an tỉnh Vĩnh Long phối hợp với đơn vị chức năng và công an các huyện nhanh chóng đến hiện trường, điều tra làm rõ vụ việc. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan công an xác định cả hai vụ báo tin trên đều là giả.
Làm việc với cơ quan công an, cả ông Tâm và ông Hòa đều thừa nhận báo tin giả, không có vụ việc gia đình, doanh nghiệp bị kẻ gian đột nhập trộm tài sản.
Công an tỉnh Vĩnh Long đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Tâm và ông Hòa, mỗi người 1 triệu đồng, buộc viết cam kết không tái phạm.
Coi chừng đi tù thật
Theo luật sư Võ Công Hạnh (Đoàn luật sư tỉnh Thừa Thiên Huế), căn cứ nghị định 144 (năm 2021) của Chính phủ thì người cố tình tung tin giả hoặc báo tin giả lên cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có thể bị xử phạt hành chính từ 2-3 triệu đồng.
Riêng người vi phạm là cán bộ, công chức, viên chức nếu cố ý tố giác, báo tin giả về tội phạm thì áp dụng điều 23, nghị định 31 (năm 2019), để xử lý. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo ông Hạnh, nếu người vi phạm nhận thức được những thông tin họ đưa ra hoàn toàn không có thật hoặc tự bịa đặt, dựng chuyện để tố cáo nhằm gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vu khống.
"Trường hợp này người vi phạm có thể bị truy tố ở khung cao nhất lên đến 7 năm tù. Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị buộc phải bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định Bộ luật Dân sự", ông Hạnh nói.
Đồng quan điểm, luật sư Diệp Năng Bình (trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông Luật) cho biết căn cứ quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi 2017) thì việc tố giác, tin báo tội phạm vừa là quyền cũng vừa là nghĩa vụ của công dân.
Công dân tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố là người phát hiện hay có thông tin về tội phạm tố cáo, báo cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền, kiến nghị xét xử, xử lý vụ việc. Hình thức tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố có thể bằng lời nói hoặc văn bản.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay có nhiều trường hợp công dân lợi dụng quyền được tố giác, báo tin của mình để báo tin giả về tội phạm sai sự thật gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội. Việc báo tin giả tùy vào tính chất, mức độ hành vi có thể bị xử phạt hành chính hoặc hình sự.
Theo điều 9, pháp lệnh 02 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (có hiệu lực từ ngày 1-9-2022), cá nhân báo tin tội phạm sai sự thật có thể bị phạt tiền từ 1 - 30 triệu đồng. Còn đối với tổ chức có vi phạm, mức phạt tiền sẽ được áp dụng gấp hai lần so với mức phạt cá nhân.
Còn theo điều 156 Bộ luật Hình sự (năm 2015, sửa đổi 2017), người nào bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vu khống với mức hình phạt cao nhất lên đến 7 năm tù.
Đồng thời người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.
Vì vậy, công dân trước khi báo tin cần bình tĩnh khai báo đúng sự thật tránh để bị xử lý vi phạm pháp luật không đáng có.
Trong tháng 3-2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát hiện và chuyển cơ quan chức năng xử lý tám vụ án dùng trạm phát sóng BTS phát tán tin nhắn lừa đảo tại năm tỉnh thành.