vĐồng tin tức tài chính 365

Gợi ý bài giải môn văn thi lớp 10 tại TP.HCM

2023-06-06 12:20

1. Mở bài:

Từ bao giờ đến tận bây giờ, vẻ đẹp thiên nhiên bốn mùa của quê hương, đất nước đã trở thành đề tài quen thuộc trong thơ ca Việt Nam. Vẻ đẹp bình dị, gần gũi của thiên nhiên đất trời đã được khắc họa thành công trong bài "Sang thu" của Hữu Thỉnh. Qua hai khổ cuối của bài "Sang thu", nhà thơ đã giúp ta cảm nhận được vẻ đẹp của thiên nhiên và chiêm nghiệm cuộc đời trong thời khắc giao mùa từ hạ sang thu.

2. Thân bài

a. Hoàn cảnh sáng tác:

Bài thơ "Sang thu" được Hữu Thỉnh sáng tác năm 1977, sau khi đất nước ta được giải phòng, dân tộc ta bắt đầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

b. Phân tích hai khổ thơ cuối bài "Sang thu"

- Nếu như khổ thơ đầu bài Sang thu là cảm xúc ngỡ ngàng, bâng khuâng, xao xuyến của tác giả trước khúc giao mùa từ hạ sang thu thì theo dòng cảm xúc trôi theo thời gian, tác giả cảm nhận rõ hơn sự vận động của mùa thu qua những sắc thái đổi thay của tạo vật:

"Sông được lúc……sang thu"

- Bởi giao mùa nên tất cả đều lưng chừng. Vì sao sông "dềnh dàng" còn chim lại "vội vã".

-Sông thu cạn nước, chảy chậm lại, nhẹ nhàng, thong thả, không cuồn cuộn như mùa hè. "Dềnh dàng" là chậm rãi, từ từ trôi, như đang lắng lại, trầm xuống. Trái ngược lại, đàn chim thì vội vã tranh thủ kiếm mồi và tránh rét ở phương Nam. Sự vội vàng đó phải chăng cũng là sự vội vàng trong tâm hồn Hữu Thỉnh muốn được mở rộng lòng mình đón nhận mọi rung động dù là nhỏ trong cuộc sống.

- Cái hay của Hữu Thỉnh là sự quan sát rất tinh tế: từ thấp đến cao, từ gần đến xa. Không gì lọt ra khỏi "tầm ngắm" của nhà thơ, biết bao vận động âm thầm mà sâu kín của thiên nhiên qua tâm hồn thi sĩ được dịp phô diễn. Mùa thu trở nên sống động lạ thường!

- Ranh giới từ hạ sang thu vốn mong manh, mơ hồ, bỗng trở nên cụ thể qua hình ảnh "đám mây". Đây là một liên tưởng sáng tạo thú vị, một phát hiện rất mới lạ. Mây là thực, ranh giới chuyển mùa là ảo. Hình ảnh đám mây trong tưởng tượng của nhà thơ trôi lững lờ, bảng lảng trên tầng không làm cho người đọc cảm nhận không gian và thời gian lúc chuyển mùa mới đẹp làm sao! Có thể nói đây là hai câu thơ đẹp nhất trong bài, làm cho ta hình dung về một đám mây mỏng, nhẹ, trắng xốp, kéo dài như tấm khăn voan duyên dáng… "vắt nửa mình sang thu". Cái mới mẻ ở đây đọng lại trong từ "vắt", gợi tả một chút gì là rõ rệt như cái bản lề đóng mở giữa hạ thu, nó cũng tả được cái mềm mại, phiêu bồng, lãng đãng khi bước sang thu. Câu thơ có tính tạo hình không gian nhưng lại có ý nghĩa diễn tả sự vận động của thời gian: thu bắt đầu sang, hạ chưa qua hết, mùa thu vừa chớm, rất nhẹ, rất dịu, rất êm mơ hồ như đất trời đang rùng mình thay áo mới. (mở rộng)

=> Với lối diễn đạt thật ấn tượng, nhà thơ như mở ra trước mặt người đọc những dấu hiệu chuyển mùa ngày càng rõ rệt hơn, bức tranh thu như được mở rộng thêm ra cả chiều rộng lẫn chiều cao.

Khép lại khổ thơ thứ hai đến với khổ thơ cuối ta chợt nhận ra vẻ đẹp mùa thu ngày càng nổi bật qua những chuyển biến của thiên nhiên phảng phất ý nghĩa triết lý, suy ngẫm, chiêm nghiệm cuộc đời :

"Vẫn còn….đứng tuổi"

- Nắng mưa lúc sang thu cũng khác hơn hồi giữa hạ. Nắng nhạt dần, không chói chang gay gắt. Mưa ít hơn không ầm ầm đổ xuống. Hai hiện tượng tương phản này cho thấy sự ngập ngừng, chủ động của vạn vật trước thời gian. Nhắc đến một hiện tượng thiên nhiên rất đỗi quen thuộc, để rồi đưa người đọc đến một hiện tượng khác: "Sấm cũng bớt bất ngờ trên hàng cây đứng tuổi". Những từ ngữ "vẫn còn", "đã vơi dần", "cũng bớt" đều diễn tả được tính chất của sự chuyển mùa, là chiếc cầu nối nhẹ nhàng, chậm chậm nhưng lại rất rõ ràng..

- Hai câu cuối khái quát được quy luật tự nhiên: mưa ít, sấm cũng ít hơn, nhỏ hơn. Vì thế mà "hàng cây đứng tuổi" cũng bớt bất ngờ trước tác động của ngoại cảnh. "Hàng cây đứng tuổi" gợi cho ta hình ảnh con người trải qua bao sóng gió, từng trải với thời gian, nhiều kinh nghiệm. Còn "sấm" chính là những khó khăn, thử thách trong cuộc đời. Câu thơ giàu sức gợi tả nhưng cũng chở đầy triết lý qua nghệ thuật ẩn dụ: khi con người từng trải thì cũng vững vàng, bình tĩnh hơn trước thử thách của cuộc đời. Đôi khi thử thách đó còn là cơ hội để con người tự khẳng định mình. (mở rộng)

- Dường như bốn mùa luân chuyển quá nhanh như đời người luôn vật lộn với bao lo toan. Lúc nhìn lại thì đời người đã bước sang thu từ lúc nào. Nuối tiếc vẫn là cảm xúc của con người trước dòng thời gian, con người đã bước sang tuổi trung niên, sang thu nhưng lòng người không muốn, cứ nhớ tiếc mùa hạ, tuổi thanh xuân tươi trẻ, chưa muốn toan về già, chưa muốn sang thu. Tâm trạng ấy nhà thơ gửi vào cảnh vật, gửi vào trạng thái của thiên nhiên.

=> Qua đây, ta thấy Hữu Thỉnh rất đỗi tinh tế, nhạy bén trong cảm nhận và liên tưởng. Mùa thu thường không rạo rực, ấm áp như mùa xuân, không sôi động rộn ràng như mùa hạ, hay lạnh lẽo thê lương như mùa đông. Thu đến rất nhẹ nhàng và đi rất lặng lẽ. Thu không đánh thức ta bằng những âm thanh vang động, màu sắc lộng lẫy, hương vị ngọt ngào mà gieo vào lòng ta những thoáng xao động, mơ màng, gợi trong ta những suy nghĩ sâu xa về cuộc sống.

c. Phân tích khổ 1 "Mùa xuân nho nhỏ" :

Cùng viết về những biến chuyển của thiên nhiên và lòng người ta không thể không nhắc đến "Mùa xuân nho nhỏ" của nhà thơ xứ Huế - Thanh Hải. Nếu như Hữu Thỉnh phác họa vẻ đẹp của đất trời lúc giao mùa hạ thu ở đồng bằng Bắc Bộ thì trong khổ đầu của bài "Mùa xuân nho nhỏ", Thanh Hải đã phác họa nên một bức tranh thiên nhiên mùa xuân xứ Huế tươi đẹp, rộn rã, đầy sức sống chỉ bằng vài nét bút:

"Mọc giữa dòng sông xanh

Một bông hoa tím biếc

Ơi con chim chiền chiện

Hót chi mà vang trời"

Bức tranh mùa xuân có không gian cao rộng với dòng sông, mặt đất và bầu trời bao la. Bức tranh vô cùng tươi đẹp bởi có màu xanh của dòng sông, màu tím biếc của bông hoa, một màu sắc đặc trưng của xứ Huế. Bức tranh ấy còn có cả âm thanh tươi vui, vang vọng giữa bầu trời bao la của chim chiền chiện, một loài chim vốn được xem là tín hiệu của mùa xuân. Âm thanh vui tươi quen thuộc ấy làm cho không khí mùa xuân trở nên rộn rã, vui tươi, náo nức lạ thường. Hai động từ "mọc", "hót" đứng đầu hai câu thơ làm cho bức tranh thiên nhiên tràn đầy sức sống mùa xuân.

Đứng trước vẻ đẹp ấy của mùa xuân, Thanh Hải say mê ngây ngất:

"Từng giọt long lanh rơi

Tôi đưa tay tôi hứng."

"Từng giọt" ở đây là giọt mưa xuân long lanh nhưng cũng có thể hiểu là giọt âm thanh tiếng chim long lanh dưới ánh mặt trời. Nhà thơ say mê đưa tay ra hứng từng giọt âm thanh tiếng chim chiền chiện. Nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác ở hai câu thơ này khiên cho câu thơ giàu tính nghệ thuật hơn. Nhưng dù hiểu thế nào thì hai câu thơ vẫn thể hiện tình cảm say mê, ngây ngất của nhà thơ trước vẻ đẹp của thiên nhiên, đất trời lúc vào xuân.

a. Điểm chung, nét riêng:

Trong hai khổ cuối bài "Sang thu" và khổ thơ đầu của bài thơ "Mùa xuân nho nhỏ", với ngòi bút tài hoa và tâm hồn nghệ sĩ giàu cảm xúc, có thể nói hai tác giả Thanh Hải và Hữu Thỉnh đã vẽ lên bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp của quê hương đất nước bằng những hình ảnh chọn lọc, tiêu biểu như "dòng sông", "bông hoa", "chim chiền chiện" "đám mây mùa hạ"… và sự cảm nhận tinh tế của một tâm hồn chan chứa tình yêu thiên nhiên, quê hương đất nước.

Hai khổ thơ trong hai bài thơ tuy đều phác họa bức tranh thiên nhiên của quê hương đất nước và sự suy ngẫm, cảm xúc của các nhà thơ nhưng mỗi bức tranh đều mang một vẻ đẹp riêng. Bức tranh trong khổ đầu của bài "Mùa xuân nho nhỏ" là bức tranh mùa xuân của xứ Huế tươi đẹp, rộn rã, đầy sức sống được tác giả phác họa bằng những hình ảnh tự nhiên đẹp giản dị như "dòng sông", "bông hoa tím biếc", "con chim chiền chiện", giọng điệu vui, say sưa. Còn bức tranh thiên nhiên trong khổ hai của bài "Sang thu" của Hữu Thỉnh lại là một nét của bức tranh miêu tả cảnh vật vào khoảnh khắc giao mùa hạ - thu ở vùng đồng bằng Bắc Bộ vô cùng mơ hồ mong manh. Tác giả đã chọn miêu tả trạng thái của những hình ảnh đẹp giàu sức biểu cảm như "dòng sông", "cánh chim", "đám mây mùa hạ". Đặc biệt là trí tưởng tượng độc đáo, sự nhận tinh tế của nhà thơ. Từ đó tạo nên một nét rất riêng cho bức tranh giao mùa hiếm có trong thơ ca Việt Nam.

3. Kết bài:

Tóm lại, hai khổ thơ cuối của bài "Sang thu", và khổ đầu "Mùa xuân nho nhỏ" củaThanh Hải mỗi nhà thơ đều có những cảm nhận riêng về cảnh sắc thiên nhiên của quê hương đất nước và suy ngẫm về đời người. Cảnh thiên nhiên trong bức tranh nào cũng tuyệt đẹp nhưng đều có những nét riêng biệt. Với những thành công ấy, hai khổ thơ trong hai bài thơ đã góp phần tái hiện lại vẻ đẹp quê hương đất nước ta và từ đó gợi nhắc trong mỗi chúng ta những tình cảm đẹp với thiên nhiên, quê hương đất nước.

Xem thêm: mth.3023430160603202-mch-pt-iat-01-pol-iht-nav-nom-iaig-iab-y-iog/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Gợi ý bài giải môn văn thi lớp 10 tại TP.HCM”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools