Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) vừa công bố báo cáo "Thực trạng sức khỏe thị trường bất động sản Việt Nam", với những con số cho thấy ngành bất động sản và các doanh nghiệp môi giới đang rất khó khăn, chưa có dấu hiệu khá khẩm.
Doanh nghiệp bất động sản 'ngộp thở' kéo dài
Theo VARS, thị trường luôn trong trạng thái khát nguồn cung, đặc biệt là nguồn cung nhà ở giá bình dân. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản luôn trong trạng thái thiếu vắng khách hàng.
VARS lý giải việc thiếu khách hàng bởi sản phẩm nghèo nàn, phần lớn đến từ các dự án cũ, lãi suất tiền gửi cao, thu hút lượng tiền nhàn rỗi của khách hàng vào kênh ngân hàng. Bên cạnh đó, niềm tin vào thị trường bất động sản ngày càng sụt giảm và khó khăn trong việc vay vốn mua bất động sản…
VARS đánh giá thiếu nguồn cung phù hợp cộng với dòng tiền yếu và niềm tin bị sụt giảm, khiến cho lượng giao dịch năm 2022 và quý 1-2023 đều đi xuống.
Tỉ lệ hấp thụ chung của toàn thị trường trong quý 1-2023 chỉ đạt khoảng 11%, tương đương hơn 2.700 giao dịch, giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
VARS cho biết trong 5 tháng đầu năm 2023, có 554 doanh nghiệp bất động sản giải thể.
Trong quý 1-2023, doanh thu của các doanh nghiệp bất động sản giảm 6,46% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế giảm 38,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
VARS nhận định doanh nghiệp đầu tư, phát triển bất động sản đồng loạt lâm vào trạng thái "ngộp thở" trong thời gian dài và như "người sắp chết đuối". Mặc dù đã cố gắng loại bỏ dần các yếu tố làm giảm sức nặng, nhưng vẫn không đủ sức để có thể ngoi lên.
"Sức chống đỡ của các doanh nghiệp có giới hạn, nếu không ngoi lên kịp thời, chắc chắn sẽ bước sang giai đoạn sặc nước, ngừng thở đồng loạt", VARS đánh giá.
Ngành môi giới rơi rụng, chỉ còn 1/3 nhân sự
VARS cho rằng hiện tượng sụt giảm số lượng môi giới bất động sản trở thành làn sóng càn quét trên quy mô rộng khắp các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Cụ thể, số lượng môi giới hiện mưu sinh trên thị trường chỉ còn khoảng 30-40% so với thời điểm cuối năm 2022. Tuy nhiên, việc giảm nhân sự này vẫn chưa có dấu hiệu ngưng.
Đáng chú ý bên cạnh môi giới phải nghỉ việc vì thu nhập không đủ sống thì cũng không ít môi giới bị sa thải, doanh nghiệp ngừng hoạt động, phá sản nên cũng rời doanh nghiệp. Trong khi đó, môi giới bám trụ với nghề cũng phải đa dạng lĩnh vực, kiếm việc làm thêm…
Về thu nhập, có tới 95% môi giới giảm thu nhập, trong đó có những người giảm trên 70%.
Tuy vậy một điểm sáng được ghi nhận là trên 95% các môi giới còn hoạt động cho biết vẫn sẽ gắn bó với nghề, dù thị trường có khó khăn.
Cần có mô hình "bàn tay quyền lực" đủ thẩm quyền giải quyết từng vụ việc, từng vướng mắc của các dự án đầu tư tư nhân, sử dụng linh hoạt các quy định pháp luật để có hành lang xử lý, không để bất động sản vướng "từ năm này qua tháng nọ".