Ngày 10-6, Viện KSND tỉnh Đồng Nai cho hay vừa truy tố bị can Nguyễn Quang Tuấn (43 tuổi, nguyên giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai) về tội "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".
Cùng bị truy tố về tội danh trên còn có Nguyễn Hồng Đăng Khoa (42 tuổi, nguyên giám đốc Công ty Nhà Nguyễn, kiêm giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Trí Nguyễn, gọi tắt là Công ty Trí Nguyễn).
Thiệt hại tài sản Nhà nước hơn 28 tỉ đồng
Ngoài ra, 3 bị can Nguyễn Ngọc Phương (50 tuổi, nguyên phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ), Trần Thị Huỳnh Hương (45 tuổi, nguyên trưởng Phòng Kế hoạch - tài chính), Lê Thị An Nhiên (41 tuổi, nguyên phó giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai) bị truy tố về tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Theo cáo trạng, năm 2008, UBND tỉnh Đồng Nai thành lập Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học và bổ nhiệm Tuấn làm giám đốc, Nhiên làm phó giám đốc.
Quá trình lập hồ sơ, báo cáo, triển khai thực hiện hai dự án Nhân rộng mô hình sản xuất rau, quả trong nhà màng theo tiêu chuẩn VietGAP (viết tắt Nhà màng VietGAP) và Nhà màng nông nghiệp, các bị can đã có nhiều sai phạm trong việc quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước.
Không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho ngân sách với tổng số tiền hơn 28 tỉ đồng.
Cụ thể, năm 2015, UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt dự án Nhà màng VietGAP tại xã Xuân Đường (huyện Cẩm Mỹ) và giao cho ông Phạm Văn Sáng - nguyên giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (đã bỏ trốn, hiện đang truy nã quốc tế) quản lý, triển khai với tổng kinh phí gần 87 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước hơn 16 tỉ đồng và kinh phí khác gần 71 tỉ đồng.
Xây dựng nhà màng sai quy định
Quá trình xét hồ sơ các dự án, có 6 đề tài được chọn. Tuy nhiên, ông Sáng đã ký thông báo chọn dự án Nhà màng VietGAP để thuyết minh. Trong khi có đến 4 đề tài khác có thứ tự ưu tiên cao hơn nhưng không được chọn.
Cáo trạng nêu rõ, quá trình lắp 3 khối nhà màng theo dự án, ông Sáng và Tuấn không xác định tọa độ, vị trí lắp nhà màng, không triển khai thực hiện các giai đoạn lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế, tổ chức thi công…
Bên cạnh đó, giữa ông Sáng và hai bị can Tuấn, Khoa đã thỏa thuận về việc hợp tác giữa Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học và Công ty Trí Nguyễn (Khoa góp vốn 17,5 tỉ đồng và bà Nguyễn Thị Xuân, vợ ông Sáng góp vốn 12,5 tỉ đồng).
Vì vậy, ông Sáng và hai bị can Tuấn, Khoa đã cố ý lắp dựng 3 khối nhà màng trái quy định, gây thiệt hại Nhà nước hơn 14 tỉ đồng.
Với thủ đoạn tương tự, ông Sáng và hai bị can Tuấn, Khoa xây lắp 2 khối nhà màng trong dự án Nhà màng nông nghiệp và để cho Công ty Trí Nguyễn chiếm dụng, gây thiệt hại tài sản của Nhà nước gần 14 tỉ đồng.
Cũng theo cáo trạng, Nhiên dù phát hiện nhiều thiếu sót nhưng vẫn ký xác nhận đại diện tổ chức chủ trì, báo cáo thuyết minh dự án và giấy phối hợp xây dựng dự án với Công ty Trí Nguyễn.
Công ty Trí Nguyễn không chứng minh được năng lực về nhân lực, trang thiết bị và khả năng huy động vốn. Song Phương và Hương không tổ chức kiểm tra, xác minh mà vẫn họp thông qua kinh phí này. Điều này dẫn đến Công ty Trí Nguyễn không có đủ năng lực tài chính phối hợp thực hiện dự án như cam kết.
Sau khi có kết luận thanh tra, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai vừa ký quyết định chuyển hồ sơ cho công an tiếp tục điều tra sai phạm ở Trung tâm Công nghệ sinh học.