Họ gọi đó là lá ngo, dùng để ủ líp trồng dâu. Một nghề kiếm tiền kỳ lạ, vì có nhiều nhà vườn bỏ tiền mua.
Làm chơi, kiếm tiền thật
6h sáng, vợ chồng ông Hoàng Văn Luyến (65 tuổi) chạy xe vào đồi thông thuộc tiểu khu 145 (thị trấn Lạc Dương) cách nhà chừng 2km. Mỗi người một cái cào, họ men theo dốc đồi lên cao, cào lá thông gom thành đống. Lát sau, ai cũng đổ mồ hôi dù khí trời buốt lạnh.
Đi ủng, đeo bao tay, bà Sáu (58 tuổi, vợ ông Luyến) hết xoay bên trái lại xoay bên phải, nhanh tay cào cho chồng gom bỏ vào bao. Chiếc bao tải màu rêu khi nhét đầy lá thì cao ngang đầu ông.
Ông nói: "Tôi lựa bỏ bớt cành cây lẫn trong lá nếu không sẽ rách bao. Một cái bao không tôi mua 10.000 đồng. Mình phải nhét kỹ để bao chặt, đựng được nhiều. Thấy vậy chứ bao này 60-70kg, gặp mùa mưa lá ướt còn nặng hơn nữa".
Loại lá này theo các nhà vườn rất thích hợp để ủ líp dâu. Khi được hỏi, ông cũng không rõ từ năm nào các nhà vườn ở xứ này đã lấy lá thông khô ủ líp.
"Ủ như vậy vừa đỡ công làm cỏ, vừa làm lớp lót cho trái dâu. Dâu rất nhạy cảm, khó tính khó nết chạm đất là úng ngay, nhất là trong mùa mưa", ông nói. Khi lá thông mục, nhà vườn sẽ thay lớp khác vì nếu không dâu dễ nhiễm nấm từ đất.
Ông kể: "Muốn ủ đủ 2 sào dâu vườn tôi phải gom cỡ 35 bao. Hai vợ chồng gom cả ngày mướt mồ hôi, thêm đứa con trai đi theo chở lần lượt từng bao về. Chưa xong thì hôm nào rảnh gom tiếp". Chừng nửa tiếng, khi đã nhét đầy một bao, ông đứng nghiêng thủ thế rồi lăn bao xuống nơi có con đường mòn, chân bám vào dốc đồi để không trượt ngã.
Tất cả chỉ diễn ra chừng 1-2 phút, ông thả tay để bao lá lăn xuống nằm gọn dưới đường. Cùng con trai khiêng bao lên xe ràng chặt, ông lại leo lên đồi tiếp tục công việc. Hai vợ chồng vừa làm, vừa tính toán xem hôm nào sẽ ủ líp mới.
Cách đó một đoạn đường, hai vợ chồng bà Bùi Minh (45 tuổi, ngụ xã Lát, huyện Lạc Dương) cũng đang tất bật cào lá thông. Cả hai leo xuống những đoạn sườn đồi, nhanh tay người cào người gom để kịp giao cho nhà vườn.
"Chúng tôi bán mỗi bao 180.000 đồng cho một nhà vườn gần đây. Cũng có người thuê hai vợ chồng gom theo ngày công, mỗi ngày 280.000 - 300.000 đồng tùy khoảng cách xa gần", bà nói.
Giọt mồ hôi của nghề
Theo bà Minh, công việc cào lá thông cũng không quá cực nhọc, miễn là siêng năng và chịu khó. Thành phẩm là bao lá phải đáng đồng tiền bát gạo - căng cứng, ngập lá.
Còn theo chị Phương, do sức trẻ nên chị thấy công việc này không quá vất vả, có khi khỏe hơn đi làm cỏ vườn. Tuy nhiên, trời lạnh nên người cào cũng dễ mất sức.
Có lẽ, họ đã quen với nghề nên cảm nhận bình thường, nhưng khi chứng kiến một ngày làm việc của họ chúng tôi mới thấy công việc này không kém nỗi nhọc nhằn.
Ngồi nghỉ dưới tán thông, uống ngụm nước trà mang theo lúc sáng, vợ chồng ông Luyến quệt mồ hôi, bộc bạch về "nghề" tưởng làm chơi ăn thiệt này.
"Lá thông trơn nên khi bước trên đồi phải bấu chặt, hết sức cẩn thận. Lúc xuống đồi phải đi nghiêng, bước chậm để giữ thăng bằng. Giờ già cả rồi nên gom một buổi khom lên khom xuống là mỏi nhừ, nhưng chúng tôi vẫn tự đi vì quen việc và tiết kiệm chi phí", ông nói.
Việc di chuyển nhiều trên đồi dốc và lăn những bao lá nặng trịch cũng khiến họ lắm lúc thở không ra hơi.
Tiếp lời, bà Sáu nói phải tranh thủ gom lá thông vào mùa khô. Từ độ tháng 6 trở đi là mưa tới, dốc trơn, lá ướt nên việc gom bỏ bao khá nặng nề, lại nguy hiểm dễ té ngã. Bà cho biết: "Mùa mưa lá ít rụng nên muốn cào phải đợi nhiều ngày, đợi khi nắng lên. Còn bây giờ một vài ngày chúng tôi quay lại cào chỗ cũ lá đã rụng dày rồi".
Theo kinh nghiệm của những người cào lá thông, khu vực tiểu khu 145 thuộc thị trấn Lạc Dương có đồi thông dày, dễ tìm thấy những khu lá rụng thành lớp. Người dân vốn tính hiền hòa, lá thông ai thích thì cào, vì họ đều coi là của trời cho.
"Mùa gió mạnh, lá ngo rụng càng nhiều chúng tôi cào càng nhanh", bà Minh nói. Công việc này cũng giúp hai vợ chồng bà đủ trang trải cuộc sống. Có khi, họ tranh thủ lượm củi khô, hái rau rừng, nấm... trong quá trình đi cào lá.
Trải lòng như thế nhưng khi nhà vườn có nhu cầu, người cào lá thông cũng không ngại nắng mưa, miệt mài dưới những tán lá cao vút. Buổi trưa, họ ngồi dưới gốc cây, ăn phần cơm mang theo và ngả lưng một chặp. Chừng 13h, họ lại tiếp tục công việc.
Chiều buông, đồi thông tối rất nhanh. Hai vợ chồng bà Minh giở tay gom hai bao lá nên đã để lại hôm sau cào tiếp. Bà nói vui, để ở đây cả tháng cũng còn nguyên.
"Người đi cào lá chừng 4h-5h chiều là về rồi. Nhiều người cũng thường để lại nếu chưa đầy bao", bà nói. Nhà xa, họ thu xếp dụng cụ nhanh chóng ra về. Bà vác cào trên vai, ông vặn ga trèo lên con dốc xa xa, nơi những bông cà phê điểm trắng một khoảng đồi.
Còn thông, còn cào lá ủ dâu
Những người làm vườn luôn biết cách tận dụng những thứ sẵn có để làm tươi tốt mảnh đất của mình. Nhân công bỏ sức, nhà vườn bỏ tiền, họ đã làm cho những vườn dâu thêm xanh tươi nhờ lá thông - vật liệu tưởng chừng như bỏ đi.
Anh Kră Jan Công (33 tuổi, ngụ thị trấn Lạc Dương) nhiều năm nay đều dùng lá thông khô ủ líp cho ba sào dâu ngay mặt tiền đường Vạn Xuân. Anh vừa mua về hơn chục bao để chuẩn bị thay lớp ủ líp.
"Thường một năm tôi sẽ thay hai lần, mỗi lần tốn cỡ 50 bao, mỗi bao mua lại từ người khác là 250.000 đồng. Tính ra vẫn đỡ hơn thuê nhân công làm cỏ mà lại tốt đất. Và quan trọng là dù có thuê người làm cỏ thì cũng phải lót bạt hoặc một lớp lá thông để trái dâu không chạm đất úng", anh chia sẻ.
"Ăn theo" nghề cào lá thông, một số người sống ở khu này cũng nhận chở xe lá theo chuyến. Anh Lê Xuân Công (39 tuổi, ngụ thị trấn Lạc Dương) từ hồi mua xe tải nhỏ cũng nhận chở, mỗi chuyến chừng 200.000 - 300.000 đồng tùy khoảng cách xa gần.
Anh kể: "Có một số nhà vườn diện tích rộng nên thuê một lúc 6-7 nhân công cào số lượng nhiều. Cũng có khi tôi chở giao cho mấy nhà vườn ngoài TP Đà Lạt".
Thành phố mộng mơ này thì ra cũng có một nghề kiếm tiền từ lá thông như thế. Ít ai biết những khi thông reo rì rào, bên dưới là những con người chăm chỉ gom lộc trời, phục vụ nhà vườn trồng những líp dâu bán đi muôn nơi.
***********
Leng keng, leng keng, ngay giữa trung tâm thành phố lớn nhất nước, vẫn có những người đạp xe đi bán kem dạo như thuở nghèo khó cách đây hàng chục năm trước.
>> Kỳ tới: Leng keng, kem dạo giữa thành phố
Những địa chỉ sửa đài radio lâu năm ở Hà Nội mà chúng tôi tìm lại đã không còn, người sửa loại đồ cổ này ngày càng hiếm. Thế nhưng ở Hải Phòng lại có người thợ già quanh năm không hết việc.