Vấn đề nhà ở xã hội (NƠXH) được nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho ý kiến tại phiên thảo luận tổ của QH vào sáng 5-6 về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).
Nhà nước định giá bán NƠXH
Nêu ý kiến thảo luận tại tổ liên quan tới NƠXH, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng NƠXH có hai loại, một loại do Nhà nước đầu tư, hai là do doanh nghiệp (DN) đầu tư. Đối với loại do Nhà nước đầu tư thì cần ghi rõ là UBND tỉnh giao chủ đầu tư thực hiện và giá bán, giá thuê do UBND tỉnh quy định. Lý do là vì Nhà nước đầu tư NƠXH thì đương nhiên Nhà nước quy định giá bán cho các đối tượng được mua NƠXH.
Ông Phớc cho hay hiện dự thảo luật chưa quy định ai duyệt giá bán đối với NƠXH do DN đầu tư. Theo ông, Nhà nước phải duyệt giá bán NƠXH vì DN chỉ đầu tư vốn, còn đất là do Nhà nước giao mà không thu tiền sử dụng đất và giao đất sạch thì đương nhiên Nhà nước phải khống chế mức giá bán tối đa.
Dự án nhà ở xã hội tại xã Kim Hoa, huyện Mê Linh, Hà Nội đang được xây dựng. Ảnh: TRỌNG PHÚ |
Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng cho rằng khi Nhà nước quy định giá tối đa thì NƠXH do DN đầu tư mới bán đúng đối tượng, cho thuê đúng đối tượng và Nhà nước mới khống chế được. Nếu không sẽ rơi vào “kênh” nhà ở thương mại.
“Tôi muốn nhấn mạnh một dạng Nhà nước đầu tư, một dạng nguồn xã hội hóa, tức DN đầu tư nhưng Nhà nước đều phải quyết giá. Đối với dạng Nhà nước đầu tư thì bán đúng giá, còn với DN đầu tư thì phải quy định giá tối đa để khuyến khích đầu tư của DN, của nguồn vốn xã hội” - ông Phớc nói.
Về nội dung này, ĐB Tạ Thị Yên (Điện Biên) cũng cho rằng đối với giá bán, thuê NƠXH không do Nhà nước đầu tư thì phải “tính đúng, tính đủ” cho phí đầu tư vào giá bán để đảm bảo lợi ích của DN.
Tuy nhiên, khả năng đảm bảo quỹ đất, giá cả nguyên vật liệu và nguồn nhân lực cho các dự án NƠXH ở mỗi địa phương cũng khác nhau. Theo đó, ĐB Yên ủng hộ việc ghi vào luật tăng quyền chủ động cho địa phương trong hỗ trợ tài chính cho NƠXH. Bởi vì chỉ khi đó đối tượng của NƠXH mới có thể tiếp cận, hay lựa chọn được nhà ở với diện tích hợp lý, chất lượng xây dựng với giá cả phải chăng.
ĐB Yên cũng đề nghị khi xây dựng khung, bảng lương, thu nhập cho người lao động, làm công ăn lương ở các thành phần kinh tế thì cần tính toán đến khả năng mua, thuê NƠXH. “Tôi đề nghị các DN phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp tập trung, khu kinh tế dứt khoát phải có các dự án NƠXH cung cấp chỗ ở cho người lao động với mục đích phi lợi nhuận. Thậm chí có thể thành lập quỹ phát triển NƠXH ở nơi có nhiều khu, cụm công nghiệp lớn để phát triển nhà ở cho công nhân, người lao động” - bà Yên nói.
Tổng Liên đoàn Lao động đầu tư NƠXH?
Tại phiên thảo luận tổ, các ĐBQH cũng góp ý về quy định Tổng Liên đoàn Lao động (TLĐLĐ) Việt Nam là chủ đầu tư NƠXH, nhà lưu trú cho công nhân (khoản 3 Điều 81 và khoản 3 Điều 89).
Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng cho rằng khi Nhà nước quy định giá tối đa thì NƠXH do DN đầu tư mới bán đúng đối tượng, cho thuê đúng đối tượng và Nhà nước mới khống chế được.
Theo ĐB Nguyễn Tuấn Thịnh (Hà Nội), việc quy định như vậy là “chưa đầy đủ, có thể dẫn đến không khả thi trong triển khai thực tế”. “Ở đây chưa làm rõ được TLĐLĐ làm chủ đầu tư là với vai trò, tư cách như thế nào? Tài sản là NƠXH do TLĐLĐ Việt Nam đầu tư là để kinh doanh, hay là tài sản công, tài sản nhà nước. Sau khi đầu tư rồi thì việc quản lý, sử dụng, cho thuê như thế nào?” - ông Thịnh đặt câu hỏi.
Đồng tình với ý kiến này, ĐB Nguyễn Trúc Anh, Bí thư Huyện ủy Hoài Đức (Hà Nội), cho rằng việc triển khai dự án nhà ở cho công nhân nên giao cho chính quyền địa phương thực hiện chứ không nên giao cho TLĐLĐ. “Chính quyền địa phương là người tổng hợp tất cả chương trình phát triển đô thị, biết rõ quy hoạch như thế nào, tiền như thế nào và bố trí lộ trình như thế nào. Còn LĐLĐ chỉ nắm về đối tượng, chính sách…” - ĐB Trúc Anh nói.
Trước đó, trình bày báo cáo thẩm tra về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho hay phía Ủy ban Pháp luật tán thành TLĐLĐ Việt Nam là một “chủ thể có vai trò quan trọng” trong triển khai chính sách nhà ở cho công nhân, người lao động.
“Tuy nhiên, khi TLĐLĐ Việt Nam làm chủ đầu tư dự án nhà ở cho công nhân thì cần làm rõ tài chính dành cho các dự án đầu tư này sẽ lấy từ nguồn nào. Từ kinh phí do đoàn viên công đoàn đóng, từ kinh phí 2% do cơ quan, tổ chức, DN đóng hay bằng nguồn vốn đầu tư công do ngân sách nhà nước cấp hỗ trợ…” - chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nói.•
Đề nghị quy định niên hạn sử dụng chung cư
Góp ý tại phiên thảo luận, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng tán thành với quy định phải có thời hạn sử dụng chung cư. Theo ông Dũng, chung cư phải có thời hạn thì các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM mới đẩy nhanh được quá trình tái thiết đô thị, cải tạo lại các khu chung cư cũ đã xuống cấp.
Bí thư Hà Nội cho rằng việc quy định chung cư có thời hạn là thể hiện Nhà nước có trách nhiệm bảo vệ cuộc sống của người dân. Khi đã có quy định, khi chưa đến thời hạn hoặc sát đến thời hạn mà chung cư xuống cấp, người dân tự nguyện đồng tình thì Nhà nước cũng đứng ra làm.
Trong trường hợp nếu sở hữu chung cư không có thời hạn, đến lúc công trình xuống cấp, hỏng hóc và yêu cầu Nhà nước phải có trách nhiệm, theo ông Dũng là điều phải tính toán lại.
Tương tự, ĐB Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, cũng cho rằng nên quy định lại chung cư phải có niên hạn sử dụng. Trong trường hợp chung cư hết thời hạn, kiểm định vẫn tốt thì tiếp tục sử dụng, còn không đảm bảo thì phá dỡ.
“Nhà chung cư sở hữu dài hạn có giá 40 triệu đồng/m2 nhưng chỉ sở hữu 50 năm, giá chỉ 30 triệu đồng/m2. Giá chênh lệch rất nhiều như vậy thì ai là người hưởng lợi? Quy định như hiện nay thì chính chủ đầu tư hiện nay là đơn vị được hưởng lợi. Đưa ra thời hạn, nhiều ý kiến phản đối vì lợi ích của chủ đầu tư” - ông Cường nói.
Theo đó, ông Cường đề nghị đất dành xây dựng nhà chung cư không nên có sổ hồng vĩnh viễn, mà là đất thuê có thời hạn 50-70 năm. Nếu quy định như vậy, tiền thuê đất sẽ rẻ hơn rất nhiều, từ đó người mua nhà sẽ được hưởng lợi.