Chiều 9-6, tọa đàm “Giải quyết bài toán thiếu điện cách nào?” do Câu lạc bộ truyền thông số tổ chức đã đưa ra nhiều thông tin về tình hình cung ứng điện.
Thông tin về hệ thống điện miền Bắc, ông Nguyễn Quốc Trung - phó giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), cho biết toàn hệ thống có công suất là 29.500 MW, gồm thủy điện là 9.700 MW, thủy điện nhỏ 3.300 MW.
Dùng nhiều cách để huy động nguồn điện cho miền Bắc
Tuy nhiên, do thủy điện khó khăn nên nhiều hồ chỉ phát được 4.000 MW; điện than suy giảm công suất do gặp sự cố nên chỉ huy động được 10.000 MW; nhập khẩu chỉ được 25 MW.
Như vậy, công suất thực tế huy động được tại miền Bắc chỉ vào khoảng 16.000 MW, trong khi nhu cầu tiêu dùng trong thời điểm nắng nóng có thể lên tới 19.000 MW.
Để đảm bảo cung ứng điện, ông Trung cho biết đã phải “làm tất cả mọi cách”. Trong đó, EVN phải huy động các nhà máy chạy dầu, giá hơn 5.000 đồng/kWh. PVN cấp khí, TKV cấp than cho Duyên Hải, Vĩnh Tân; nhiệt điện than không thực hiện sửa chữa trong giai đoạn này.
Một giải pháp nữa là chuyển điện từ miền Trung, miền Nam ra miền Bắc. Thông thường, công suất truyền tải trên đường dây là 2.400 MW, nhưng trong ngắn hạn đã tăng lên 2.500 MW - mức tương đối khó khăn, vất vả trong vận hành, theo lời ông Trung.
Do đó, A0 phải đưa vào một loạt hệ thống tự động giám sát vận hành để kịp thời tác động giữ ổn định hệ thống.
Ngoài ra, A0 cũng vận hành tối ưu hơn 200 nhà máy thuỷ điện nhỏ ở miền Bắc vào thời điểm khách hàng cần, hạn chế tối thiểu việc cắt điện, làm lợi cho miền Bắc hơn 1.000 MW. Tăng cường nhập khẩu điện từ Lào, Trung Quốc nhưng số lượng cũng được rất ít.
“Chúng tôi mong muốn khách hàng đồng hành để duy trì vận hành hệ thống ổn định. Nếu không tiết kiệm điện, không có biện pháp cấp bách, nếu thủy điện Hoà Bình dừng thì mất 1.920 MW, tình hình sẽ rất khó khăn, căng thẳng hơn rất nhiều. Đây là nhà máy điều tần cho hệ thống. Khi không còn hoạt động thì sẽ ảnh hưởng cả quốc gia” - ông Trung nói.
Về tình hình cung cấp điện thời gian tới, ông Trung nói dự báo có lũ về trong tháng 7. Do đó, hi vọng cuối tháng 6 và đầu tháng 7 có lũ thượng nguồn ở sông Đà, tình hình căng thẳng trong cung ứng điện sẽ được giải tỏa.
Cấp điện thời gian tới sẽ thế nào?
“Năm nay có khác do có năm nhuận thêm một tháng mùa khô, cũng là tín hiệu rất lo lắng. Chúng tôi phải liên tục theo dõi, cập nhật tình hình thuỷ văn, diễn biến khí tượng để kịp thời ứng phó thời gian tới. Mong nhất có lưu lượng nước về trên sông Đà.
Tháng 8 sẽ giải toả khi qua giai đoạn mùa khô, vận hành ổn định” - ông Trung nói.
Thông tin thêm, ông Võ Quang Lâm - phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cho biết một số nhà máy nhiệt điện gặp sự cố nên sẽ cố gắng sớm nhất có thể để đưa vào vận hành trở lại.
Bao gồm ba tổ máy tại Phả Lại, Nhiệt điện Vũng Áng 1 của PVN và nhiệt điện Cẩm Phả của TKV. Với việc đưa ba nhà máy này vào vận hành trong tháng 7-8 tới đây, sẽ hỗ trợ thêm 1.000 MW.
“Từ cuối năm 2022 khi thuỷ văn kém đi thì nhà máy nhiệt điện hoạt động liên tục, không nghỉ. Nhà máy vận hành khoảng 6.000 giờ/năm thì phải có khoảng nghỉ để bảo dưỡng, sửa chữa nhưng thời gian qua huy động cao, và thời gian hỏng kéo dài nên ảnh hưởng tới cung ứng điện” - ông Lâm cho hay.
Để chuẩn bị nhiên liệu cho ba nhà máy này, ông Lâm thông tin thêm là TKV đã cam kết tăng sản lượng than cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện phía Bắc (than nội, dùng 1 phần than phối trộn).
Còn theo ông Trung, giai đoạn trước mắt cần thực hiện có hiệu quả việc tiết kiệm và thực hiện điều chỉnh phụ tải với nhóm khách hàng lớn.
Tuy nhiên, về lâu dài cần có giải pháp rõ hơn để khắc phục những khó khăn trong cung ứng điện và khắc phục tình trạng thiếu điện.
Nguy cơ thiếu điện đã được cảnh báo từ trước dịch COVID-19 cùng tình trạng chậm tiến độ các dự án nguồn điện, đặt ra yêu cầu cần phải thực hiện quy hoạch nguồn điện hiệu quả.