Bị cáo Nguyễn Hòa Bình (công chức phòng kê khai kế toán Cục Thuế TP.HCM) khai nhận hành vi như cáo trạng.
Ông Bình bị cáo buộc đã trực tiếp nghiên cứu đề xuất hoàn thuế 15 kỳ hoàn thuế trước kiểm tra sau, từ tháng 4-2018 đến tháng 6-2019; 15 phiếu đề xuất hoàn thuế trái quy định gây thất thoát cho Nhà nước 331 tỉ đồng.
Ông Bình khai hồ sơ của Thuduc House được chuyển qua mạng (giữa Cục Thuế TP.HCM và Thuduc House có kết nối qua ứng dụng hoàn thuế điện tử). Phòng kê khai kế toán sẽ nhận và sau đó sẽ phân loại hồ sơ.
Theo quy định, có 2 loại hồ sơ là hồ sơ kiểm tra trước hoàn thuế sau và hồ sơ hoàn thuế trước kiểm tra sau. Hồ sơ kiểm tra trước hoàn thuế sau thường là các hồ sơ hoàn thuế lần đầu, đã từng có hành vi trốn thuế, đối tượng rủi ro cao… Sau khi phân loại thì cán bộ sẽ đề xuất và trình lãnh đạo phòng.
Hồ sơ gồm phiếu đề xuất xin hoàn thuế, văn bản giải trình thuyết minh thông tin mà không cần giấy tờ như hợp đồng xuất khẩu, hợp đồng mua hàng, phiếu thanh toán tiền... việc kê khai do doanh nghiệp chịu trách nhiệm.
Chủ tọa hỏi: "Nếu người ta khai sai thì mình làm cách nào để quản lý?". Ông Bình nói sẽ có bộ phận kiểm tra, thanh tra sau.
"Tiền đã hoàn thuế rồi mới kiểm tra thì giải quyết được câu chuyện gì?" - chủ tọa chất vấn.
Bị cáo Bình nói: "Trong vòng 10 năm cơ quan thuế phải kiểm tra, người ta chỉ cần nói là có hoạt động, có số thuế âm từ hoạt động xuất khẩu thì hoàn. Bị cáo nghĩ do chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho hoạt động xuất khẩu".
Bị cáo Trần Thị Thúy Nga (cán bộ phòng pháp chế) cũng cho rằng chủ quan thấy Thuduc House có số thuế hoàn tăng đột biến nên đề xuất chưa đủ điều kiện hoàn thuế trước.
Tuy nhiên, sau khi trình lên thì bà Nguyễn Thị Bích Hạnh - phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM - cho rằng phải trao đổi lại phòng pháp lý để xem vững cơ sở pháp lý chưa, tránh kiện tụng. Sau đó, trưởng phòng, phó phòng thẩm định và bị cáo xem lại và thấy không có cơ sở pháp lý nên rút đề xuất.
Theo hồ sơ, Thuduc House là cơ sở kinh doanh thương mại có hoạt động xuất khẩu qua đất liền và có sự thay đổi bất thường về doanh thu tính thuế, có số thuế suất tăng đột biến (trên 20% so với cùng kỳ năm trước), doanh nghiệp có cùng mức thuế suất giá trị gia tăng đầu vào và đầu ra đề nghị hoàn, doanh nghiệp bên mua và doanh nghiệp bên bán có cùng chủ sở hữu, quan hệ liên kết.
Đây là dấu hiệu rủi ro cao, phải thực hiện kiểm tra 100% trước khi hoàn thuế. Các dấu hiệu rủi ro cao về thuế đều được các cán bộ, lãnh đạo phòng kê khai kế toán, phòng pháp chế phát hiện, nhận định trong phiếu đề xuất, phiếu thẩm định, tờ trình lãnh đạo Cục Thuế TP.HCM nhưng các cán bộ, lãnh đạo được phân công giải quyết đã không thực hiện theo quy định.
Giúp việc nhà bỗng thành giám đốc 2 công ty "ma"
Theo cáo trạng, bị cáo Lưu Thị Nương làm giám đốc 2 công ty "ma", gồm Công ty CAD, Brian giúp sức cho Mạc Văn Nguyện, Trịnh Tiến Dũng vận chuyển trái phép 82 tỉ đồng từ Việt Nam ra nước ngoài.
Bà Nương khai là người giúp việc nhà cho Mạc Văn Nguyện 1 tháng. Sau đó, Nguyện nói vừa đi tù về không có công ăn việc làm nên mượn CMND của bà để mở công ty. Nguyện là em rể của bị cáo nên bị cáo tin tưởng, Nguyện đưa gì thì bị cáo ký chứ không biết công ty đó ở đâu, làm gì và không được hưởng lợi đồng nào.
Sáng 8-6, phiên tòa xét xử 67 bị cáo trong vụ sai phạm xảy ra tại Thuduc House, Cục Thuế TP.HCM và các đơn vị khác bắt đầu phần xét hỏi.