Chiều 10.6, tại Trung tâm Báo chí TP.HCM, Công ty TNHH MTV Quỹ từ thiện và bảo trợ xã hội Trăng Khuyết (gọi tắt là Công ty Trăng Khuyết) họp báo cung cấp thông tin liên quan vụ việc cụ bà 85 tuổi bị đánh, chửi bới tại mái ấm Quán trọ Trăng Khuyết (số 397/6 Hà Huy Giáp, tổ 6, khu phố 3A, P.Thạnh Lộc, Q.12, là chi nhánh của công ty này) sau 2 lần tạm hoãn.
Giám đốc Trăng Khuyết nói về vụ cụ già 85 tuổi bị đánh: ‘Rất là xấu hổ’
Liên quan vụ việc này, trước đó ngày 25.5, Cơ quan CSĐT Công an Q.12 khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Huỳnh Văn Giỏi (69 tuổi) để điều tra về hành vi hành hạ người khác.
Theo công an, ông Giỏi vào làm việc tại Công ty Trăng Khuyết từ năm 2020, được giao nhiệm vụ quản lý mái ấm Quán trọ Trăng Khuyết.
Chậm xử lý việc bạo hành tại cơ sở
Thông tin mở đầu họp báo, ông Đỗ Lương Đại Nam, Giám đốc Công ty Trăng Khuyết, cho biết sau sự việc cụ bà 85 tuổi bị đánh tại Quán trọ Trăng Khuyết ở Q.12, mái ấm này đã ngừng hoạt động, kèm theo 2 cơ sở khác của đơn vị tạm ngưng hoạt động, cụ thể là Quán trọ Vu Lan (xã Tân Hiệp, H.Hóc Môn), Nhà bầu An An (ở tỉnh Long An).
Hiện, đơn vị chỉ còn hoạt động ở cơ sở Quán trọ Trăng Khuyết Q.8 (P.14, Q.8, đang nuôi dưỡng 12 cụ già) và mái ấm Sài Gòn bao dung (P.7, Q.Tân Bình, đang nuôi dưỡng 35 cụ già) và 2 chi nhánh văn phòng của Trăng Khuyết.
Ngoài ra, có 95% nhà hảo tâm, người có sức ảnh hưởng đã chấm dứt mối quan hệ và tài trợ cho đơn vị. "Phía Trăng Khuyết bị ảnh hưởng uy tín, danh dự. Tôi rất buồn, tôi suy nghĩ rất nhiều. Còn có 20 nhân sự có liên quan bị khủng hoảng tinh thần sau sự cố", ông Nam nói.
Ông Nam thông tin rằng sự việc bà cụ 85 tuổi bị đánh tại mái ấm Quán trọ Trăng Khuyết ở Q.12 diễn ra vào cuối tháng 3.2023. Người phản ánh cũng là người già cơ nhỡ sống trong cơ sở.
Tuy nhiên, đơn vị chậm xử lý vì "nhiều nguyên do chủ quan và khách quan", cụ thể như vì tư liệu của ông P. - người phản ánh, có dung lượng quá lớn không thể mở file coi ngay và lúc đó đang thời điểm trùng lịch chuẩn bị tổ chức đại hội hằng năm của Trăng Khuyết.
"Về việc chậm xử lý này, tôi sai và xin nhận trách nhiệm", ông Nam nói.
Chưa chi nhánh nào được cấp phép hoạt động cơ sở trợ giúp xã hội
Tại buổi họp báo, báo chí đã đặt câu hỏi xoay quanh vấn đề pháp lý hoạt động của công ty, vấn đề tài chính, minh bạch nguồn vận động cũng như các câu hỏi về nhân sự, chuyên môn công tác xã hội của người lao động tại Công ty Trăng Khuyết.
Ông Đỗ Lương Đại Nam cho biết, Trăng Khuyết có giấy phép đăng ký thành lập loại hình doanh nghiệp xã hội do Sở KH-ĐT TP.HCM cấp, trụ sở chính tại Q.1.
Hiện, chưa có chi nhánh nào của Trăng Khuyết được cấp giấy phép hoạt động cơ sở trợ giúp xã hội. Thay vào đó là hoạt động theo phạm vi ngành nghề đã đăng ký, cụ thể là dịch vụ lưu trú ngắn ngày; hoạt động trợ giúp xã hội không tập trung khác.
Xem nhanh 20h: Bản tin toàn cảnh ngày 10.6
Tiếp nhận tài trợ trong năm qua hơn 10,8 tỉ đồng
Về tiếp nhận tài trợ, tổng nguồn tài trợ trong năm qua là hơn 10,8 tỉ đồng.
Theo ông Nam, Trăng Khuyết hiện đang có nguồn tài trợ sau:
Thứ nhất, tiền từ cộng đồng; trong năm qua, nguồn tài trợ này là hơn 4,9 tỉ đồng.
Thứ hai, nguồn tiếp nhận tiền thông qua đối tác (Momo, Zalo Pay...); trong năm qua, nguồn tài trợ này hơn 3,7 tỉ đồng.
Các nguồn thu khác từ thân nhân những người được giúp đỡ, bán hàng gây quỹ, lãi ngân hàng...
Trường hợp tuyển dụng ông Huỳnh Văn Giỏi là "khá đặc biệt"
Ông Nam cho biết, với người lao động làm việc ở văn phòng, Trăng Khuyết tuyển dụng qua trang tuyển dụng trực tuyến.
"Trăng Khuyết không tuyển dụng người lao động phổ thông, tất cả là người già tự chăm sóc lẫn nhau. Chúng tôi mặc định các cụ già đang như là một khách trọ, thay vì tự trả tiền thì nay được trả tiền bởi bên thứ ba", ông Nam nói.
Tuy nhiên, theo ông Nam, trường hợp của ông Huỳnh Văn Giỏi (đã bị bắt tạm giam để điều tra về hành vi hành hạ người khác) "là khá đặc biệt" vì công ty muốn tận dụng người lao động tại cơ sở.
"Đây cũng là trường hợp tuyển dụng khá sai của chúng tôi khi chưa giám sát và chưa rõ ràng trong mối quan hệ lao động", ông Nam nói.
"Chúng tôi phát hiện và đưa các cụ già có dấu hiệu lang thang về các cơ sở"
Trả lời PV Thanh Niên bên lề buổi họp báo về kênh tiếp nhận người già lang thang, ông Đỗ Lương Đại Nam cho biết, hiện nay Trăng Khuyết có 4 nguồn chính.
Thứ nhất, khi tình nguyện viên đi trên các tuyến đường thấy người đi lang thang, xin ăn trên đường phố thì sẽ đưa về các cơ sở để chăm sóc tạm thời. Thứ hai là cộng đồng gọi và đưa tới thông qua số hotline của Trăng Khuyết. Thứ ba là do UBND xã, phường, bệnh viện gửi qua. Thứ tư là các cụ già bị gia đình từ chối.
"Phương án giải quyết khi người cao tuổi ốm đau hoặc bệnh nặng có thể tử vong?", PV đặt câu hỏi.
Ông Nam trả lời: "Chúng tôi có đơn vị phụ trách về y tế, có ký hợp đồng, nhưng tôi xin giấu tên. Đơn vị này sẽ chăm sóc, điều trị và tài trợ y tế khi có trường hợp phát sinh cũng như ra quyết định về sức khỏe của các cụ".
Người trong cuộc nói gì?
Tại buổi họp báo, con gái của cụ già bị đánh đập tại mái ấm Quán trọ Trăng Khuyết cho biết chị rất đau lòng khi biết thông tin. Chị nói, do gia đình khó khăn, không có người chăm sóc nên mới gửi mẹ tới cơ sở này. Chị mong cơ quan chức năng lấy lại công bằng cho mẹ mình.
Ông P. - người phản ánh vụ việc bạo hành, cũng có mặt tại buổi họp báo, và có những chia sẻ của cá nhân ông với Trăng Khuyết.
Ông P. nói cơ quan chức năng đã vào cuộc, ông cũng đã dừng việc chia sẻ các thông tin lên mạng xã hội. "Tôi không muốn trở thành người đồng lõa với tội phạm. Từ hôm nay, tôi không dính dáng gì đến Công ty Trăng Khuyết", ông P. nói.