Vào tháng 8/2022, chính quyền thành phố Houston đã quyết định chi 2,3 triệu USD ngân sách nâng cấp hệ thống an ninh trường học trước tình trạng xả súng tăng cao thời gian gần đây. Hơn một nửa số tiền này chảy vào túi của một công ty duy nhất: Motorola Solutions.
Trong khi nhiều người nhớ đến cái tên Motorola thông qua những chiếc điện thoại đời đầu của hãng thì ít ai biết rằng công ty này đã từ bỏ mảng điện thoại để trở thành ông lớn trong ngành thiết bị an ninh, vốn là phân khúc béo bở chưa có nhiều đối thủ hiện nay.
Sự thành công của ChatGPT đã khiến hàng loạt ông lớn ngành công nghệ đổ xô vào phát triển trí thông minh nhân tạo (AI) thì Motorola lại có con đường riêng với mảng thiết bị an ninh của mình.
Chỉ số lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) đã tăng trưởng 2 con số trong năm 2022, dòng tiền thu được từ hoạt động kinh doanh tăng 40% trong khi Motorola tăng lên bậc 418 trong bảng xếp hạng của Fortune sau quãng thời gian dài tụt dốc.
Tổng mức vốn hóa thị trường của hãng đã lên đến 48 tỷ USD tính đến tháng 6/2023, cao hơn cả thời điểm hãng cho ra mắt dòng điện thoại di động gập nổi tiếng.
Đặc biệt hơn, Motorola đạt được những thành công này khi vứt bỏ ánh hào quang từ điện thoại di động, sản phẩm do chính hãng đi tiên phong. Xin được nhắc Motorola là hãng cho ra mắt mẫu điện thoại di động đầu tiên trên thế giới vào năm 1973 và biến dòng sản phẩm này thành thương hiệu nổi tiếng trên thế giới.
Do bị ảnh hưởng từ iPhone của Apple cùng trào lưu smartphone mà Mootorola đánh mất hào quang của mình, nhưng thay vì “giãy chết” như Nokia, tập đoàn này quyết định vứt bỏ mảng di động thua lỗ dù nó là biểu tượng của công ty. Kể từ năm 2008 đến nay, điện thoại Motorola vẫn bán trên thị trường nhưng là do công ty Levono của Trung Quốc sản xuất theo hợp đồng mua lại.
Nước Mỹ không an toàn
Bán đi mảng sản phẩm chủ lực làm nên tên tuổi, Motorola dồn lực cho bộ phận điện đàm cho cảnh sát vốn khá nhỏ bé của mình. Ban đầu ai cũng nghĩ rằng ông tổ ngành điện thoại di động này sẽ chẳng thể hồi phục khi thị trường điện đàm cảnh sát và thiết bị an ninh quá nhỏ.
Thế nhưng việc người dân Mỹ yêu súng đạn, đòi quyền tự do sở hữu vũ khí nóng đi kèm vô số những vụ xả súng, bắn giết đã thúc đẩy nhu cầu thiết bị an ninh của Motorola. Cảm giác mất an toàn của người dân Mỹ, giới nhà giàu và cả cộng đồng khiến vô số chính quyền địa phương như Houston chi ngân sách để nâng cấp thiết bị an ninh cho trường học, cảnh sát.
Các tỷ phú cũng sẵn sàng vung tiền để nâng cao hàng rào an ninh bảo vệ mạng sống bản thân, trong khi các chính trị gia cũng đồng tình chi tiền ngân sách cho mảng này nhằm trấn an dư luận.
Quay lại với Motorola, vị công thần đem đến sự thay đổi cho công ty chính là CEO Greg Brown lên nắm quyền từ năm 2008. Nước đi dũng cảm vứt bỏ mảng kinh doanh chính đang thua lỗ để chuyển sang thị trường ngách đã đem về trái ngọt cho Motorola.
Ước tính trong năm nay, khoảng ¾ doanh số ước đạt 10 tỷ USD của Motorola sẽ đến từ cục cảnh sát và cứu hỏa, trung tâm an ninh hay các cơ quan liên quan của chính phủ các bang. Con số này khiến Motorola lớn gấp 10 lần đối thủ đứng sau nó là Axon Enterprise.
Xin được nhắc là Tổng thống Mỹ Joe Biden gần đây đã thông qua gói ngân sách giải cứu trị giá 10 tỷ USD nâng cấp công nghệ đảm bảo an ninh trước tình hình nhiều vụ xả súng diễn ra.
Vô số chính quyền địa phương như tại hạt Miami Dade-Florida đã chi đến 165 triệu USD chỉ để mua hệ thống liên lạc an ninh mới nhất của Motorola.
Nhu cầu an ninh
Hệ thống an ninh mới nhất M500 của Motorola là một mạng lưới theo dõi, điều khiển kết nối trung tâm với các xe tuần tra của cảnh sát. Chúng được trang bị camera để phát hiện tự động các mối nguy hiểm, những kẻ phạm tội có vũ trang đang tiếp cận cảnh sát tuần tra.
Sản phẩm này còn được tích hợp AI để tự động cảnh báo cảnh sát hoặc kết nối đến tổng đài khẩn cấp 911 của Mỹ.
Ngoài ra hãng cũng phát triển hàng loạt sản phẩm khác cho trường học, bệnh viện hay tư nhân tùy nhu cầu. Việc Motorola liên tục mua lại, sáp nhập các hãng công nghệ an ninh trong ngành giúp họ xây dựng được một hệ thống sản phẩm hoàn thiện, tự động phân tích để giúp người theo dõi quan sát và cảnh báo kịp thời.
Chính việc tăng cường hệ thống an ninh của Motorola giúp giảm bớt các rủi ro tuần tra của cảnh sát, giảm số nhân viên an ninh là một ưu điểm vượt trội khiến nhiều chính quyền bang ưa thích.
Việc Motorola chuyển mình thành công trong khi những tên tuổi cùng thời như Nokia, Ericsson hay BlackBerry suy tàn đã khiến nhiều người phải trầm trồ.
“CEO Greg Brown đã thành công thực hiện cuộc chuyển mình đầy khó khăn”, chuyên gia phân tích Keith Housum của Morthcoast Research nhận định.
Tráng sĩ chặt tay
Hãng Motorola đã nằm trong danh sách Fortune 500 kể từ khi danh sách này ra đời vào năm 1955. Bước sang thập niên 1990, Motorola là 1 trong 25 công ty có doanh thu cao nhất tại Mỹ.
Tuy nhiên, tập đoàn này lại đang gặp rắc rối lớn khi mảng di động lại liên tục thua lỗ dù doanh thu cao. Vào năm 2007, nhà đầu tư Carl Icahn mua cổ phần của Motorola và yêu cầu hãng vứt bỏ mảng kinh doanh thua lỗ này dù chúng đem lại danh tiếng cũng như chiếm đến ¾ doanh thu cho công ty.
CEO Motorola thời đó là Ed Zander, người giúp hãng ra mắt thành công dòng sản phẩm điện thoại siêu mỏng Razr năm 2004, đã phản đối ý kiến này.
Kết quả cuộc xung đột là CEO Brown hiện nay lên thay thế.
Nhận thức được rằng dù có doanh thu nhưng mảng di động đang ngày càng tụt lại phía sau trước sức mạnh của iPhone và smartphone, cả CEO Brown và Carl Icahn đều nhận định Motorola sẽ không đấu lại được Apple.
Vào tháng 3/2008, chỉ 2 tháng sau khi lên nhậm chức, CEO Brown đã tuyên bố từ bỏ mảng điện thoại di động huyền thoại, làm nên tên tuổi cho Motorola.
Tất nhiên việc “tráng sĩ nhịn đau chặt tay” này của CEO Brown không hề dễ dàng khi phải mãi tới năm 2011, Motorola mới thực sự dứt bỏ được mảng di động, bán lại cho Levono.
Đến năm 2013, ông tổ ngành điện thoại di động này vẫn vùng vẫy bên bờ vực phá sản khi vứt bỏ mảng kinh doanh chủ lực của mình để tìm đường sống mới. Thậm chí CEO Brown đã đệ trình phương án bán lại công ty nhưng chẳng có ai chịu mua một tập đoàn di động đã trở thành dĩ vãng.
Tiền mặt dự trữ gần cạn, giá cổ phiếu xuống quanh 60 USD/cổ, tình hình Motorola lúc đó chẳng thể miêu tả gì ngoài chữ “bết bát”.
Thế nhưng từ khi mở rộng hoạt động ở lĩnh vực thiết bị an ninh, Motorola đã dần lấy lại được sức sống. Doanh số của hãng tăng từ 5,6 tỷ USD năm 2015 lên 9 tỷ USD năm 2022. Lợi nhuận cũng đạt 1,3 tỷ USD năm ngoái và nhiều nhà phân tích ước tính con số này sẽ tăng thêm 10% trong năm nay.
Trong 5 năm qua, giá cổ phiếu của Motorola đã tăng gần 150%, mức tăng cao hơn cả Google hay Amazon và thậm chí cao gấp đôi mức tăng bình quân của chỉ số Nasdaq Composite Index cùng kỳ.
Thậm chí với mức giá kỷ lục 299 USD vào tháng 5/2023 và chỉ số P/E đạt 35 lần, nhiều nhà đầu tư còn nhận định Motorola đang là cổ phiếu có mức giá khá đắt đỏ.
Tất nhiên, thành công nào cũng có rủi ro. Việc Motorola liên tục mua lại, sáp nhập các hãng công nghệ ngành thiết bị đã khiến nợ tổng số nợ dài hạn của hãng đã tăng từ 3 tỷ USD năm 2011 lên 6 tỷ USD hiện nay.
Thêm vào đó, Motorola cũng không có nhiều hoạt động ở Trung Quốc do từng có tranh chấp với Hytera Communications về sở hữu bản quyền trí tuệ. Phía Motorola cáo buộc công ty Trung Quốc đã ăn cắp bản quyền và tòa án bang Illinois đã yêu cầu phía Hytera thanh toán 600 triệu USD bồi thường.
Tuy nhiên phía công ty Trung Quốc kháng cáo cũng như từ chối thi hành. Hậu quả là Motorola không được chào đón tại thị trường 1,4 tỷ dân này.
Bất chấp điều đó, việc CEO Brown cùng Carl Icahn hồi sinh được ông tổ ngành điện thoại di động vẫn là một điều khiến các chuyên gia ngạc nhiên, nhất là bước đi dũng cảm bán đứt hoàn toàn các mảng di động liên qua khi nhận thấy không thể cạnh tranh nổi với Apple được đánh giá là một quyết định sáng suốt.
*Nguồn: Fortune