Nhiều đại biểu đề nghị cần có các giải pháp cụ thể để xử lý vấn đề này.
Dừng rút BHXH một lần đang rất khó
Nêu câu hỏi chất vấn, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM) đánh giá làn sóng rút BHXH một lần trong công nhân lao động thời gian qua có dấu hiệu tăng cao, đặc biệt khi có thông tin chuẩn bị trình Quốc hội phương án sửa Luật BHXH.
Theo bà Thúy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên nhưng quan trọng nhất là sự bất an đối với sự ổn định của chính sách. Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (Tiền Giang) cũng đề nghị có giải pháp căn cơ trong sửa luật để giải quyết thực tế lao động nữ trẻ rút BHXH một lần.
Trả lời, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết trước năm 2019, số người rút BHXH một lần bình quân một năm khoảng 500.000 người, đến năm 2022 tăng lên gần 900.000 người.
Số người rút cũng gần bằng số vào và đây là nguy cơ. Nếu tình trạng này không giảm, có nguy cơ khó đảm bảo an sinh xã hội cho người già, hệ thống chính sách an sinh xã hội khó đảm bảo tính bền vững.
"Do đời sống, thu nhập của người lao động ở mức thấp, khó khăn, nghĩ có một khoản để dành nên rút. Đối tượng rút chủ yếu là công nhân lao động và khu vực phía Nam chiếm tới 72%", ông Dung nêu.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng cần sửa đổi Luật BHXH theo hướng không hạn chế quyền mà tăng quyền lợi cho người đóng.
Tại kỳ họp tới, Quốc hội sẽ bàn các phương án khác nhau để có những quy định xử lý vấn đề rút BHXH một lần hiệu quả nhất.
Tranh luận sau đó, đại biểu Thúy cho rằng, mong muốn của người lao động là chính sách BHXH phải nhất quán và ổn định lâu dài.
Trao đổi lại, Bộ trưởng Dung cho rằng cần tính một cách tổng thể các chính sách liên quan đến bảo hiểm.
Trong đó, nếu cứ tiếp tục đóng 20 năm sẽ không chờ đợi được, nhất là những ngành thâm dụng lao động, dệt, may mà kéo dài 20 năm, nam đủ 62 tuổi sẽ khó.
Ông Dung nêu quan điểm của bộ là cần giảm dưới 15 năm và tiến tới có thể 10 năm theo thông lệ quốc tế.
"Đương nhiên, nếu đóng ngắn, đóng ít thì khi về hưu hưởng ít thôi, phải chấp nhận việc đó. Bên cạnh đó là nguyên tắc chia sẻ nhưng chỉ một phần, còn phải bình đẳng và đóng hưởng", ông Dung nói thêm.
Về vấn đề rút BHXH một lần, ông Dung nói đã nghe các chuyên gia, các cơ quan chức năng bàn rất nhiều, đưa ra các phương án khác nhau.
Nhưng việc dừng rút BHXH một lần rất khó khăn. Ông Dung nói thêm việc sửa đổi, quy định các điều kiện, trường hợp nào được rút và rút như thế nào, mức độ rút 100% hay bao nhiêu... Quốc hội kỳ họp sau sẽ xem xét, quyết định, còn cá nhân bộ trưởng không quyết định được.
Tạm chấp nhận phần trả lời của bộ trưởng
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại biểu Thúy cho rằng phần trả lời của bộ trưởng "tạm chấp nhận", thể hiện nghiên cứu sâu, đặc biệt, các chính sách đang được nghiên cứu.
Tuy nhiên, bà cho rằng phần trả lời của bộ trưởng chưa thực sự tạo yên tâm và thỏa mãn với người lao động. Hiện nay người lao động bày tỏ không an tâm với chính sách, song qua phần trả lời của bộ trưởng lại không rõ cách nào để họ yên tâm với chính sách BHXH.
"Bộ trưởng nói đang xây dựng chính sách với phương án tốt nhất nên không thể trả lời rõ hơn. Ở góc độ người lao động nếu nghe như vậy sẽ không hài lòng. Vấn đề quan trọng là cần tăng quyền lợi của người lao động khi duy trì bảo hiểm cho đến cuối thời gian lao động, giúp người lao động được hưởng mức cao nhất sau những năm đóng góp", bà Thúy nói.
Về các giải pháp lâu dài ngăn chặn tình trạng rút BHXH một lần, bà Thúy cho rằng cần nhìn vào thực trạng lực lượng lao động bởi nhóm lao động mất việc nhiều là trong khu vực dệt may, da giày...
Trong khi đó, nền sản xuất chưa đáp ứng và thay đổi kịp với thị trường xuất khẩu. Từ đó dẫn tới nhiều doanh nghiệp giảm rất lớn số lượng lao động, đặt yêu cầu, đòi hỏi nâng cao chất lượng lao động.
Bà Thúy nhấn mạnh trách nhiệm này lại không phải của riêng Bộ LĐ-TB&XH mà của nhiều ngành. Trong đó có ngành công thương, bộ phận nghiên cứu thị trường nước ngoài để có thể cảnh báo cho thị trường lao động trong nước... Khi đó mới có thể cạnh tranh được và nâng cao chất lượng lao động, tránh tình trạng lao động bị mất việc, phải rút BHXH một lần như vừa qua.
Còn đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội của Quốc hội) cho hay cá nhân ông cơ bản đồng tình với phần trả lời của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung.
Ông Nghĩa nói việc người lao động ồ ạt rút BHXH có tác động về nhiều mặt cho cá nhân người lao động và xã hội.
Thời gian tới cần tập trung tuyên truyền, vận động thay đổi và nâng cao nhận thức của người lao động, trong đó công đoàn phải quyết liệt hơn trong vấn đề này.
Cạnh đó, cần đẩy mạnh việc kết nối, giới thiệu việc làm, nâng cao kỹ năng nghề để người lao động bị mất việc nhanh chóng trở lại thị trường lao động.
Cùng với đó sớm hoàn thiện về pháp luật như điều chỉnh chế độ hưu trí. Trong đó, cần tính đến việc cơ cấu lại quỹ hưu trí thành hai phần gồm phần bắt buộc không được rút và phần bổ sung, được rút. Ngoài ra, cần điều chỉnh mức hưởng BHXH một lần cũng như điều kiện hưởng...
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cũng bày tỏ đồng tình với trả lời của Bộ trưởng Dung song đề nghị cần đảm bảo quyền lợi khi rút của người đóng BHXH.
Ông Trí cũng đề xuất, trong thời gian tới, khi sửa đổi các quy định về vấn đề nên đi theo hướng, với người đóng được 5 năm đầu thì chỉ được trả lại số tiền đúng bằng số tiền đã đóng. 6 - 15 năm tiếp chỉ được trả lại số tiền đóng cộng với lãi suất tiết kiệm trung bình.
Trên 15 năm thì trả lại toàn bộ tiền họ đóng, kể cả tiền cơ quan đã đóng cho họ như các quyền lợi đã được quy định, thông báo trước cho người đóng. Ông hy vọng rằng Bộ trưởng Dung và các bộ trưởng khác suy nghĩ để giải quyết thấu đáo.
TS BÙI SỸ LỢI (nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội):
Giảm thời gian đóng để ngăn rút BHXH một lần
Để hạn chế rút BHXH một lần, trước hết cần nỗ lực hơn để người lao động hiểu ý nghĩa, giá trị của BHXH và có chính sách hỗ trợ, giải quyết những khó khăn trước mắt cho họ để giữ được lưới an sinh. Nếu không, cả xã hội sẽ phải cùng nhau trả giá.
Thực tế, việc rút quỹ BHXH một lần có thể vẫn không đủ nguồn lực để trang trải cuộc sống và tạo mở việc làm của gia đình người lao động. Do đó, rất cần những gói vay ưu đãi để hỗ trợ thêm cho họ.
Đồng thời, cần có chính sách tạo "sinh kế" giải quyết việc làm bền vững, hoặc hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất, chuyển đổi ngành. Hỗ trợ đào tạo lại nghề cho người lao động qua quỹ bảo hiểm thất nghiệp...
Để hạn chế người lao động rút BHXH một lần, giải pháp giảm thời gian đóng BHXH xuống 15 năm, thậm chí 10 năm được hưởng lương hưu là phù hợp, rất tốt cho người lao động. Đề xuất này đã được đưa vào dự thảo sửa đổi Luật BHXH.
Thêm vào đó, phương án được đề xuất cho phép rút 50% BHXH một lần là giúp người lao động vượt qua được khó khăn trước mắt nhưng vẫn đảm bảo an sinh khi về hưu. Tuy nhiên cần giải thích làm rõ ưu, nhược để người dân đồng thuận.
Đại biểu NGUYỄN THỊ VIỆT NGA (Hải Dương):
Cần ngay chính sách hỗ trợ trước mắt cho người lao động
Nhiều người lao động có nhận thức rõ về lâu dài sẽ thiệt thòi nhưng phải giải quyết cái ăn, cái mặc trước mắt, phải tồn tại. Do đó, cần tập trung quan tâm đời sống hiện tại của người lao động như việc làm, hỗ trợ khác. Cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ ngay trước mắt trên cơ sở đúng đối tượng.
Hiện nay đã có nhiều quỹ được triển khai. Việc hỗ trợ người lao động dù có quỹ hay không, đều phải hướng đến giải pháp hỗ trợ trực tiếp cho người lao động đang gặp khó khăn, để họ không sử dụng đến tiền để dành cuối cùng là BHXH.
Việc thành lập quỹ phải qua quy trình, thủ tục hành chính, trong khi người lao động đang cần tiền ngay trước mắt, nên cần phát huy vai trò của gói hỗ trợ an sinh. Chúng tôi kỳ vọng bộ trưởng đưa ra giải pháp hỗ trợ cho người lao động. Bộ cần phải phân định rõ các vướng mắc để sớm tham mưu Chính phủ để tháo gỡ.
Người lao động đắn đo trước "cơn khát"
Ông Ngọc Truyền (công nhân thuộc diện cắt giảm lao động của Công ty TNHH PouYuen Việt Nam đợt này) vừa có buổi chia tay bịn rịn với chủ nhà trọ sau hơn 12 năm.
Ông Truyền tâm sự, ngay khi thấy tên mình trong danh sách bị cắt giảm đã chạy đông chạy tây kiếm việc.
Ngặt nỗi năm nay ông đã ngoài 50 tuổi. Đa số các công ty đều gặp khó, doanh nghiệp có tuyển thì cũng khắt khe hơn, có thì cũng chỉ chọn người trẻ, khỏe nên những gì ông nói đều có cơ sở.
Giờ ông Truyền đã chuyển về quê Trà Vinh sống. Không nhà cửa, ông bắt buộc phải ăn nhờ ở đậu nhà người thân.
Muốn trồng lúa trên 2 công ruộng của mình thì cũng phải đợi đến hết năm 2024 vì đã cho người khác thuê. 88 triệu đồng tiền công ty hỗ trợ khi nghỉ việc cũng vơi dần vì các khoản tiền nhà trọ, tiền thuê xe chở đồ đạc từ TP.HCM về quê đợt này, tiền nợ... Vợ ông, bà Kim Liên (44 tuổi), cũng từng là công nhân, nhưng đã thất nghiệp hai năm nay. Khó khăn vậy nhưng nghĩ đến việc chỉ còn phải đóng 2,5 năm nữa nên ông mới chạy khắp nơi kiếm việc để đóng tiếp bảo hiểm.
Thiếu tiền "trang trải nợ nần, tiền con đi học" nên chị Tâm (35 tuổi, quê Đồng Tháp) cũng ngậm ngùi xếp hàng, lấy số đợi tới lượt làm thủ tục nhận bảo hiểm xã hội một lần.
Chị tâm sự đã mất rất nhiều đêm thức trắng nghĩ về việc này. Những khoản vay nợ họ hàng, công ty tín dụng từ hồi cả hai vợ chồng phải nghỉ việc ở nhà chống dịch COVID-19 đến nay vẫn chưa thể trả hết.
Để được rút, chị buộc phải xin vào làm công việc thời vụ, lau dọn ở một quán ăn gần nhà trọ vì theo quy định sau 12 tháng không có việc làm mới có thể lãnh được. Giờ quán ăn cũng đã dẹp, chị tiếp tục thất nghiệp, khó khăn chất chồng.
Đóng bảo hiểm được sáu năm, nếu rút chị sẽ được khoảng 47 triệu đồng. "Cứ rút đã, giờ đang "cơn khát". Hai vợ chồng cũng xác định, đời công nhân tới đâu tính tới đó", chị Tâm nói.
"Chợ" thanh lý, mua bán sổ bảo hiểm xã hội vẫn sôi nổi
Thị trường lao động, việc làm liên tiếp gặp khó nên dĩ nhiên người lao động là đối tượng trực tiếp bị ảnh hưởng.
Cũng vì vậy mà những khu "chợ" online chuyên mua bán, thanh lý sổ bảo hiểm xã hội tại TP.HCM ngày một "nóng". Để dễ hiểu, thanh lý, mua bán sổ bảo hiểm là việc người lao động chịu "bán non" sổ của mình dẫu đã có nhiều khuyến cáo về vấn đề này.
Người lao động sẽ không cần phải làm quá nhiều thủ tục, đợi chờ tận một năm trời thất nghiệp mới được lãnh tiền.
Dĩ nhiên cái giá cho sự nhanh chóng, tiện lợi, "tiền tươi thóc thật" của dịch vụ này là việc số tiền thực nhận sẽ luôn thấp hơn nhiều so với số tiền mà người lao động thực lĩnh từ bảo hiểm xã hội.
Còn với việc cầm cố thì với khoảng 20% giá trị sổ sẽ được tính với lãi suất hơn 10%/tháng. Muốn giá cao thì khoảng 15 - 20%/tháng. Nếu muốn thanh lý thẳng, mức giá được đưa ra cao nhất không quá 60% dựa trên số năm, mức tiền đóng và tiền thực lãnh của cuốn sổ đó.
CÔNG TRIỆU
Tìm giải pháp phù hợp với Việt Nam chứ không so sánh!
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhắc đến chuyện không có một quốc gia nào mà có cơ chế rút bảo hiểm xã hội một lần dễ dàng như Việt Nam.
Ông nhắc lại đã mời trực tiếp chuyên gia được Liên Hiệp Quốc đánh giá là người giỏi nhất trong lĩnh vực bảo hiểm sang "bày mưu tính kế" xem cách nào khắc phục điều này.
Vị chuyên gia này nêu quan điểm "Việt Nam hào phóng quá" trong việc cho phép rút bảo hiểm xã hội một lần và bây giờ chữa là khó.
Theo bộ trưởng, thông lệ quốc tế chỉ cho rút khi mắc bệnh nan y và khi chuyển đi sống ở nước ngoài. Còn Việt Nam cho tự do và đây là quyền công dân nên không thể cấm.
"Bên cạnh đó, quyền lợi khi rút ở mức cao, đóng 8% nhưng lại hưởng toàn bộ phần đóng của cả Nhà nước, doanh nghiệp, dẫn đến nhiều trường hợp chưa muốn rút nhưng thấy quyền lợi cao hơn nên rút và sau đó lại tham gia", ông nói và cho biết thêm hiện nay 1/3 người rút bảo hiểm xã hội một lần đã quay trở lại. Một nguyên nhân khác là tuyên truyền về vấn đề này chưa hiệu quả.
Với thông tin này, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy cho rằng cần có chính sách lâu dài và đồng hành với người lao động cần phải tính đến, với đặc thù của thị trường lao động Việt Nam, chứ không phải so sánh với bất cứ nước nào.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cũng cho rằng chúng ta nên tham khảo thông lệ quốc tế, nhưng thông lệ như chuyên gia được Bộ trưởng Dung nêu là khó ở Việt Nam bởi liên quan rất nhiều thứ, trong đó có cả văn hóa sử dụng tiền từ đóng bảo hiểm.
Bộ trưởng Bộ Tài chính HỒ ĐỨC PHỚC:
Đề xuất gói hỗ trợ 23.000 tỉ đồng từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ lao động
Năm 2021 Việt Nam đã chi từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp là 47.356 tỉ đồng hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng do dịch COVID-19. Trong đó chi hỗ trợ trực tiếp từ quỹ cho những đối tượng ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 là 30.800 tỉ đồng. Năm 2023, số dư quỹ bảo hiểm thất nghiệp còn 59.357 tỉ đồng.
Hiện nay Bộ Tài chính đang thiết kế một gói hỗ trợ người lao động từ nguồn kết dư này để trình với Chính phủ, Thường vụ Quốc hội. Theo đó, gói hỗ trợ sẽ chi khoảng tầm 23.000 tỉ đồng từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ cho người lao động trong giai đoạn khó khăn này.
Như vậy, số dư quỹ sẽ còn lại khoảng 39.405 tỉ đồng. Bộ Tài chính, Bộ LĐ-TB&XH đặc biệt quan tâm đến giải pháp hỗ trợ trong những giai đoạn khó khăn và sẽ bằng mọi cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người lao động.
Ông PHẠM MINH HUÂN (nguyên thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH):
Làm kỹ công tác tư tưởng cho người lao động
Cơ quan chức năng phải tuyên truyền cho người lao động hiểu tác hại rút một lần, không có lương hưu thì sẽ vất vả ra sao.
Cơ quan chức năng cũng phải tính toán nếu số lượng người rút bảo hiểm xã hội một lần tăng thì giải pháp cụ thể ra sao để "đón đầu". Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cũng phải vận động đoàn viên, nhất là về chính sách lương hưu, bảo hiểm y tế.
Trong ngắn hạn, gói hỗ trợ 23.000 tỉ đồng từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp phải cụ thể, nếu cho vay thì lãi suất thấp hoặc không có, thủ tục đơn giản để người lao động giải quyết khó khăn trước mắt.
Vai trò thiết kế phải do Bộ LĐ-TB&XH tính toán, còn Bộ Tài chính giữ vai trò tạo nguồn. Cạnh đó, công tác thu chi bảo hiểm xã hội phải minh bạch nguồn tiền để người lao động yên tâm đóng góp, tránh suy nghĩ "không biết sau này tiền đóng bảo hiểm có được lấy hay không?".
HÀ QUÂN
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay theo báo cáo của cơ quan bảo hiểm, giai đoạn 2016 - 2022 đã giải quyết cho khoảng 4,84 triệu người hưởng bảo hiểm xã hội một lần.