Theo Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) nước này tăng 0,2% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm ngoái. Tốc độ này khớp với dự báo và tăng so với 0,1% hồi tháng 4. Lạm phát lõi (không tính giá năng lượng và thực phẩm nhiều biến động) tăng chậm lại, từ 0,7% về 0,6%.
Trong khi đó, chỉ số giá sản xuất (PPI) giảm 4,6% trong tháng 5, lớn hơn so với tháng trước đó và cũng là tệ nhất 7 năm. Nguyên nhân là giá hàng hóa giảm và nhu cầu nội địa lẫn quốc tế yếu đi. Các nhà kinh tế học trước đó dự báo mức giảm là 4,3%. Đây là tháng thứ 8 liên tiếp PPI đi xuống.
Các số liệu lạm phát mới nhất cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tiếp tục yếu đi trong tháng 5. Trước đó, hàng loạt báo cáo khác chỉ ra hoạt động sản xuất co lại, xuất khẩu giảm lần đầu tiên trong 3 tháng và đà phục hồi trên thị trường nhà ở dần chậm lại.
Khi Mỹ và châu Âu đối mặt với lạm phát cao và lãi suất tăng, Trung Quốc lại phải giải quyết vấn đề giá cả giảm. "Rủi ro giảm phát vẫn đang đè nặng lên nền kinh tế. Các chỉ số gần đây phát đi tín hiệu hoạt động kinh tế đang nguội lạnh", Zhiwei Zhang – kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management nhận định.
Giảm phát được định nghĩa là mức giảm bền vững và trên quy mô lớn với giá hàng hóa, dịch vụ trong một khoảng thời gian nhất định. Đây không phải là điều tích cực với nền kinh tế. Vì khi người tiêu dùng và doanh nghiệp trì hoãn chi tiêu để kỳ vọng giá giảm thêm, các vấn đề kinh tế sẽ càng trầm trọng.
Giới phân tích cho rằng Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) sẽ hạ lãi suất cho vay kỳ hạn một năm ngay đầu tuần tới. Việc này nhằm kích thích tăng trưởng và kéo niềm tin doanh nghiệp, người dân lên cao.
PBOC vẫn giữ nguyên lãi suất cho vay kỳ hạn một năm từ tháng 9/2022. Vì thế, để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, họ dùng các công cụ khác, như cho vay có chọn lọc.
Một số ngân hàng quốc doanh lớn đã hạ lãi suất tiền gửi hôm 8/6. Động thái này được cho là sẽ mở đường cho việc giảm lãi suất cho vay.
Hà Thu (theo Bloomberg, Reuters)