Thị trường chứng khoán đang dần trở nên nóng hơn khi dòng tiền nhập cuộc ngày càng sôi động, một số quỹ đã đưa ra phân tích và đánh giá về xu hướng nhà đầu tư cá nhân đang chuyển tiền gửi ngân hàng sang chứng khoán, hay thậm chí là bản thân các công ty chứng khoán cũng đang nhộn nhịp với những chính sách cho vay ký quỹ (margin) hấp dẫn…
Trong bối cảnh đó, trên thị trường cũng đã xuất hiện những cảnh báo và khuyến nghị nhà đầu tư cần cẩn trọng, bởi các yếu tố cơ bản hiện tại chưa đủ mạnh khi dòng tiền lớn vẫn đang đứng ngoài. Dòng tiền luân chuyển quanh các nhóm cổ phiếu có câu chuyện ở trên thì vùng giá đang nhích lên, đưa định giá P/E lên cao dần và sẽ bị chốt lời, bị bán mạnh hơn vì đà tăng giá của cổ phiếu không đi liền với kết quả kinh doanh.
Phiên giao dịch ngày hôm qua 8/6 dường như khiến nhà đầu tư có chút lo ngại khi áp lực bán chốt lời gia tăng và lan rộng hơn khiến thị trường quay đầu giảm điểm. Đặc biệt, nếu không có sự “gánh vác” của “anh cả” dòng bank – VCB khi ngược dòng khởi sắc và xác lập mức đỉnh lịch sử mới (tính theo giá điều chỉnh) lên 100.000 đồng/CP, thì chỉ số VN-Index còn đi xa hơn.
Với những tín hiệu thị trường giảm điểm và thanh khoản lớn, ghi nhận mức cao kỷ lục trong hơn 1 năm qua, là những dấu hiệu cảnh báo cho khả năng đảo chiều xu hướng ngắn hạn của thị trường.
Theo Yuanta Việt Nam, vùng hỗ trợ của chỉ số VN-Index là 1.090-1.095 điểm, đây là vùng hỗ trợ quan trọng cho nhịp điều chỉnh này. Ngoài ra, theo mô hình giá, đồ thị giá đang ở giai đoạn sóng điều chỉnh 4 với hai mục tiêu cho nhịp điều chỉnh này là 1.090-1.095 điểm và thấp hơn là 1.080-1.085 điểm.
Quay lại phiên giao dịch sáng cuối tuần ngày 9/6, tâm lý thiếu tự tin của nhà đầu tư trong phiên biến động mạnh ngày hôm qua khiến thị trường phân hóa và chỉ số VN-Index rung lắc nhẹ quanh mốc tham chiếu.
Sau hơn 1 giờ mở cửa, thị trường đang xanh nhạt, với nhóm cổ phiếu trụ cột ngân hàng chỉ đủ sức để nhích nhẹ với hầu hết các mã chỉ biến động dưới mức 0,5%, ngoại trừ duy nhất TPB đang có mức tăng tốt hơn trên dưới 2%.
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán sau pha giảm mạnh hôm qua cũng đã hồi như với VND, VIX, SSI, HCM, VCI… tăng nhẹ.
Trong bối cảnh thị trường chung đang “mắc kẹt” bởi những lo ngại sau “biến cố” hôm qua, thì nhóm cổ phiếu cơ bản lại nhận được sự ưu tiên. Điển hình, các cổ phiếu nhóm dược với bức tranh tài chính tăng trưởng cao trong những tháng đầu năm 2023, đã giao dịch khởi sắc như DHG tăng 4,3%, DMC tăng 3,4%, VMD tăng 2,5%, DBD tăng 2,2%, TRA, OPC, DCL cũng đều tăng nhẹ.
Dược phẩm: Sản xuất và bán lẻ đều lãi cao
Thị trường may mắn giữ sắc xanh nhạt nhờ sự hỗ trợ khá tích cực của một số mã lớn.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 145 mã tăng và 200 mã giảm, VN-Index tăng 0,13 điểm (+0,01%), lên 1.101,45 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 353,3triệu đơn vị, giá trị 6.331,42 tỷ đồng, giảm 39,91% về khối lượng và 41,22% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 65,3 triệu đơn vị, giá trị 1.777 tỷ đồng, trong đó, đáng kể là 16,1 triệu cổ phiếu VHM, trị giá 318,16 tỷ đồng.
Nhóm VN30 chốt phiên tăng 1,53 điểm nhờ sự đóng góp của MSN khi đảo chiều khởi sắc về cuối phiên với mức tăng 2,6% lên mức 76.300 đồng/CP; thêm vào đó là TPB và FPT tăng hơn 1%.
Trong khi đó, gánh vác chính cho thị trường trong phiên hôm qua là VCB đã quay đầu giảm nhẹ khi chốt phiên mất 0,8% xuống mức 99.200 đồng/CP.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, cổ phiếu GEX trở lại ấn tượng sau nhịp nghỉ hôm qua. Trong phiên sáng nay có thời điểm GEX được kéo sát trần và chốt phiên tăng 4,2% lên mức 18.650 đồng/CP, cùng thanh khoản dẫn đầu thị trường, đạt hơn 20,46 triệu đơn vị.
Xét về nhóm ngành, dược vẫn là điểm sáng của thị trường với DHG kéo trần thành công và chốt phiên đứng tại mức giá 126.200 đồng/CP, DBD cũng tăng sát trần, DMC và DLC tăng 3-4%, IMP tăng 1,9%...
Nhóm cổ phiếu ngân hàng với sự quay đầu của anh cả VCB và diễn biến phân hóa của các mã còn lại, đã tạm chốt phiên sáng trong trạng thái điều chỉnh nhẹ.
Ở nhóm chứng khoán, cặp đôi VND và VIX hồi phục sau phiên mất điểm hôm qua với mức tăng trên dưới 1,5%, thanh khoản chỉ thua GEX, lần lượt đạt 17,66 triệu đơn vị và 9,87 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, sau nhịp rung lắc đầu phiên, thị trường cũng lình xình trên mốc tham chiếu.
Chốt phiên, sàn HNX có 61 mã tăng và 92 mã giảm, HNX-Index tăng 0,18 điểm (+0,08%), lên 226,96 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 55,7 triệu đơn vị, giá trị 820,07 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,39 triệu đơn vị, giá trị 12,43 tỷ đồng.
Cổ phiếu SHS vẫn giao dịch vượt trội trên thị trường với 12,69 triệu đơn vị khớp lệnh và chốt phiên đứng giá tham chiếu 12.300 đồng/CP. Các mã chứng khoán khác cũng biến động trong biên độ hẹp như MBS đứng giá tham chiếu, APS giảm nhẹ 0,7%...
Trong khi đó, nhóm bất động sản vẫn chịu áp lực bán ra với CEO giảm 1,1%, IDJ giảm 2,1%, NRC giảm 3,3%...
Cổ phiếu đáng chú ý là CTC bất ngờ tăng kịch trần lên 3.000 đồng/CP với thanh khoản sôi động, đạt hơn 1,55 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, thị trường cũng chốt phiên trong sắc xanh nhạt.
Chốt phiên sáng, UPCoM-Index tăng 0,17 điểm (+0,2%), lên 84,18 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 57,46 triệu đơn vị, giá trị 362,34 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,71 triệu đơn vị, giá trị 12,04 tỷ đồng.