Nông dân vui mừng vì giá phân bón giảm mạnh
Sau thời gian dài tăng “phi mã”, gần đây giá nhiều loại phân bón đã giảm mạnh ở mức thấp nhất trong vòng 2 năm trở lại đây.
Ghi nhận của báo Đại Đoàn Kết, tại các đại lý phân phối, cửa hàng vật tư nông nghiệp trên địa bàn các tỉnh, thành ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cho thấy, những ngày qua, giá nhiều loại phân bón tiếp tục giảm mạnh, đặc biệt là phân đạm đã giảm thêm từ 10 - 30 nghìn đồng/bao, mức giảm lên tới 30 - 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các loại phân khác như Kali, NPK, DAP có mức giảm ít hơn từ 10 -15%. Cụ thể, giá phân DAP 23.000 đồng/kg, DAP 22.000 đồng/kg, NPK (16-16-8):19.000 đồng/kg, Urea (Cà Mau) 10.600 đồng/kg, Urea (Phú Mỹ) 10.400 đồng /kg, Lân (Long Thành) 5.500 đồng/kg, Kali (61%) 16.000 đồng/kg...
Còn theo khảo sát của Tiền Phong, ngày 7/6, giá phân NPK Phú Mỹ tại miền Bắc giao dịch khoảng 14.700-15.500 đồng/kg, NPK Việt Nhật 14.500-15.100 đồng/kg, NPK Cà Mau 14.700-15.500 đồng/kg. So với đầu tháng 4, giá phân NPK tiếp tục giảm khoảng 15%.
Trong khi đó, phân Kali bột Cà Mau giao dịch ở mức 14.700-15.500 đồng/kg, Kali bột Phú Mỹ 13.300-13.900 đồng/kg, giảm khoảng 7-10% so với đầu tháng 4. Giá phân Urê Phú Mỹ, Urê Cà Mau hiện giao dịch trong khoảng 10.50-11.100 đồng/kg, Urê Hà Bắc từ 9.900-11.100 đồng/kg. Tính từ đầu năm đến nay, giá phân bón đã giảm khoảng 50% so với hồi lập đỉnh lịch sử vào tháng 5/2022, trở thành mức giá thấp nhất trong vòng 2 năm qua.
Giá phân bón hạ nhiệt trong bối cảnh bước vào vụ sản xuất đã giúp người nông dân thở phào.
Anh Nguyễn Công Dân ở ấp Tường Thắng B, xã Vĩnh Thanh, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu cho hay: “Những vụ trước, khi giá phân bón tăng cao, bà con phải bỏ ra khoản chi phí phân bón lên tới hơn 1 triệu đồng/công lúa, thì năm nay, giá phân bón giảm tới 40%, bà con tiết giảm chi phí 200 - 300 nghìn đồng/công đã giúp giảm bớt khó khăn, nhiều hộ gia đình năm trước bỏ ruộng nay tiếp tục lên kế hoạch sản xuất trong vụ tới”.
Ông Nguyễn Thành An, một nông dân sản xuất lớn ở Thoại Sơn (An Giang) vừa hoàn thành xuống giống lúa vụ lúa hè thu được hơn 10 ngày. Đầu vụ thường là thời điểm nhà nông cần chuẩn bị đất và sử dụng nhiều phân bón. Tuy nhiên, năm nay, ngoài chuyện lúa trúng mùa được giá thì chi phí sản xuất cũng giảm đáng kể. Giá phân bón vụ này giảm thêm vài chục ngàn mỗi bao, tùy loại. "Với giá phân bón như hiện tại, bà con nông dân yên tâm sản xuất hơn rất nhiều so với năm ngoái, giá lúa thấp còn giá phân bón cao chót vót, nông dân không có lãi", ông An chia sẻ với báo Thanh Niên.
Thực tế cho thấy, trong 2 năm qua, giá phân bón trong nước tăng quá cao do ảnh hưởng bởi biến động thị trường nguyên liệu thế giới đã khiến nông dân tại nhiều địa phương khó khăn do bù lỗ kéo dài. Nhiều hộ, hợp tác xã (HTX) nông nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất khi giá hàng loạt vật tư nông nghiệp liên quan khác như thuốc trừ sâu, thức ăn chăn nuôi... liên tục leo thang. Do vậy, khi giá phân bón liên tục giảm, bà con như được tiếp thêm động lực để yên tâm, gắn bó đồng ruộng, hồ hởi sản xuất trở lại.
Ông Tăng Tiến Dũng, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Đồng Tâm xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi tỉnh Bạc Liêu, cho biết, bước vào sản xuất lúa vụ Hè Thu năm 2023, 147 thành viên HTX rất phấn khởi khi giá phân bón đã giảm, giúp hạ giá thành sản xuất, tiết kiệm chi phí, từ đó sẽ nâng cao lợi nhuận. Vụ Hè Thu năm 2023, bà con sẽ tận dụng cả diện tích ruộng bỏ hoang trước đó để gieo sạ lúa lên đến 210ha, giống lúa được nông dân chọn để canh tác phần lớn là giống OM 18 và Đài Thơm.
“Hiện nay giá phân bón đã giảm vài trăm nghìn đồng/bao, như vậy là có thể tiết giảm chi phí được vài trăm nghìn đồng một công lúa nên nông dân rất mừng. Tới thời điểm này thời tiết vẫn đang thuận lợi, lúa phát triển tốt nên chưa sử dụng thuốc trừ sâu bệnh nhiều đã góp phần giảm đáng kể chi phi đầu tư”, ông Dũng chia sẻ.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), năm 2022 giá phân bón và các vật tư đầu vào tăng cao đã khiến không ít hộ dân bỏ ruộng, giảm sản xuất. Điển hình, vụ Hè Thu 2022, tổng diện tích xuống giống toàn vùng Nam Bộ đạt khoảng 1,5 triệu ha, giảm 20.000 ha so với vụ Hè Thu 2021. Năm nay, theo báo cáo của các địa phương, diện tích gieo trồng vụ Hè Thu đã bắt đầu tăng trở lại với hơn 10-15%.
Giá phân bón có thể giảm 40% trong năm nay
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu phân bón liên tục sụt giảm cả về lượng và giá. Cụ thể, thời điểm tháng 3/2023, bình quân giá phân bón xuất khẩu đạt 453,4 USD/tấn thì đến tháng 5 chỉ còn 415 USD/tấn, giảm đến hơn 35% so với cùng kỳ năm 2023.
Báo cáo về ngành phân bón năm 2023 của Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt nhận định, nguồn cung phân bón trên toàn cầu dự kiến sẽ tăng nhẹ trong năm nay. Nguồn cung tăng nên giá phân bón các loại như phân ure, kali và DAP có thể giảm tới 40% so với năm 2022. Trong năm 2022, nguồn cung phân bón bị thắt chặt do Trung Quốc và Nga đều hạn chế xuất khẩu. Nhưng trong năm nay, cả hai "cường quốc" về phân bón này đã dỡ bỏ hạn chế, gia tăng hạn ngạch xuất khẩu phân bón.
Từ cuối năm 2022, Nga đã tăng hạn ngạch xuất khẩu phân đạm từ 8,3 triệu tấn lên gần 11,8 triệu tấn đến tháng 5.2023. Bên cạnh đó, một số nhà máy sản xuất phân bón mới bổ sung trong giai đoạn 2020 - 2022 ở Ấn Độ, Nigeria, Brunei, 3 nhà máy ở Nga và 10 nhà máy ở Trung Quốc sẽ đi vào hoạt động trong cuối năm nay.
Còn theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, một trong những yếu tố ảnh hưởng đến giá phân bón hiện nay là do giá khí thiên nhiên đã giảm nhẹ. Điều này cho phép một số nhà máy sản xuất phân đạm đã ngừng hoạt động ở châu Âu có thể mở cửa trở lại.
Thông tin trên báo Thanh Niên, riêng đối với thị trường Việt Nam, Hiệp hội Phân bón Việt Nam nhận định, giá phân bón giảm còn do có sự cạnh tranh của nhiều thương hiệu trong và ngoài nước. Đặc biệt, là sức tiêu thụ phân bón đang ở yếu. Thời điểm này, nông dân trồng cây ăn trái đang giảm mua phân bón do nhiều loại cây bước vào vụ thu hoạch và trong cao điểm mùa hạn mặn. Tuy nhiên, đây là tín hiệu tốt giúp người dân phục hồi sản xuất sau hơn 2 năm 2 năm oằn mình gánh cơn bão giá.
Cùng với vụ Đông Xuân, Hè Thu là vụ lúa mang tính quyết định đến sản lượng lúa hằng năm của các địa phương. Để vụ lúa Hè Thu đạt hiệu quả cao, ngành nông nghiệp các địa phương khuyến cáo nông dân xuống giống đúng lịch thời vụ, né rầy và áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Nông dân cần sử dụng và tuân thủ các biện pháp “1 phải, 5 giảm”, “3 giảm, 3 tăng”, giảm lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giúp tiết kiệm chi phí, tăng lợi nhuận.
Theo số liệu từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bạc Liêu, tới thời điểm này, bà con nông dân trong tỉnh đã xuống giống trên 42.000ha lúa Hè Thu, kế hoạch của tỉnh là xuống giống trên 44.400ha. Hiện nay ở những nơi có điều kiện bà con nông dân đang tranh thủ xuống giống để kịp lịch thời vụ đã khuyến cáo.
Ông Trương Phước Hiền - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu thông tin, việc giá phân bón giảm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người nông dân trong chi phí đầu vào. Tuy nhiên, so với những năm trước giá phân bón vẫn còn cao. Chúng tôi tiếp tục khuyến cáo bà con nông dân chuyển hướng sang sử dụng phân hữu cơ thay cho phân hoá học. Việc sử dụng phân hữu cơ có nhiều lợi ích hơn, cải tạo được đất màu mỡ trong khi sử dụng phân hoá học khiến đất bị bạc màu. Những năm gần đây chúng tôi tổ chức nhiều lớp tập huấn nên nông dân ý thức hơn trong việc chuyển sang sử dụng phân hữu cơ, điều này cũng góp phần giảm chi phí trong sản xuất, bảo vệ môi trường” - ông Hiền nói với báo Đại Đoàn Kết.
Minh Hoa (t/h)