Báo cáo "Từ ý tưởng đến công bố quốc tế của sinh viên y khoa" do Thảo Linh trình bày tại Hội nghị giáo dục y học sinh viên toàn quốc năm 2023 vừa qua nhận được sự quan tâm lớn.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ về bài báo khoa học đã được công bố trên tạp chí quốc tế, cô cho biết: "Bài báo "Testing reliability and validity of the Vietnamese version of the eHealth literacy scale (eHEALS) among medical students in Vietnam" (tạm dịch: Kiểm định độ tin cậy và tính chính xác của thang đo hiểu biết sức khỏe (eHEALS) của sinh viên y khoa tại Việt Nam) được xuất bản trên tạp chí International Journal of Medical Infomatics. Đây là tạp chí quốc tế uy tín xếp hạng Q1 với hệ số ảnh hưởng (IF- Impact factor) 4.73. Bài báo đứng tên tám tác giả, trong đó tôi là tác giả chính".
* Bài báo đầu tiên của bạn đã được đăng trên tạp chí quốc tế danh tiếng. Xem ra, việc nghiên cứu và viết báo khoa học của bạn đều thuận lợi?
- Bài báo tôi thực hiện khi đang là sinh viên năm thứ ba, nên sự non nớt, thiếu kinh nghiệm là điều không thể tránh khỏi. Sau nhiều lần thử và sai, bằng nỗ lực và kiên trì của bản thân, sự hỗ trợ của các cộng sự cũng như sự hướng dẫn tận tình của thầy cô, tôi đã vượt qua khó khăn.
Tôi từng báo cáo ở hội nghị khoa học nhưng không đạt giải. Sau đó tôi tiếp tục sửa lại để nộp cho hai tạp chí quốc tế khác nhưng đều bị từ chối. Sau rất nhiều bản thảo thất bại, tôi đã có công bố quốc tế đầu tiên của mình.
Môi trường nghiên cứu thuận lợi, tích cực, được các thầy cô tận tình hướng dẫn về chuyên môn, giúp định hình mục tiêu nghiên cứu và thúc đẩy, truyền động lực cho tôi.
* Để nghiên cứu khoa học hiệu quả và có thể công bố quốc tế, theo Linh, sinh viên cần làm gì?
- Sau khi nhìn lại cả quá trình mình đã đi, tôi đúc kết lại và thấy được rằng do thiếu định hướng, mông lung về mục tiêu, dẫn đến thất bại liên tục. Tôi nhận ra rằng, mấu chốt của một bài báo khoa học chất lượng nằm ở chỗ phải xác định rõ ràng ý nghĩa thực tiễn và giá trị của nghiên cứu.
Theo tôi, các giai đoạn quan trọng khi làm nghiên cứu: trước hết cần lựa chọn vấn đề nghiên cứu ưu tiên, đó là những vấn đề cấp bách, mới lạ, đặt mục tiêu khả thi và thực tiễn. Tiếp theo là thu thập số liệu và xác định phương pháp nghiên cứu chuẩn xác. Cuối cùng là viết bài báo và xuất bản.
* Bạn cũng chỉ ra rằng khó khăn lớn nhất của sinh viên trong nghiên cứu và viết bài báo khoa học là vấn đề chi phí. Làm sao để khắc phục?
- Để giải quyết bài toán tiết kiệm chi phí, công sức và nguồn nhân lực, thứ nhất, cần có kế hoạch và lộ trình rõ. Thứ hai, tối ưu hóa quy trình nhờ ứng dụng công nghệ kỹ thuật để thay thế sức lao động và nâng cao hiệu suất làm việc. Thứ ba, áp dụng nguyên tắc "càng tỉ mỉ càng nhanh", cẩn thận trong mọi giai đoạn, ngay từ lúc bắt đầu nghiên cứu.
Trong thời đại công nghệ, các bạn sinh viên cần tích cực cập nhật thông tin và tận dụng những ưu đãi và quyền lợi của một sinh viên để tiết kiệm chi phí. Ví dụ như đăng ký các khóa học nghiên cứu, thống kê với mức phí ưu đãi; sử dụng những ứng dụng miễn phí phục vụ nghiên cứu, học tập; xin học bổng, tài trợ nghiên cứu... Để tiếp cận những cơ hội này không có cách nào khác là các bạn phải chủ động tìm kiếm thông tin.
Tạp chí quốc tế tôi lựa chọn có phạm vi và hình thức xuất bản phù hợp với tính chất bài báo khoa học từ sinh viên, cho phép đăng bài miễn phí. Đây là yếu tố quan trọng giúp tôi mạnh dạn công bố bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế có IF cao mà không quá lo lắng về chi phí đăng bài.
* Bạn đầu tư tiếng Anh ra sao để có thể nghiên cứu, tham khảo tài liệu nước ngoài và đủ vốn liếng để viết bài báo khoa học một cách trơn tru?
- Khả năng tiếng Anh hạn chế sẽ gặp khó khăn trong việc đọc tài liệu ngoại văn, nghiên cứu và viết bài báo khoa học. Để khắc phục, sinh viên cần tự học và cải thiện trình độ tiếng Anh, đặc biệt là kỹ năng đọc, viết, thông qua các bài báo khoa học quốc tế.
Các bạn có thể sử dụng các ứng dụng để hỗ trợ cho việc đọc tài liệu, một số phần mềm giúp sửa lỗi ngữ pháp, chính tả khi viết bài báo tiếng Anh, hoặc có thể tìm đến sự trợ giúp từ các thầy cô.
Trong số 22 tiến sĩ tốt nghiệp đợt tháng 4-2023 của Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM), có một phụ nữ công bố 6 bài báo khoa học thuộc Web of Science/Scopus trong 4 năm.