Trong tuần này, các hãng đóng thuyền của Trung Quốc đã tiến gần hơn đến bước “đặt viên ngọc quý nhất” lên chiếc vương miện của ngành. Theo SCMP, bước tiến này sẽ thúc đẩy sự chuyển dịch trong việc phát triển các sản phẩm chất lượng cao, đưa nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới xuất hiện ngày càng nhiều trên những vùng biển rộng lớn.
Các tàu du lịch hạng sang, tàu chở LNG và tàu sân bay từ lâu đã được coi là “3 viên ngọc trai của vương miện” vì chúng đại diện cho bước tiến cao nhất trong các loại tàu chở khách, hàng hoá và thiết bị quân sự.
Mới đây, Trung Quốc đã hạ thuỷ chiếc du thuyền cỡ đại đầu tiên tự sản xuất tại Thượng Hải. Con tàu có tên Adora Magic City năng 135.500 tấn, dài 323 mét. Con tàu đã chuyển sang giai đoạn sửa những lỗi cuối cùng trước khi chạy 2 chuyến thử nghiệm vào tháng 7 và tháng 8, sau 4 năm chế tạo.
Vốn là quốc gia dẫn đầu thế giới về số lượng đơn đặt hàng tàu biển, Trung Quốc hiện đang chuẩn bị trở thành nơi có khả năng đóng tàu hàng đầu thế giới, khi hoạt động chế tạo chuyển từ tăng trưởng nhanh sang phát triển chất lượng cao.
Tuy nhiên, việc chế tạo du thuyền và phát triển 1 ngành từ con số 0 là điều không hề dễ dàng với Trung Quốc. Hiện tại, rất ít nhà cung cấp du thuyền ở nước này có đủ kinh nghiệm cần thiết để sản xuất các bộ phận cụ thể. Họ cũng chưa quen với các tiêu chuẩn công nghiệp quốc tế, vì thế một số vật tư lắp ráp vẫn phải nhập khẩu.
Xu Mingqi, giáo sư kinh tế quốc tế tại Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải, cho hay: “Chúng tôi đã vượt qua Hàn Quốc và Nhật Bản khi nói về các loại tàu thông thường nhưng vẫn đứng sau với các loại chất lượng cao. Tuy nhiên, Trung Quốc đang có nhiều bước tiến về kỹ thuật hơn khi tăng cường đầu tư vào R&D.”
Trong 4 tháng đầu năm nay, Trung Quốc chiếm tới 44,9% sản lượng đóng tàu, 65,5% đơn đặt hàng mới và 51,3% đơn có sẵn toàn cầu. theo Hiệp hội Công nghiệp Đóng tàu Quốc gia Trung Quốc.
Hãng phân tích thị trường vận tải biển Clarksons Research cho biết, Trung Quốc đã giao 48% số tàu buôn vào năm ngoái, còn Hàn Quốc là 25%. Stephen Gorden, CEO của công ty, cho hay, đơn đặt hàng tồn đọng tài các xưởng của Trung Quốc ước tính trị giá 132 tỷ USD, trong khi các xưởng ở Hàn Quốc nhận được số đơn trị giá 107 tỷ USD.
Tuy nhiên, Hàn Quốc vẫn chiếm thị phần lớn nhất và có chỗ đứng vững chắc trong mảng sản xuất tàu chở LNG, trong khi thị phần của Trung Quốc đã tăng lên trong 12 tháng qua.
Trong những tháng gần đây, các nhà máy đóng tàu của Trung Quốc đã có những bước đột phá trong việc chế tạo những loại tàu khác nhau. 4 tàu chở amonic dung tích 93.000 m3 - loại lớn nhất thế giới và là tàu đầu tiên của nước này, đang được lắp ráp ở Nhà máy đóng tàu Giang Nam (Thượng Hải). Tàu được chế tạo sau khi nhận được đơn đặt hàng từ Eastern Pacific Shipping của Singapore.
Cuối tháng 3, một tàu chở dầu có hệ thống điều khiển định vị động nặng 155.000 tấn - tàu đầu tiên thuộc loại này do Trung Quốc sản xuất, cũng được Dalian Shipbuilding Industry giao hàng.
Động lực sản xuất các loại phương tiện chất lượng cao của Trung Quốc cũng trở nên rõ ràng hơn khi chiếc máy bay chở khách thân hẹp đầu tiên cất cánh. Chiếc C919 đã thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên vào cuối tháng 5 vừa qua.
Với chiếc máy bay “Made in China” đầu tiên này, Trung Quốc kỳ vọng có thể giảm sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài trong bối cảnh quan hệ với phương Tây đang căng thẳng. C919 được thiết kế nhằm mục tiêu cạnh tranh với Boeing 737 và Airbus A320, song hầu hết các bộ phận của C919 vẫn phải nhập khẩu từ các nhà sản xuất nước ngoài.
Một nhà quan sát trong ngành tiết lộ, trong khi đó, một loạt hệ thống được dùng trong hoạt động đóng tàu cũng là “điểm nghẽn” khiến Trung Quốc phải phụ thuộc vào nước ngoài để có được các công nghệ then chốt.
Người này cho hay, hệ thống chứa hàng cho các tàu chở LNG - đảm bảo duy trì nhiệt độ ở mức siêu thấp, là ví dụ điển hình. Nhà quan sát nói thêm: “Chúng tôi phải trả rất nhiều tiền cho phí sử dụng bằng sáng chế của Pháp về mảng này và còn lâu nữa mới có sản phẩm của riêng mình.”
Dù có rất nhiều đơn đặt hàng nhưng phần lớn các nhà máy đóng tàu ở Trung Quốc lại đang… thua lỗ. Hầu hết các công ty niêm yết thuộc Tập đoàn Đóng tàu Trung Quốc đang gặp khó khăn trong việc tạo ra lợi nhuận, do chi phí lao động và linh kiện tăng, theo 1 cuộc họp báo cáo về hiệu quả hoạt động vào cuối tháng 5.
Theo Caixin, phó tổng giám đốc Tập đoàn đóng tàu, Tao Jian, cho biết khi các quy định về khí thải vận chuyển dần được thắt chặt để chống lại tình trạng biến đổi khí hậu, các công ty con cũng đang tăng cường đầu tư vào các tàu thân thiện với môi trường.
Ông cho hay, các quy định nghiêm ngặt về khí thải sẽ yêu cầu các tàu thông thường sẽ ngừng hoạt động và được thay thế bằng các tàu có lượng khó thải thấp hoặc bằng 0, chạy bằng LNG, metanol hay các loại nhiên liệu khác. Do đó, những công ty có khả năng sản xuất các tàu có lượng phát thải thấp sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn.
Tuy nhiên, Mu Huaili, Tổng giám đốc Nhà máy đóng tàu Yangliuqing ở Thiên Tân, cho biết, việc chuyển đổi sang loại tàu thông minh và thân thiện với môi trường của các nhà sản xuất quy mô nhỏ là thách thức lớn. Việc loại bỏ toàn bộ tàu chạy diesel có thể phải mất cả thập kỷ.
Tham khảo SCMP