Trong đó, toán, văn là 2 môn bắt buộc và hai môn thi tốt nghiệp lựa chọn trong số các môn ngoại ngữ, lịch sử, địa lý, vật lý, hóa học, sinh học, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ.
Ủng hộ thi tốt nghiệp nhẹ nhàng
Ông Nguyễn Thanh Hải - hiệu trưởng Trường THPT Trương Định (Tiền Giang) - cho rằng phương án thi tốt nghiệp 2+2 nhìn chung sẽ giảm được nhiều áp lực cho học sinh.
Hai môn toán, văn là những môn bắt buộc gần như trong mọi cấp học. Thí sinh từ năm 2025 chỉ cần đăng ký 2 môn thi lựa chọn sao cho phù hợp với sở thích, sở trường và định hướng nghề nghiệp.
Từ đó theo ông Hải, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ nhẹ nhàng hơn. Trong tương lai, có thể tiếp tục hướng đến xét tốt nghiệp THPT hoặc giao kỳ thi này về cho sở giáo dục và đào tạo các địa phương.
Tuy nhiên một băn khoăn của ông Nguyễn Thanh Hải là việc môn tiếng Anh từ một môn bắt buộc trong nhiều năm qua sẽ thành một môn thi lựa chọn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
Từ năm 2008, bộ đã triển khai Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020.
"Nếu ngoại ngữ không còn là một môn thi bắt buộc, liệu rằng có ảnh hưởng đến những chương trình nâng cao năng lực ngoại ngữ và quá trình hội nhập hay không?
Dù các thí sinh vẫn có thể lựa chọn ngoại ngữ như một môn lựa chọn, nhưng cũng không thể phủ nhận nhiều bạn có tâm lý không học những môn không thi", ông Hải băn khoăn.
Ông Phạm Đức Hiền - hiệu trưởng Trường THPT Phạm Phú Thứ (quận 6, TP.HCM) - đồng tình việc thi tốt nghiệp 4 môn, 2 môn bắt buộc và 2 môn lựa chọn, sẽ giảm khá nhiều áp lực cho học sinh hiện nay.
So với khoảng 10 năm trước, học sinh phải thi tốt nghiệp THPT đến 6 môn, sau đó còn phải thi thêm kỳ thi đại học, cao đẳng, thì những thay đổi từ kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 đã rất tinh gọn.
Theo ông Hiền, sau khi đã "chốt" phương án thi tốt nghiệp THPT, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm đưa ra các hướng dẫn sát hơn về kỳ thi, đặc biệt là đề minh họa, để học sinh và thầy cô có định hướng ôn tập theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
"Ngoài ra, tôi nghĩ các trường đại học cũng cần sớm có những thông tin xét tuyển với chương trình mới và phương án thi mới, giúp học sinh sớm có sự chuẩn bị nếu có thay đổi. Bởi hiện nay, mục tiêu của nhiều học sinh sau phổ thông vẫn là vào được các đại học mong muốn", ông Hiền nói.
Có ảnh hưởng đến xét tuyển đại học không?
TS Nguyễn Quốc Anh - phó hiệu trưởng Trường đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) - cho rằng nhìn chung sẽ gần như không gây ảnh hưởng đến việc xét tuyển của các trường đại học.
Ông phân tích hiện nay xét tuyển thông qua kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ là một trong nhiều phương thức đang được các trường đại học sử dụng trong xét tuyển đại học.
Do vậy dù hình thức hay nội dung của kỳ thi tốt nghiệp THPT có thay đổi như thế nào, thì kết quả từ kỳ thi này cũng chỉ là một phương thức mà thí sinh có thể sử dụng trong xét tuyển đại học.
Ông Anh phân tích thêm thực tế những năm qua, tỉ trọng các phương thức xét tuyển ngoài kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT ở các trường đại học ngày càng gia tăng.
Thậm chí ở một số trường đại học, tỉ lệ thí sinh trúng tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT không còn chiếm đa số.
Tương tự, TS Nguyễn Trung Nhân - trưởng phòng đào tạo Trường đại học Công nghiệp TP.HCM - cho rằng những cập nhật trong kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ không có nhiều tác động đến quá trình xét tuyển của các đại học, do hiện thí sinh có thể xét tuyển bằng rất nhiều phương thức, trong đó có kết quả học tập THPT, kết quả kỳ thi đánh giá năng lực,…
Một thay đổi có thể là số lượng tổ hợp xét tuyển với các ngành đào tạo của các trường đại học sẽ được điều chỉnh.
Chẳng hạn có ngành đang có khoảng 4 tổ hợp xét tuyển thì có thể giảm đi 1-2 tổ hợp, ngược lại có ngành cũng có thể thêm một số tổ hợp với những môn thi mới như giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ.
Học sinh nói được cởi bỏ áp lực
* Trần Võ Khánh Ly - học sinh lớp 11, Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS - THPT An Lão (Bình Định):
"Khi nhận được thông báo của Bộ Giáo dục và Đào tạo về phương án thi lớp tốt nghiệp THPT từ năm 2025 theo hướng 2 + 2, mình rất vui, bản thân đỡ áp lực hơn.
Mình có thể lựa chọn môn học yêu thích, xác lập mục tiêu sớm, lựa chọn khối thi phù hợp với ngành và từ đó có những định hướng chuyên sâu cho việc ôn tập sớm cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
Hiện tại, mình cũng chỉ đang lập ra những điều cơ bản, nhưng mình nghĩ bản thân sẽ tập trung cao độ với những môn lựa chọn để có kiến thức vững chắc, đồng thời sẽ cố gắng tiếp thu các kiến thức cơ bản của các môn còn lại để có kiến thức".
* Ngô Thời Nhật Khang, học sinh lớp 10, Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, tỉnh Thừa Thiên Huế:
"Mình thấy đỡ áp lực hơn khi biết phương án của Bộ Giáo dục và Đào tạo lựa chọn theo hướng 2 + 2, điều đó tạo điều kiện cho học sinh, ngoài những môn bắt buộc thì có thể lựa chọn hai môn học yêu thích và sở trường trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, thay vì phải học các môn khiến mình 'đuối'.
Vì vậy, mình nghĩ phương án này sẽ giúp học sinh có kết quả thi khả quan, tránh khả năng bị điểm liệt và tỉ lệ đỗ đại học cao hơn. Ngoại trừ môn văn và toán là hai môn bắt buộc thì mình đang có dự định sẽ ôn môn vật lý và tiếng Anh vì đây là hai môn mình tự tin. Thời gian tới mình sẽ tập trung ôn tập chuyên sâu đối với các môn này".
Mặc dù chưa chính thức 'chốt' phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, thế nhưng trên mạng xã hội đang lan truyền một văn bản đề thi môn toán được cho là đề thi tham khảo.