Những biệt phủ xây theo đủ loại phong cách Âu - Á - Trung Đông và cả kiểu kiến trúc thời Phục hưng. Những biệt phủ này không chỉ trội lên ở phố phường đô hội, mà còn lừng lững giữa làng quê hẻo lánh. Nó như những điểm nhấn của "bệnh sĩ", thể hiện sự cuồng tín vào sức mạnh của thói phô trương.
Không thể nói tất cả các biệt phủ là những công trình gây bức xúc dư luận. Có cái được tạo dựng bởi những đại gia thành đạt qua kinh doanh chân chính (chắc ít thôi). Họ có quyền làm bất cứ thứ gì, kể cả dát vàng, nếu muốn.
Điều đáng lưu ý là không ít biệt phủ có chủ sở hữu là cán bộ lắm của nhiều tiền hoặc người thân của các vị "đầy tớ". Bà con địa phương rất thiếu cảm tình khi kể lại rằng đó là của ông nọ bà kia, làm việc ở nơi này nơi khác. Người dân chẳng hề nể trọng cái tòa nhà vốn chứa đầy ngờ vực tính hợp pháp, lương thiện về nguồn gốc tiền bạc, tệ hơn nữa là còn dè bỉu, chê bai, buông lời thị phi.
Tiền ở đâu để có biệt phủ xa hoa tới mức như vậy? Câu hỏi khó cho các vị chủ nhân là quan chức. Thế nhưng mọi chuyện vẫn cứ diễn ra công khai. Hình như chẳng ai sợ câu hỏi đó. Thật ra, có một vài người liều lĩnh trả lời trên trời dưới đất, đại loại như tiền tậu biệt phủ được ky cóp bằng cách tích góp từ này nọ.
Họ mặc kệ dư luận, miễn là có lý do để giải trình cho những thắc mắc liên quan xuất xứ của tiền bạc. Muốn tin thì tin, không tin thì... thôi!
Thói đời người ta thường thích khoe khoang tài sản khủng cùng lối sống sang giàu, nhưng lại "vô tư" trước sự ẩn chứa nhiều vấn đề nhạy cảm cần làm sáng tỏ, kể cả dấu hiệu của tham nhũng, tiêu cực.
Đây là căn bệnh đang có xu hướng lây lan trong giới quan chức, thành phong trào đua nhau làm nhà cao cửa rộng, xây lăng mộ nguy nga, nhà thờ tổ thênh thang, tổ chức linh đình tiệc cưới xin, tiệc thăng quan, tiệc chia tay nghỉ hưu...
Những việc trái khoáy này ngang nhiên xuất hiện, bất chấp các quy định của Đảng và Nhà nước về chống xa hoa và lãng phí, bất chấp biết bao thường dân cần lao xung quanh mình đang hằng ngày vất vả với miếng cơm manh áo.
"Đồng tiền đi liền khúc ruột" - nếu được làm ra bằng mồ hôi, nước mắt thì không dễ gì người ta ngông nghênh với trò phô trương hợm hĩnh. Thu nhập chính đáng của quan chức dù cao cỡ nào cũng không thể rủng rỉnh đến mức "quăng tiền qua cửa sổ", giỏi giang lắm là chỉ có căn nhà tầm tầm bậc trung, đừng mơ đến biệt phủ đồ sộ, xe cộ bóng loáng, ăn nhậu ầm ĩ và rình rang...
Tiền không phải là giấy, thế mà vẫn có bộ phận không nhỏ các quan chức hưởng thụ vương giả. Đó là chuyện lạ ở nước ta - một quốc gia đang phải chắt bóp để phát triển, vươn lên.
Hết thảy những điều nêu trên hoàn toàn tồn tại trước mặt bàn dân thiên hạ, nhưng có những trường hợp chưa được quan tâm xử lý đúng mức. Thậm chí, một số người có trách nhiệm còn bị chi phối nên ngại va chạm, cố tình làm ngơ.
Rõ ràng là công tác kiểm soát tư cách, kê khai tài sản nhiều nơi đang bị buông lỏng hoặc chỉ thực hiện dưới dạng nặng hình thức, chưa thật sự hiệu quả mới xảy ra tình trạng tham nhũng, xa hoa lãng phí. Pháp luật, quy định đều có đầy đủ và nêu rõ cán bộ, đảng viên phải bị kỷ luật nếu thiếu nêu gương hoặc để người thân ruột thịt sống xa hoa, lãng phí.
Đáng tiếc là chẳng mấy khi lưỡi gươm công lý được vung lên, thói phô trương đậm chất thô lỗ pha lẫn bất minh đương nhiên theo nhau nở rộ.
Đến lúc phải thẳng tay ngăn chặn, chấm dứt một vấn nạn làm nghèo đất nước, làm hư xã hội và nhất là hủy diệt niềm tin.
Sáng 10-5, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để xem xét nhiều nội dung quan trọng.