Giữa tháng 12/2020, diễn viên Quý Bình gây bất ngờ khi tổ chức đám cưới với nữ doanh nhân Ngọc Tiền - CEO Đảo vàng, lớn hơn 7 tuổi. Ngay sau đám cưới vợ Quý Bình trở thành tâm điểm chú ý của dư luận.
Trên mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin như "đại gia bất động sản Phú Quốc", "đại gia nghìn tỷ", "doanh nhân nghìn tỷ"...
Trong cuộc trò chuyện mới đây với Ngọc Tiền - vợ Quý Bình - chị đã có những chia sẻ thẳng thắn về con đường sự nghiệp của mình cũng như cách gọi trên mạng xã hội.
- Ở thời của chị được làm nhân viên ngân hàng có thể nói là rất oai, nghề sang chảnh. Vậy khi quyết định nghỉ việc sang lĩnh vực bất động sản chị có nghĩ nhiều không?
Tôi suy nghĩ rất nhiều vì được làm ở ngân hàng Sacombank là may mắn lớn nhất cuộc đời tôi sau khi ra trường. Đây là cái nôi đầu tiên rèn luyện cho tôi tư duy, ý thức để có một cuộc sống tốt.
Sacombank còn ẩn chưa nhiều nghĩa tình và tôi có được ngày hôm nay cũng là từ nhân duyên được nhận vào làm ở đây, được về Sài Gòn (nhà ở Hóc Môn).
Làm ở Sacombank bạn bè, đồng ngiệp cái gì cũng đẹp hết nên nghỉ việc tôi rất hụt hẫng. Nhưng cái gì cũng vậy, nó là nhân duyên, giống như là số mệnh. Làm nhân viên văn phòng lâu quá, tôi tự thấy mình bị cũ.
Khi các lớp sinh viên đến thực tập ở ngân hàng, tôi là người hướng dẫn, tiếp xúc với các bạn trẻ tôi càng thấy mình già và cũ hơn. Lúc đó, tôi đang ở độ tuổi U30 nên thấy mình bị cũ đi thì không chịu được (cười).
Nếu tôi cứ bám trụ để đợi thăng tiến vị trí cao hơn trong nghề thì cũng cần quá trình rất dài và nó vẫn nằm trong khuôn khổ văn phòng nên tôi quyết định nghỉ. Thật ra khi rời khỏi ngân hàng, tôi chưa có bất cứ một kế hoạch chính xác, chỉ nghĩ sẽ làm ăn cái gì đó. Tuy nhiên việc đầu tiên vẫn là nghỉ ngơi, chăm sóc gia đình nhỏ của mình.
Rồi một lần đi chơi gặp một cô bạn. Cô ấy nói "Xin đi làm chỗ này không, về bất động sản, đưa đơn đây mình nộp cho". Và vô tình công ty bất động sản đó lại là công ty con của Sacombank. Tại đây, tôi cũng làm văn phòng nhưng công ty này cho tôi cơ hội quay lại với công việc như hồi nhỏ của mình.
Từ năm lớp 9, tôi đã biết viết giấy mua bán đất. Những năm sau đó, Phú Mỹ Hưng bắt đầu triển khai, nhiều người được đền bù đất nên xuôi về Hóc Môn chỗ tôi ở để mua đất rất nhiều. Và tôi biết làm môi giới bất động sản.
Ngành ngân hàng cũng cho tôi rất nhiều kiến thức. Và từ những kiến thức đó tôi có thể làm được các việc như đánh vàng trên sàn và chơi chứng khoán. Thế nên khi làm bất động sản, tôi rất rành những công việc này. Dù chỉ là nhân viên văn phòng bình thường thôi nhưng thời điểm đó tôi đã có hơn 40 tỷ trong tài khoản, luân chuyển để kinh doanh.
Thế nhưng, tôi không có suy nghĩ tự thoả mãn và cho rằng mình là người có nhiều tiền, có lẽ do nghề nghiệp khiến tôi bị chai cảm xúc với tiền. Tôi rất thích "kiếm tiền" nhưng không có "tham tiền". Tôi tiếp xúc với tiền ở ngân hàng quen rồi nên tiền với tôi nó là phương tiện.
Muốn có nhiều phương tiện thì phải phấn đấu bản thân trong công việc thật tốt và làm việc không ngừng. "Kiếm tiền có nhiều cách kiếm tiền" - tôi giữ tiêu chí này để không chọn sai cách kiếm tiền và trở nên tham lam.
Ví dụ tôi thích xe thì sẽ đặt ra mục tiêu là mình sẽ làm và sắm chiếc xe đó bên Đức về chẳng hạn. Tôi là nữ nhưng rất mê xe hơi. Ngày đó tôi sắm xe xong, nhưng không dùng xe để làm phương tiện se sua, mà vì đam mê và cũng để tạo lợi nhuận kép, nên tôi lại không đi mà cho thuê lấy tiền. Tôi vẫn đi làm bằng chiếc xe máy Attila cũ.
- Lớp 9 đã làm cò đất là do chị được chỉ dẫn hay là bản năng?
Tôi sinh ra trong gia đình buôn bán mà (cười), lớp 9 thì dư sức viết cái giấy đặt cọc rồi. Nhà tôi có bán quán nước, người ta đến uống rồi hỏi ở đây có đất không thì tôi nhanh nhảu trả lời rồi chỉ chỗ này, chỗ kia.
Ngoài ra thì những người hàng xóm cũng có qua nói là "con ơi có ai hỏi mua đất thì bán dùm cô nghe". Tôi vẫn nhớ tiền môi giới được 5,6 triệu gì đó.
Nhỏ xíu, tôi đã siêng làm việc rồi mặc dù tôi là út cưng của nhà nghèo, được cha mẹ anh em bao bọc lắm không bị bắt làm gì cả. Nhưng tôi thích làm việc, tôi nói với ba má: "Cho con làm một việc gì đó phụ giúp ba má, con không ngồi chơi hoài được". Thế nên lúc nhỏ cứ đi học về là tôi lại đi nhặt củi, nhặt bông lúa...
Ba má thấy ngoan, không ảnh hưởng việc học nên cũng động viên: "Ráng giỏi vậy, mai mốt mình không có khổ!". Đó, hồi nhỏ tôi đã được vậy nên khi đi làm, tôi bén duyên với kinh doanh.
- Chị gắn bó với công ty bất động sản bao lâu thì lập công ty riêng?
Tôi vô công ty bất động sản năm 2005 và nghỉ đầu năm 2009. Không gắn bó quá lâu nhưng làm ở đây cho tôi rất nhiều kinh nghiệm.
Tôi may mắn được tiếp cận tất cả các phòng ban, tiếp cận các dự án, được tiếp xúc phòng sale... và được đi học các lớp đào tạo. Ngoài ra, tôi còn học được ở những người trẻ mà mình tiếp xúc sự nhiệt huyết và những người lớn tuổi ở sự chững chạc...
Mà thật ra tôi làm bất động sản là xuyên suốt luôn, từ nhỏ tới lớn. Lúc làm ngân hàng, tôi vẫn buôn bán đất. Đồng nghiệp trong ngân hàng tôi ai muốn mua đất cũng đều kiếm tôi hỏi (cười).
- Có phải nhờ thế mà chị biết được các dự án ở Phú Quốc để rồi được mệnh danh là "Nữ tướng bất động sản Phú Quốc" không?
Bất động sản thì có nhiều nơi mình có thể ngắm nhìn và chọn lựa nhưng có được ngày hôm nay, tôi vẫn nghĩ đó là số phận, là nhân duyên. Tôi đi làm môi giới đất cũng nhiều nơi, nhưng khi ra Phú Quốc, thổ nhưỡng ở đây cho tôi cảm giác không giải thích được, hay lắm! Tôi tin mình sẽ có cuộc sống ổn định và tốt hơn khi ở đây.
Lúc tôi ra Phú Quốc, nơi đây vẫn còn hoang sơ, giống như một cỗ máy đang tu sửa vậy. Tôi cũng không giải thích được tại sao mình lại yêu Phú Quốc đến vậy, yêu như quê hương Hóc Môn của tôi nơi có cả trời ký ức tuổi thơ vậy.
Tuy nhiên, Phú Quốc ngoài tình yêu, tôi luôn có một tâm thái mang ơn nữa. Phú Quốc đã cho tôi ngày hôm nay, cho tôi chén cơm manh áo...
- Công việc kinh doanh của chị ở Phú Quốc cụ thể như thế nào?
Tôi kinh doanh theo từng giai đoạn tức là giai đoạn nào mình đủ hồ sơ pháp lý để kêu gọi nhà đầu tư, kêu gọi ngân hàng thì mình sẽ gọi. Mà kêu gọi thì phải chắc chắn dự án có thật. Pháp lý và hạ tầng mọi thứ bắt buộc của một dự án đều phải hoàn thiện song song. Nguồn gốc dự án, pháp lý rõ ràng.
Thường ở Phú Quốc tôi sẽ bán sản phẩm theo phương thức góp vốn, góp dần dần ra miếng đất xong rồi lại góp dần dần xây dựng thành ngôi nhà... Khách hàng sẽ có một căn nhà trong khoảng 2 đến 3 năm. Bên cạnh đó, Tôi vẫn có những căn biệt thự hoàn thành rồi để khách hàng có thể mua trả luôn một lần.
- Vậy trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 vừa qua, việc kinh doanh của chị có bị ảnh hưởng không? Con số là bao nhiêu và nếu dịch bệnh vẫn kéo dài hết năm 2021 thì chị có phương án gì cho công ty của mình?
Dịch Covid-19 rất ảnh hưởng. Các nhà đầu tư không đổ tiền vào mua đất ở các địa phận, Phú Quốc cũng không ngoại lệ là chuyện hiển nhiên.
Ở Phú Quốc có nhiều ưu điểm nhưng cũng có một yếu điểm đó là ở đảo, nhiều người lại có tâm lý là ra đảo nên việc kinh doanh bất động sản ở đây khó khăn hơn nhiều nơi khác cộng thêm dịch bệnh thì việc các nhà đầu tư tạm dừng cũng dễ hiểu.
Tôi cũng gặp khó khăn là không bán được bất động sản trong thời gian dịch bệnh nhưng tôi có nền tảng từ trước nên vẫn có thể duy trì, phát triển xây dựng giai đoạn 1 với 32 căn biệt thự, nuôi sống công ty, nuôi sống gia đình và vận hành các dự án đang hợp tác.
Và nếu dịch bệnh kéo dài tới hết cả năm 2021 thì công ty tôi vẫn duy trì theo hoạch định. Chuyện gì cũng vậy, bạn qua được cơn sốc thị trường, cơn bão, và bạn đã ổn định rồi thì sẽ thích nghi và vận hành uyển chuyển theo thời cuộc, theo thị trường.
Còn con số thiệt hại thì nó thuộc về bảo mật kinh doanh không thể nói được. Tuy nhiên quan điểm của tôi, làm ăn thì có lúc này lúc kia, Covid-19 làm nhiều lĩnh vực bị chững lại.
Khi thị trường chung đã dần ổn định, Phú Quốc được lên thành phố, công trình giao thông tiện ích toàn đảo cũng đẹp hơn. Điều này sẽ thu hút các nhà đầu tư, người có nhu cầu về bất động sản đến với Phú Quốc nhiều hơn.
- Trên mạng xã hội và một số phương tiện truyền thông đại chúng thấy chị thường được gọi là "đại gia nghìn tỷ". Chị nghĩ sao về cách gọi này?
Người ta gọi tôi là "đại gia nghìn tỷ" thì tôi thấy vui, điều đó giống như lời chúc phúc vậy. Đã là một đơn vị đầu tư và phát triển tại thành phố biển đảo Phú Quốc, việc đi đến doanh nghiệp nghìn tỷ là chuyện phải làm.
Ví dụ như người ta gặp bạn và nói "trời ơi con nhỏ đó nghèo xác xơ" thì tự nhiên mình cũng thấy tủi lòng đúng không? Còn nếu người ta nói mình là "đại gia nghìn tỷ" nghe vẫn vui hơn nhưng nói thích thì tôi không có thích tại vì nghe từ "đại gia" nó rất là đại trà và không thân thiện.
Với tôi, ai cũng là "người giàu" của chính cuộc đời mình. Một người lao động phổ thông có cuộc sống gia đình hạnh phúc, họ ăn một bữa ăn ngon bằng số tiền họ nhận được từ lao động, thì họ đã làm "đại gia".
Tôi không biết mình nói vậy có động chạm không nhưng những gì là quan điểm, thì không nên phân định đúng hay sai. Dẫu vậy, tôi vẫn xem những cách gọi đó giống như Tết người ta đến nhà và dành cho mình một lời khen và mình phải phấn đấu để được như họ nghĩ.
Và làm sao khi mình có tiền rồi sẽ làm cái gì đó có ích cho gia đình, cho con cái không phung phí, xa hoa vào bản thân, không se sua làm lố và biết chia sẻ với những mảnh đời khó khăn, sống có ích cho xã hội, và nhất là đã là một doanh nghiệp thì luôn có trách nhiệm với cộng đồng.
Về phía công ty của tôi, trong đợt lũ lụt ở Phú Quốc vừa qua thì "của ít lòng nhiều" có thể không bằng các tập đoàn lớn nhưng từ năng lực, tài lực và cái tâm của mình cũng có đóng góp, hỗ trợ.
Ai cũng thích mình có nhiều phương tiện để đáp ứng cuộc sống của mình nên tôi thấy ai cũng là đại gia khi có cuộc sống hạnh phúc. Còn đối với một doanh nghiệp nghìn tỷ hay hai nghìn tỷ nó cũng rất phù du thôi. Nếu hôm nay đi con thuyền này nó đúng thì sẽ phát triển còn nếu lệch hướng thì sẽ lênh đên trên biển. Lênh đênh trên biển hoài thì sẽ bị cạn nhiên liệu.
- Nhưng tôi vẫn tò mò con số "nghìn tỷ" với chị có chính xác không?
Tôi không thể nói "đại gia nghìn tỷ" là không đúng vì tại sao mình phải phủ nhận điều đó? Vì như tôi nói ở trên, điều đó là mục tiêu phải làm.
Do vậy, tôi sẽ coi con số nghìn tỷ hay hai nghìn tỷ là mục tiêu để mình phấn đấu. Và mục tiêu hiện tại của tôi đó là hoàn thành hai dự án Búng Gội và Sông Dương Đông do tập đoàn CIC làm chủ đầu tư.
Hoàn thành hai dự án này tốt đẹp và phát triển thì xem như thành quả lao động của tôi trong thời gian qua được bù đắp.
- Chị từng chia sẻ chưa bao giờ bị cạnh tranh xấu trong kinh doanh. Con đường của chị trải hoa hồng thật sự hay do chị chỉ nhìn những mặt tích cực?
Đúng là do cách nhìn của tôi. Mọi thứ khi xử lý rồi hay chưa xử lý, tôi cũng đều phải nhìn hướng tích cực để mình thấy vui chứ cứ than con đường mình đi khổ quá làm gì vì có ai bắt mình đi đâu. Do mình tự lựa chọn mà.
Còn thật ra nhiều khó khăn lắm chứ, gian khổ lắm chứ. Để vượt qua những suy nghĩ tiêu cực tôi thường nghĩ tới sự vất vả của ba má mình ở thời cuộc trước đây. Ba má còn khổ hơn tôi, vậy mình gian nan một chút có là gì đâu!
Ngành nghề nào cũng có cạnh tranh. Trong thương trường thì sẽ có đối trọng nhưng tôi luôn nghĩ, có người cạnh tranh mình thì cũng có người yêu thương mình vậy là cân bằng rồi.
Trong công việc tôi luôn lựa chọn cách dung hòa đến mức có thể. Tuy nhiên trong trường hợp không thể dung hòa được thì tôi chọn cách đóng khung nó lại và chọn hướng mới.
Trong đối tác, tôi cũng có gặp một số trường hợp không thể hợp tác nhưng hướng xử lý cuối cùng của tôi vẫn là dĩ hòa vi quý nhất có thể. Còn nếu không thể nữa thì sẽ nhờ tới một đơn vị thứ ba là pháp luật chẳng hạn, để giải quyết.
- Nhưng có bao giờ vì thấy khó khăn quá mà chị muốn dừng lại công việc?
Có chứ. Có lúc nghĩ: "Sao người ta cũng phụ nữ mà người ta sướng quá vậy còn mình vẫn phải đứng ở cửa sổ suy nghĩ ngày mai ra sao. Rồi trong cuộc họp đó mình phải nói gì và làm sao mình giữ được hợp đồng của mình mà bên kia cũng vui, mình cũng vui...".
Thậm chí, có lúc tôi nghĩ hay là mình mở cái siêu thị để bán, còn nhẹ nhàng hơn thì làm sạp rau ngoài chợ cũng được. Tôi sẵn sàng làm bất cứ cái gì mà tôi thấy lương thiện nhất nhưng suy nghĩ xong lại thấy mình lùi bước là hèn quá. Tôi còn phải có trách nhiệm với bao nhân viên, cộng sự của mình - những người vẫn đang kỳ vọng vào dự án và tôi.
Tôi đã từng phải đấu tranh tư tưởng như vậy và luôn cố gắng "tiêu hóa, giải phóng" những suy nghĩ tiêu cực, chán nản đó ngay và sang ngày hôm sau không còn một chút chán nản nào trong công việc.
- Trong lĩnh vực của mình chị thần tượng và hâm mộ ai?
Mấy người giỏi, tôi ngưỡng mộ hết. Tôi học mỗi người một chút. Thí dụ, tôi đang làm với tập đoàn CIC thì tôi rất ngưỡng mộ ông chủ tịch tập đoàn là ông Trần Thọ Thắng. Ông sống rất quân tử, tình cảm và rất quyết đoán.
Ông có bộ máy nhân sự rất cống hiến và trung thành. Điều đó không nằm ở tiền lương mà là ở tình cảm, cách đối nhân xử thế. Người ta có thể ăn cơm với muối để đồng hành cùng. Tôi học được ông ở điểm này vì doanh nghiệp nào cũng sẽ phải đối mặt với chông gai, khó khăn mà những thời điểm như vậy rất cần những cộng sự tận tâm, tận lực để vượt qua.
Còn trước khi gặp anh Thắng người tôi ngưỡng mộ nhất là ông Đặng Văn Thành - chủ tịch Sacombank. Ông là một người lãnh đạo tuyệt vời có thể thổi lửa cho từng nhân viên từ người mới vào làm cho tới nhân viên lãnh đạo cấp cao.
Được ông "thổi lửa" thì ngày hôm sau cảm thấy mình phải chỉn chu lên nhiều lắm từ sắc vóc, phong thái, tướng đi, dáng đứng, cách ăn nói, kiến thức chung, kiến thức chuyên môn... mặc dù trong các bài thuyết trình của ông không có nói chi tiết như vậy nhưng tự mỗi người sẽ cảm thấy mình phải trở thành một con người hoàn hảo hơn.