Trong xu thế toàn cầu hoá mạnh mẽ, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng là lĩnh vực quan trọng đối với hoạt động kinh doanh, đặc biệt là kinh doanh xuất nhập khẩu. Để đáp ứng cơn “khát” nhân lực trình độ cao tại ngành nghề đầy tiềm năng này, nhiều trường ĐH trên cả nước đã mở các ngành đào tạo Logistics trong những năm gần đây.
Tính đến tháng 10/2021, Việt Nam đã có 49 trường đại học trong tổng số 286 trường đại học trên phạm vi cả nước tuyển sinh và đào tạo ngành/chuyên ngành logistics với tổng quy mô tuyển sinh là 4.100 chỉ tiêu và tổng số lượng đang theo học tại trường khoảng 7.000 sinh viên.
Trong đó phải kể đến 3 ngôi trường có thể mạnh đào tạo khối ngành kinh tế, vẫn được ví von như những “ông lớn kinh tế” tại miền Bắc là ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Ngoại thương và Học viện Tài chính. Nhiều người vẫn thường gắn “ông lớn kinh tế”. Bởi đây là cơ sở đào tạo chuyên cung cấp các ngành học thuộc khối kinh tế có chất lượng cao.
Đáng chú ý, điểm chuẩn ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng đều nắm giữ vị trí top đầu, thu hút số lượng lớn thí sinh quan tâm mỗi năm.
1. ĐH Kinh tế quốc dân
Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng của ĐH Kinh tế quốc dân luôn chứng tỏ được sức hút “không phải dạng vừa” của mình khi là ngành có điểm chuẩn thi THPTQG cao nhất năm 2020 và 2021 (28 và 28,3 điểm), trung bình thí sinh cần 9,3-9,4 điểm/môn để đỗ. Dù điểm chuẩn giảm nhẹ năm 2022, xếp sau ngành Quan hệ công chúng nhưng ở phương thức xét tuyển kết hợp, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng vẫn là ngành “hot” nhất NEU.
Nguồn: NEU.EDU
Sinh viên sẽ có 2 lựa chọn để học ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng ở ĐH Kinh tế quốc dân: Chương trình tiếng Việt và Chương trình tiếng Anh tích hợp chứng chỉ quốc tế. Với Chương trình tích hợp chứng chỉ quốc tế, sinh viên được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh và có cơ hội tiếp cận các môn học hiện đại với giáo trình hoàn toàn của nước ngoài theo chương trình đào tạo của Đại học Long Beach (Hoa Kỳ). Học phí ngành Logistics NEU dao động 16-60 triệu đồng/năm, tùy theo chương trình học.
ĐH Kinh tế quốc dân
2. ĐH Ngoại thương
Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng là một chuyên ngành mới mở năm 2018 nhưng cũng nhanh chóng lọt top những ngành điểm cao nhất nhì “Havard Chùa Láng”. Với điểm chuẩn 28,8 theo phương thức xét điểm thi THPTQG năm 2021, Logistics đồng hạng 1 với các chuyên ngành Kinh tế đối ngoại, Thương mại quốc tế, Kinh doanh quốc tế vốn đã rất “hot” tại FTU. Trung bình thí sinh cần đạt 9,6 điểm/môn mới có thể trở thành sinh viên chuyên ngành này.
Bên cạnh đó, điểm chuẩn Logistics năm 2020 và 2022 đều xếp hạng 2 trong các ngành đào tạo tại FTU Hà Nội (28,35 điểm và 28,7 điểm).
Nguồn: FTU.EDU
Chương trình đào tạo cử nhân Logistics và quản lý chuỗi cung ứng tại FTU được thiết kế có tính tương thích với các chương trình đào tạo của các trường đại học uy tín trên thế giới, và có sự tích hợp với chuẩn đào tạo của Liên đoàn các Hiệp hội giao nhận quốc tế (FIATA). Sinh viên có cơ hội được học liên thông, tham gia hoạt động trao đổi học tập và thực hành tại các trường đại học trên thế giới đồng thời nhận được các chứng chỉ của FIATA có giá trị quốc tế.
ĐH Ngoại thương Hà Nội
3. Học viện Tài chính
Năm 2021, chuyên ngành Hải quan và Logistics chất lượng cao là ngành có điểm chuẩn cao nhất của Học viện Tài chính xét trên thang điểm 40 (36,22 điểm, trong đó điểm tiếng Anh nhân đôi). Năm 2022 ngành này giảm 2 điểm so với năm trước, điểm chuẩn 34,28 điểm nhưng vẫn cao thứ 2 chỉ sau ngành Ngôn ngữ Anh.
Nguồn: HVTC.EDU
Theo nhận định của Chuyên gia cao cấp Nguyễn Tương, Nguyên Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, “Hải quan và Logistics chất lượng cao là sản phẩm đào tạo độc đáo chỉ Học viện Tài chính mới có”.
Điểm nổi bật trong chuyên ngành Hải quan và Logistics chính là nội dung đào tạo được thiết kế theo tiếp cận định hướng với chương trình học thuật và chứng chỉ hành nghề chuẩn quốc tế - quốc gia, trong đó 2 chứng chỉ quốc tế của FIATA và 1 chứng chỉ hành nghề khai thủ tục Hải quan của Việt Nam. Trên 60% môn học chuyên ngành học bằng tiếng Anh. Học phí của ngành này từ 48-50 triệu đồng/năm.
Học viện Tài chính
Sức hút của ngành học liên quan đến logistic tại các trường đại học đang tương ứng với tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Theo báo cáo của ResearchAndMmarket.com, quy mô thị trường logistics toàn cầu ước tính đạt 3.215 tỷ USD vào năm 2021, tăng 17,6% so với năm 2020.
Bắt nhịp với đà tăng trưởng đó, ngành logistics Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể. Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành đạt 14-16%.
Dựa trên báo cáo logistic Việt Nam quý 3 năm 2022, VIRAC Research - chuyên cung cấp các báo cáo nghiên cứu, phân tích chuyên sâu về các ngành kinh tế cho khách hàng trong nước và nước ngoài dự báo quy mô ngành logistic Việt Nam sẽ đạt khoảng 53 tỷ USD vào năm 2022, tăng 15% so với năm 2021. Quy mô ngành logistic Việt Nam cũng được dự báo sẽ đạt mốc 61 tỷ USD vào năm 2023.
Nguồn: VIRAC Research
Theo bảng xếp hạng Agility 2022, thị trường logistic Việt Nam được xếp thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu. Riêng về "cơ hội logistics quốc tế", Việt Nam đứng vị trí thứ 4, do vị thế ngày càng tăng như điểm đến cho các công ty muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Việt Nam hiện là quốc gia đứng đầu trong các nước ASEAN về số lượng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistic được Cơ quan Quản lý hoạt động hàng hải của Mỹ (FMC cấp phép).
Cùng với hội nhập sâu rộng và đà phục hồi Covid-19, ngành logistics Việt Nam có nhiều tiềm năng và dư địa để phát triển, đưa xuất, nhập khẩu trở thành điểm sáng trong bức tranh kinh tế.
Nguồn: Tổng cục Thống kê
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam đều tăng trưởng trong 4 năm trở lại đây. Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 723 tỷ USD. Con số này phá vỡ kỷ lục đã được thiết lập vào năm 2021, 668 tỷ USD.
Với sức tăng trưởng, cùng mục tiêu trở thành "hub logistics" mới của khu vực, Viện Nghiên cứu và phát triển Logistics Việt Nam dự báo đến năm 2030, ngành logistics nước ta cần bổ sung 2,2 triệu nhân lực, cũng như có nhu cầu khoảng 200.000 nhân lực logistics chất lượng cao có bằng cấp chứng chỉ chuyên môn, có kỹ năng nghiệp vụ và năng lực ngoại ngữ.
Nhu cầu nhân sự cao nhưng khi được hỏi về mức độ sẵn có của nhân lực logistics trên thị trường lao động, các doanh nghiệp đều cho biết chỉ đạt mức dưới trung bình. Đặc biệt các vị trí quản trị cấp cao và cấp trung đều có mức độ sẵn có trên thị trường khá thấp. Điều này có nghĩa là doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn với công tác tuyển dụng.
Theo Báo cáo Logistics năm 2021, nguyên nhân cơ bản dẫn đến việc tuyển dụng nhân lực logistics khó khăn đa phần liên quan đến trình độ của người lao động.
Nguồn: Tổng cục Thống kê
Theo đó, nguyên nhân liên quan đến lao động thiếu kiến thức và kỹ năng chuyên môn, lao động thiếu đam mê công việc, lao động hạn chế về trình độ ngoại ngữ là cản trở lớn trong việc tuyển dụng đối với ngành này.
Việc chất lượng lao động của ngành logistics không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp cũng được phản ánh bằng dữ liệu được Báo cáo Logistics 2021 công bố. Theo đó, khi được đề nghị đánh giá chất lượng nhân lực logistics so với yêu cầu của doanh nghiệp câu trả lời của các doanh nghiệp đều cho thấy chất lượng của các loại hình nhân lực logistics trên thực tế đều thấp hơn so với nhu cầu của doanh nghiệp. Điều này đồng nghĩa là chất lượng nhân lực logistics hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu và đòi hỏi của doanh nghiệp.
Khát nhân lực chất lượng cao, vì thế những nhân sự được đào tạo bài bản từ các trường đại học được các doanh nghiệp logistics săn đón với mức lương hấp dẫn.
Theo Tổng cục Thống kê, mức lương khởi điểm của nhân viên logistics tại Việt Nam vào khoảng 350 - 500 USD/tháng; mức lương trung bình của vị trí quản lý Logistics là 3.000 - 4.000 USD/tháng và Giám đốc chuỗi cung ứng là 5.000 - 7.000 USD/tháng (124-173 triệu đồng).