Ngày 8-6, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) phát cảnh báo tay chân miệng năm nay biến chuyển nhanh, phức tạp và khó lường, trong khi chưa có vắc xin phòng bệnh và sự xuất hiện của vi rút Enterovirus 71 (EV 71).
Điển hình trường hợp bé 17 tháng tuổi (ngụ tỉnh Trà Vinh) bị sốt, ói và được điều trị tại phòng khám tư 3 ngày nhưng không đỡ. Đến ngày thứ 4 của bệnh, bé sốt cao khó hạ, giật mình chới với nhiều cơn.
Từ tỉnh Trà Vinh chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, bé đã bị suy hô hấp, mạch đập lên trên 200 lần/phút, da bông tái do mắc tay chân miệng độ 3.
Chỉ sau 4 tiếng đồng hồ chuyển viện, bé đã chuyển sang mắc tay chân miệng độ 4. Bé được đặt nội khí quản, thở máy, lọc máu liên tục để loại trừ cơn bão cytokine gây sốt cao lên 40-41 độ C.
Hiện bé đáp ứng dần với những biện pháp hồi sức tích cực kịp thời ban đầu và đang được điều trị, cách ly theo dõi sát tại khoa hồi sức tích cực chống độc.
Trước đó, một bé trai 5 tuổi (ngụ tỉnh Kiên Giang) đã tử vong sau 8 tiếng đồng hồ nhập viện điều trị tích cực tại Bệnh viện Nhi đồng 1 vì nghi mắc tay chân miệng độ 4.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết số ca mắc bệnh tay chân miệng đang có khuynh hướng gia tăng ở khu vực miền Nam cũng như TP.HCM trong 2 tuần gần đây, chủ yếu là trẻ từ 1-3 tuổi.
Cùng với việc phát hiện vi rút Enterovirus 71 (đặc tính lây lan nhanh, dễ gây bệnh nặng) là tác nhân gây bệnh nặng cho các trẻ mắc tay chân miệng điều trị tại các bệnh viện nhi đồng trên địa bàn TP.HCM, các chuyên gia cảnh báo bệnh tay chân miệng năm nay diễn biến phức tạp.
Ngành y tế TP đã triển khai các biện pháp phòng chống dịch tay chân miệng nhằm hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong.
Ca mắc bệnh tay chân miệng tăng, kéo theo ca nặng tăng
Bác sĩ Nguyễn Cát Phương Vũ - khoa khám bệnh Bệnh viện Nhi đồng Thành phố - cho biết bệnh tay chân miệng đang vào mùa, biến chứng nhanh và độ nguy hiểm tỉ lệ thuận với số ca ngày một nhiều. Dù đa phần trẻ đã bước vào kỳ nghỉ hè nhưng phụ huynh hết sức lưu ý.
Trẻ mắc bệnh ngoài có biểu hiện sốt cao, bỏ ăn và đau ngứa, thì biến chứng thần kinh rất nguy hiểm mà phụ huynh phải theo sát. Triệu chứng của biến chứng này là run giật và yếu chi (đi đứng loạng choạng, cầm nắm đồ chơi, đồ vật không vững chắc...), ngủ giật mình chới với.
Phụ huynh lưu ý giữ vệ sinh sạch cho trẻ trước, trong và sau mắc bệnh. Tuân thủ tái khám liên tục mỗi ngày đến khi qua 7 ngày tính từ lúc trẻ khởi bệnh. Đồng thời đảm bảo dinh dưỡng đủ chất, bù kẽm và một số vi chất cần thiết.
Ăn uống thực phẩm mát lạnh, dễ tiêu là mẹo giúp trẻ ăn khá hơn trước cơn đau miệng cấp tính.
UBND TP.HCM vừa ban hành văn bản khẩn về việc tăng cường phòng chống bệnh tay chân miệng trên địa bàn TP.