Từng bước tháo gỡ
Từ giữa năm 2022 đến nay, các giao dịch bất động sản ngưng trệ, nhiều dự án gặp vướng mắc thủ tục pháp lý và do năng lực tài chính của chủ đầu tư hạn chế nên không triển khai được. Thị trường bất động sản gặp khó ảnh hưởng trực tiếp tới ngành ngân hàng, bởi bất động sản là ngành chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tín dụng và tài sản bảo đảm của các ngân hàng chủ yếu là bất động sản.
Không riêng ngành bất động sản, những tháng đầu năm nay, nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác cũng rơi vào tình trạng khó khăn, do sức cầu thị trường yếu, thiếu đơn hàng. Một khi khách hàng khó khăn, ngân hàng cũng sẽ khó theo.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB |
Tuy nhiên, chúng ta cũng nhìn thấy điểm tích cực trong quý đầu năm nay, từ nỗ lực của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước thông qua các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đồng thời, ngành ngân hàng cũng đã chủ động việc kết nối với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, đáp ứng nhu cầu vốn kịp thời cho sản xuất - kinh doanh.
Đáng chú ý, ngày 23/4/2023, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành liên tiếp hai thông tư có hiệu lực ngay, điều chỉnh hoạt động kinh doanh trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng (Thông tư số 03/2023/TT-NHNN) và quy định việc cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng gặp khó khăn (Thông tư số 02/2023/TT-NHNN).
Theo Thông tư 02, các ngân hàng có quyền lựa chọn cơ cấu lại thời hạn trả nợ trong phạm vi tối đa là 12 tháng và giữ nguyên nhóm nợ, trong khi các khoản dự phòng có thể được trích lập dần trong 2 năm.
Về phía ngân hàng, áp lực lên bảng cân đối kế toán và báo cáo kết quả kinh doanh sẽ giảm bớt phần nào, do rủi ro tỷ lệ nợ xấu gia tăng sẽ được chuyển sang nửa cuối năm 2024. Khách hàng thì được giãn thời gian trả nợ trong năm nay.
Trong khi đó, Thông tư 03 có một điều khoản nới lỏng, là các ngân hàng được phép mua lại trái phiếu chưa niêm yết ngân hàng đã bán trước đây mà không bị hạn chế về thời gian, với điều kiện trái phiếu đó đáp ứng các điều kiện nêu tại khoản 4 (Thông tư 16).
Đồng thời, Chính phủ đang thúc đẩy các dự án đầu tư công. Các dự án đầu tư công được giải ngân sẽ tác động lan tỏa tới nhiều ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh và ngân hàng sẽ được hưởng lợi theo.
Kinh tế Việt Nam trong nhiều năm qua đã rất mở, nên các biến động của nền kinh tế toàn cầu sẽ tác động trực tiếp tới nền kinh tế trong nước. Chính sách của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu thay đổi cũng ảnh hưởng trực tiếp đến lãi suất, tỷ giá VND. Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra nhiều chính sách, giải pháp để ổn định thị trường trong thời gian qua, đặc biệt là giải pháp thắt chặt tiền tệ, nâng mặt bằng lãi suất điều hành. Kỳ vọng từ quý II năm nay, các khó khăn sẽ giảm bớt và hoạt động ngân hàng dần khởi sắc.
Đâu là cơ sở cho kỳ vọng này? Một phần là do đà tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đang chậm lại. Tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động giảm lãi suất điều hành, từ đó, các ngân hàng kéo giảm mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay. Mặt bằng lãi suất cho vay đã dễ thở hơn, qua đó giúp doanh nghiệp giảm được chi phí khi vay vốn và giảm áp lực trả nợ vay.
Mặt bằng lãi suất sẽ giảm dần
Việc thúc đẩy giảm mặt bằng lãi suất (cả huy động và cho vay) của Ngân hàng Nhà nước, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn nhiều hơn sẽ mở ra bối cảnh kinh doanh thuận lợi hơn cho ngành ngân hàng.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB
Việc thúc đẩy giảm mặt bằng lãi suất (cả huy động và cho vay) của Ngân hàng Nhà nước, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn nhiều hơn cũng sẽ mở ra bối cảnh kinh doanh thuận lợi hơn cho ngành ngân hàng.
Mặt bằng lãi suất dự báo sẽ tiếp tục giảm, trong ngắn hạn sẽ giảm thêm 1%/năm, cả ở huy động và cho vay. Còn trong dài hạn, lãi suất cho vay sẽ giảm xuống 8 - 9%/năm, lãi suất huy động cũng sẽ giảm xuống 6 - 6,5%/năm.
Trong quý đầu năm nay, tín dụng giảm do áp lực lãi suất tăng và khó khăn của thị trường nên cầu vốn của khách hàng rất thấp. Không chỉ các doanh nghiệp, mà ngay cả cá nhân
cũng không dám vay cho các mục tiêu như mua nhà, bởi e ngại lãi suất cao và khả năng trả nợ khi thu nhập sụt giảm. Nhưng khi mặt bằng lãi suất giảm, kỳ vọng tín dụng sẽ cải thiện.
Dù bức tranh kinh tế toàn cầu được dự báo còn nhiều khó khăn, song tín hiệu tích cực là lộ trình tăng lãi suất USD của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đang đi đến chặng cuối cùng khi lạm phát tại nền kinh tế số 1 thế giới đang hạ nhiệt. Ở trong nước, các vấn đề khó khăn nội tại trong ngành ngân hàng cũng đang được Ngân hàng Nhà nước kiểm soát tốt, trong đó có vấn đề thanh khoản, kể cả khi xảy ra vụ việc liên quan đến một số ngân hàng thời gian qua. Tỷ giá USD/VND cũng đang trong chiều hướng giảm dần. Vì thế, nhiều nhận định cho rằng lãi suất đã đạt đỉnh và giảm nhiệt dần từ quý II/2023.
Sau hai lần giảm lãi suất điều hành trong tháng 3 và tháng 4/2023, Ngân hàng Nhà nước cho biết đang cân nhắc để giảm thêm lãi suất điều hành. Để thực hiện thành công mục tiêu lạm phát bình quân năm 2023 khoảng 4,5% mà Quốc hội đặt ra, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục điều hành điều hành lãi suất phù hợp với tình hình kinh tế vĩ mô, diễn biến lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ, hỗ trợ phục hồi hoạt động sản xuất - kinh doanh; điều hành tỷ giá linh hoạt, phối hợp đồng bộ với các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường ngoại tệ.
Trên cơ sở điều hành và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, đến nay, về cơ bản mặt bằng lãi suất đã ổn định. Lãi suất phát sinh mới có xu hướng giảm dần trong tháng đầu năm 2023 và sẽ giảm thời gian tới.