Kinh tế rất khó khăn, cầu tiêu dùng yếu
Lãnh đạo nhiều ngân hàng cho biết, ngân hàng cũng chịu áp lực tăng trưởng tín dụng, gắn liền với KPI (Chỉ số đo lường hiệu quả công việc) nhưng tìm "đỏ mắt" cũng chỉ có rất ít khách hàng đủ tiêu chí để cho vay vốn.
Ông Lê Ngọc Lâm, Tổng Giám đốc BIDV cho biết, trong 5 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng của BIDV là khoảng 5,5%, cao hơn mức bình quân của ngành Ngân hàng là 3,17%; huy động vốn đạt mức tăng trưởng cao hơn bình quân trong hệ thống ngân hàng; các chỉ tiêu chất lượng tín dụng cũng được kiểm soát.
“Mặc dù tình hình khách hàng có nhiều khó khăn, tuy nhiên thực thi chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), BIDV đã đồng hành cùng doanh vượt qua khó khăn này. Sau 3 lần NHNN thực hiện giảm lãi suất điều hành, BIDV đã giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay. Ngoài ra, BIDV cũng thực hiện Thông tư số 02/TT-NHNN của Thống đốc NHNN, đối tượng được xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là những khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh và gặp khó khăn trong việc trả nợ các khoản vay phục vụ đời sống, tiêu dùng”, ông Lê Ngọc Lâm cho biết.
Theo lãnh đạo BIDV, kinh tế khó khăn khiến ngành Ngân hàng cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Doanh nghiệp khó khăn trước, ngành ngân hàng theo đó bị tác động, thông thường từ 3 - 6 tháng sau đó. Từ cuối năm 2022 đến nay, doanh nghiệp sụt giảm đơn hàng nên nhu cầu tín dụng trong những tháng đầu năm nay cũng giảm theo.
“Ngành Ngân hàng là trung gian nhận tiền gửi của dân. Người dân đến gửi tiền tại ngân hàng, ngân hàng không được phép từ chối. Nhận tiền gửi mà ngân hàng không cho vay ra được thì kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ. Mong muốn của các ngân hàng là được cho vay để mang lại hiệu quả. Do cầu của nền kinh tế yếu, thu nhập của người dân giảm, hấp thụ vốn quá thấp nên nhu cầu vay sụt giảm sâu ví dụ như mua bán tiêu dùng, đầu tư nhà cửa, thị trường bất động sản trầm lắng. BIDV cũng kỳ vọng thời gian tới, lãi suất tiếp tục giảm sẽ kích thích được nhu cầu đầu tư, tiêu dùng của doanh nghiệp tuy nhiên cũng cần phải có độ trễ một thời gian”, lãnh đạo BIDV trăn trở.
Nhấn mạnh về tình hình kinh tế năm nay rất khó khăn, ông Trần Minh Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) VietinBank cho biết: VietinBank rất chủ động thực hiện chủ trương chính sách của Chính phủ và NHNN là chủ động điều tiết hạ huy động, tiết kiệm chi phí. “Việc triển khai chính sách hỗ trợ 2% lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP đang gặp rất hiều khó khăn nhưng trong hệ thống ngân hàng, VietinBank được đánh giá là hỗ trợ tốt nhất”.
Hiện tình hình hoạt động kinh doanh của VietinBank đến thời điểm vẫn theo như kế hoạch và kỳ vọng nhưng trong tháng 5/2023 đã bộc lộ những khó khăn. Trong 5 tháng đầu năm, tổng tài sản của ngân hàng đạt 1,82 triệu tỷ đồng, tăng 0,7% so với cuối năm 2022; dư nợ tín dụng đạt 1,34 triệu tỷ đồng, tăng 6% so với cuối năm 2022. Nếu dư dư nợ tín dụng toàn ngành tăng hơn 3% so với cuối năm 2022, VietinBank đã tăng gấp đôi tăng trưởng tín dụng của toàn ngành. Danh mục tín dụng đều giải ngân theo đúng hướng của Chính phủ, NHNN, cho vay lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất kinh doanh và 5 nhóm ngành lĩnh vực ưu tiên; tỷ lệ nợ xấu kiểm soát tốt.
Theo nhiều chuyên gia ngân hàng, hiện thị trường ngân hàng có hơn 100 tổ chức tín dụng nên cạnh tranh khá khốc liệt, rất nhiều người bán. Nếu doanh nghiệp không vay vốn được ngân hàng này có thể tiếp cận vốn tại ngân hàng khác, tuy nhiên phía doanh nghiệp phải đáp ứng đủ điều kiện theo chuẩn của ngành Ngân hàng.
Theo Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà, hệ thống ngân hàng rất nỗ lực mong muốn tìm kiếm khách hàng để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng nhưng vẫn gặp phải những khó khăn chung khiến tăng trưởng tín dụng đang bị chậm lại. Tính đến hết tháng 5/2023, tín dụng đạt 12,3 triệu tỷ đồng, tức tăng 3,17% so với cuối năm 2022.
Trong đó, các ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước, chiếm thị phần tín dụng khoảng 44% nhưng tăng trưởng tín dụng mới đạt khoảng 35% so với mức NHNN giao; nhóm NHTM cổ phần tăng được khoảng 50% so với mức được giao. Như vậy cả hai nhóm này (chiếm phần lớn thị phần tín dụng) vẫn còn rất nhiều dư địa trong thời gian còn lại của năm nay.
Nhìn lại cùng kỳ năm 2022 (hết tháng 5/2022), tín dụng tăng xấp xỉ 8% so với cuối năm 2021. Như vậy, trong điều kiện điều hành chính sách tín dụng của NHNN không thay đổi (chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 là 14%, năm nay nhích hơn một chút, từ 14% đến 15%) mà tín dụng tăng thấp như thế, rõ ràng sức hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu, yếu hơn đáng kể so với năm ngoái.
Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà đưa ra 3 nguyên nhân chính: Thứ nhất, với các doanh nghiệp sản xuất, đầu ra tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn do thiếu đơn hàng dẫn đến nhu cầu vay vốn mới để sản xuất giảm sút; thứ hai, đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, một số doanh nghiệp có tình hình tài chính suy yếu, không có phương án khả thi dẫn đến chưa đáp ứng yêu cầu vay vốn của ngân hàng; thứ ba, liên quan đến tín dụng bất động sản, nhiều dự án bất động sản gặp khó khăn, trong đó chủ yếu là khó khăn về pháp lý, ít có dự án mới triển khai, do vậy nhu cầu tín dụng đối với bất động sản cũng giảm sút.
Ngân hàng tiếp tục tung gói vay, giảm lãi để kích cầu
Trao đổi với PV, ông Hồ Nam Tiến, Tổng Giám đốc Lienvietpostbank (LPB) cho biết, việc giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp trong lúc này là rất cần thiết. LPBank cam kết sẽ tiếp tục chủ động, tiên phong đồng hành cùng Chính phủ.
Theo ông Hồ Nam Tiến, chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, LPBank tiếp tục giảm lãi suất lần 3. Hiện, LPBank dành 8.000 tỷ đồng triển khai chương trình ưu đãi lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh ngắn hạn dành cho khách hàng cá nhân, khách hàng doanh nghiệp với lãi suất ưu đãi chỉ từ 7.5%/năm. LPBank xây dựng chính sách ưu đãi giảm lãi suất cho vay hạn mức 5.000 tỷ đồng đối với khách hàng doanh nghiệp và 3.000 tỷ đồng đối với khách hàng cá nhân.
“Mức lãi suất cho vay dành cho khách hàng doanh nghiệp từ 7,5%/năm và khách hàng cá nhân từ 8,5%/năm. Đây cũng là một trong những chính sách kịp thời của Ngân hàng nhằm đồng hành cùng NHNN tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn ngắn hạn để phục vụ sản xuất kinh doanh đặc biệt trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp phải vay vốn với lãi suất trên 10%”, ông Hồ Nam Tiến chia sẻ.
Bên cạnh việc điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, Ngân hàng còn triển khai nhiều gói giải pháp nhằm mang đến các giải pháp tài chính linh hoạt cho khách hàng. LPBank chính thức ra mắt sản phẩm “Cho vay siêu nhanh sản xuất kinh doanh trong 24h” với ưu điểm nổi bật của sản phẩm là thời gian thông báo cấp tín dụng trong 24h, hồ sơ thủ tục vô đơn giản, linh hoạt.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức triển khai chính sách này để hỗ trợ cho các dư nợ đã có đối với doanh nghiệp. Còn dư nợ mới, các ngân hàng tiếp tục tích cực cho vay đối với các khách hàng đủ điều kiện. Rõ ràng, hệ thống ngân hàng huy động vốn để cho vay, cho nên những khách hàng đủ điều kiện chắc chắn sẽ tiếp cận được vốn tín dụng", Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà bày tỏ.
Ngoài giải pháp từ phía ngành ngân hàng, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho rằng, giải pháp tăng sức cầu của nền kinh tế rất quan trọng. Do đó, các bộ, ngành cần tiếp tục đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ trợ doanh nghiệp, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, xúc tiến, tìm kiếm, phát triển, tháo gỡ khó khăn về thị trường tiêu thụ, thị trường bất động sản, qua đó tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng như nâng cao năng lực tài chính, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng.
Phía NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo hệ thống NHTM tiết giảm chi phí hoạt động để có thể tiếp tục hạ lãi suất, chia sẻ lợi nhuận với doanh nghiệp; cơ cấu lại các khoản nợ, sửa đổi lại một số điểm của Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng theo hướng "cởi mở hơn nhưng không phải hạ chuẩn".
Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Hùng từng chia sẻ, phía NHNN cần tiếp tục hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng qua tăng cường các công cụ thị trường mở (OMO)…, ưu tiên đáp ứng tối đa nhu cầu vốn của các ngân hàng qua kênh OMO. Qua đó làm giảm áp lực dự phòng thanh khoản cao của ngân hàng, góp phần làm giảm lãi suất giao dịch liên ngân hàng cũng như giảm lãi suất huy động từ khách hàng.
Về dài hạn, cần sửa đổi, bổ sung một số các văn bản luật như: Thông tư 39, Thông tư 22, dự thảo Luật các tổ chức tín dụng (TCTD) sửa đổi.... để sớm ban hành, hoàn thiện khung pháp lý cho các TCTD hoạt động ổn định, lành mạnh, hiệu quả.
Cần “sưởi ấm” tổng cầu tiêu dùng
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế suy giảm, xuất khẩu khó khăn, doanh nghiệp sẽ trông chờ vào thị trường trong nước để được tiếp nội lực, từ đó, có thể duy trì sản xuất, kinh doanh… Do vậy, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2% là một giải pháp hữu hiệu. Đối với hàng hóa thiết yếu, thuế VAT cần được giảm tối đa và nên kéo dài đến hết năm 2024 để duy trì sức mua tăng.
“Hiện, ngành bất động sản ‘đóng băng’, chứng khoán diễn biến khó lường, đối tượng khách hàng trung lưu bị ảnh hưởng nên họ tiết kiệm. Riêng phân khúc cao cấp, thu nhập cao vẫn chi tiêu bình thường. Tuy nhiên, kinh tế càng khó khăn hàng hóa nào càng giảm giá được người tiêu dùng ưu tiên chọn lựa. Do đó, khuyến mãi sẽ tác động nhất định trong kích cầu tiêu dùng”, chuyên gia thị trường Ngô Đình Dũng hiến kế.
Xem thêm: lmth.92102000042210202-yav-hcahk-mit-tam-od-gnuc-gnah-nagn/nv.semitaer