Đó là những người trẻ thanh toán mọi giao dịch liên quan đến ăn, uống, ngủ, chơi, học tập, làm việc... đều không dùng tiền mặt. Đây là thế hệ được đánh giá sẽ dẫn dắt xu hướng tiêu dùng hiện đại.
Mua bánh tráng trộn, trà sữa... quét mã online
Bước vào năm nhất đại học (năm 2019), cũng như nhiều sinh viên khác, bạn Nguyễn Anh Bảo Chấn (Trường đại học Tôn Đức Thắng) được gia đình ở quê chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng.
Nhưng khi sinh sống và học tập tại TP.HCM, Bảo Chấn phải thường xuyên đi rút tiền ở các trụ ATM trang trải các khoản học phí, tiền thuê phòng, tiền sinh hoạt cá nhân, ăn uống... Cầm tiền mặt trong người, sinh viên này cũng không khỏi lo lắng rủi ro bị mất, cướp giật...
Kể từ sau đại dịch COVID-19, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trở nên rầm rộ và phổ biến, thói quen của Chấn cũng thay đổi theo. "Lúc trước làm gì cũng dùng tiền mặt nhưng giờ đi đâu chỉ cần mang theo điện thoại với kẹp trong ốp điện thoại mười mấy ngàn để gửi tiền giữ xe, không mang bóp tiền theo làm gì", Bảo Chấn chia sẻ.
Hiện đang là sinh viên năm cuối, sắp tốt nghiệp, Bảo Chấn cũng đã tìm được việc làm, trong đó công ty luôn trả lương qua tài khoản ngân hàng, điều này mang đến sự "tiện lợi và an toàn". "Giờ mua bánh tráng trộn bán ở vỉa hè, mua trà dâu... đều quét mã QR, trả qua ngân hàng hay ví MoMo. Các cô bán hàng rong cũng hiện đại rồi", Bảo Chấn cho hay.
Bạn Mã Đức Thắng (sinh viên năm 3, khoa tài chính, Đại học Ngân hàng TP.HCM) cho hay những ngày đầu rời quê Kiên Giang tới TP.HCM để học tập, Thắng cũng mang một số tiền mặt trong người.
Trong khoảng hai năm trở lại đây, Thắng và nhiều bạn sinh viên thường xuyên thanh toán không tiền mặt, tỉ lệ ước tính từ 90-95%. "Giờ thanh toán điện tử tiện hơn, cầm tiền mặt ngại lắm. Bây giờ ai đâu cầm một cục tiền đóng học phí. Mà mấy cửa hàng, quán ăn... cũng cho thanh toán điện tử hết rồi", Thắng cho biết.
ThS Đặng Huỳnh Thảo Vi (giảng viên Trường đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM) chia sẻ hiện nay hầu hết sinh viên trong trường đều ưu tiên thanh toán không tiền mặt. Khi cần mua hàng ở cửa hàng tiện lợi trong trường, ăn uống tại căng tin, kể cả đóng học phí... sinh viên đều thanh toán online vì tiện lợi.
"Sinh viên chỉ cần mang theo điện thoại di động, trong đó có đầy đủ ứng dụng thanh toán, không cần bóp tiền lỉnh kỉnh. Vì thanh toán không tiền mặt rất phổ biến nên nhiều khi trong túi không có một đồng tiền mặt, một số bạn sinh viên còn mượn giảng viên ít tiền lẻ để trả tiền gửi xe hoặc mua nước ở máy bán hàng tự động", cô Thảo Vi cho biết.
Theo cô Thảo Vi, không chỉ sinh viên mà hiện nay hầu hết giảng viên cũng ưa chuộng thanh toán không dùng tiền mặt. Bản thân cô ngày trước luôn để 2-3 triệu tiền mặt trong ví, nhưng bây giờ chỉ để chưa tới 200.000 đồng.
Lương thưởng, phí hướng dẫn thực tập, phí coi thi... của cán bộ công nhân viên nhà trường cũng được chuyển thẳng vào tài khoản ngân hàng. Mới đây cô Thảo Vi cũng được nhờ hướng dẫn đề tài thạc sĩ về các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của học viên, sinh viên khi thanh toán không dùng tiền mặt tại trường...
Gen C dẫn dắt xu hướng tiêu dùng hiện đại
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Bá Diệp, đồng sáng lập ví điện tử MoMo, nhận định Gen Z (những người sinh từ năm 1996 đến 2010) dường như đang là thế hệ định hình nên những xu hướng tiêu dùng và trải nghiệm cuộc sống.
"Đây cũng là thế hệ của những người nhanh nhạy với công nghệ và trên tay luôn có sự hiện diện của chiếc smartphone. Mỗi trải nghiệm tiêu dùng của Gen Z đều gần như gắn liền với smartphone cùng những nền tảng thanh toán và tài chính thông minh. Có thể nói, những người trẻ Gen Z chuộng thanh toán không tiền mặt đã góp phần hình thành nên một thế hệ không tiền mặt - hay còn gọi là Gen C", ông Diệp cho biết.
Thông qua hoạt động của người dùng trên ví MoMo, ông Diệp cho rằng Gen C là những người dùng yên tâm "quên" ví ở nhà vẫn có thể thỏa sức ra đường mua sắm, ăn uống, giải trí hay chuyển trả tiền.
Gen C còn dễ dàng tiếp cận những khoản tín dụng đầu đời, trải nghiệm việc tích lũy, đầu tư, tiết kiệm... với các sản phẩm và dịch vụ tài chính. Đây được xem là những bước đi đầu tiên quan trọng để Gen C quản lý tài chính cá nhân hiệu quả - vấn đề được nhiều bạn trẻ vô cùng quan tâm hiện nay.
Trong khi đó, ThS Thảo Vi cho rằng Gen C chính là các bạn trẻ đang được lớn lên trong thời đại công nghệ phát triển, trong đó điện thoại di động trở thành người bạn không thể thiếu của họ. Rất nhiều bạn trẻ còn được phụ huynh cho dùng điện thoại riêng từ khi là học sinh cấp II.
"Với lợi thế am hiểu về công nghệ, trẻ, nhanh nhạy và thích khám phá điều mới mẻ, nên các bạn sẵn sàng sử dụng các phương thức thanh toán số hiện đại. Đây cũng là những người tiên phong trong xu hướng không sử dụng tiền mặt", ThS Vi nhận xét.
Cũng theo cô Vi, để tăng trải nghiệm, hưởng các ưu đãi, nhiều bạn trẻ sở hữu không chỉ một mà nhiều tài khoản ngân hàng, nhiều ví điện tử, sử dụng cho nhiều trường hợp khác nhau như đặt xe công nghệ, mua sắm tại siêu thị, ăn uống tại nhà hàng, mua hàng online trên sàn thương mại điện tử...
Bên cạnh đó, nhiều hàng quán ở thành thị và cả nông thôn cũng dần thay đổi, cho thanh toán qua tài khoản ngân hàng và ví điện tử... nhằm thu hút nhóm khách hàng trẻ này.
Gen C là gì?
Thế hệ thanh toán không tiền mặt - Gen C (Cashless Generation) là những người trẻ nhanh nhạy với công nghệ, có nhu cầu cao về mua sắm, ăn uống, giải trí... và ngày càng quan tâm đến tài chính cá nhân. Gen C hình thành từ những người trẻ Gen Z (sinh từ năm 1996 đến 2010) chuộng thanh toán không tiền mặt.
Thanh toán online phát triển từ nhà hàng đến vỉa hè
Theo thống kê mới đây của nền tảng thanh toán Payoo, mặc dù tình hình kinh tế hiện nay đang gặp nhiều khó khăn nhưng ngành hàng ăn uống của các nhà hàng tầm trung, các chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh (mức chi tiêu 150.000 - 300.000 đồng/người) có mức tăng trưởng 30% so với quý trước.
Riêng nhóm mặt hàng trà sữa, cà phê, với đơn giá trung bình 40.000 - 70.000 đồng/phần có sự tăng nhẹ gần 5% so với quý trước.
Trong ngành thanh toán, QR code phát triển vượt bậc và phổ biến đến mọi tầng lớp, độ tuổi. Giá trị thanh toán QR qua Payoo của quý 1 năm nay đã gấp hai lần so với cùng kỳ năm trước. Mức độ phủ sóng của QR code từ nhà hàng sang trọng đến quán ăn vỉa hè - điều mà cách đây vài năm khó ai có thể hình dung được.
Trong khi đó, báo cáo "Xu hướng số của người dùng trên không gian mạng" của Cốc Cốc cho thấy toàn bộ hành trình mua hàng của người dùng từ nhận thức, cân nhắc tới ra quyết định đều được thực hiện trên môi trường kỹ thuật số.
Có tới 47% người dùng Cốc Cốc chọn sử dụng phương thức thanh toán hiện đại, bao gồm: chuyển khoản, ví điện tử, thẻ ngân hàng nội địa, thẻ tín dụng. Nguyên nhân được đưa ra là do tiết kiệm thời gian mua bán, tiện lợi trong việc thanh toán và có nhiều ưu đãi hơn so với mua và thanh toán trực tiếp.
Bên cạnh đó, thị trường đã và đang chứng kiến sự bùng nổ của các siêu ứng dụng, trong đó nổi bật nhất là các app thương mại điện tử. Có đến 55% người dùng trả lời rằng họ đang mua sắm trực tuyến thông qua các sàn thương mại điện tử phổ biến như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo...
Ngày 5-6, Sở Giao thông vận tải TP.HCM công bố mở rộng hệ thống thanh toán EMV Open-loop trên xe buýt tại TP.HCM.