Như Thanh Niên đã thông tin, năm nay có 364.000 trên tổng số 1.024.063 thí sinh (TS) dự thi tốt nghiệp đã không đăng ký xét tuyển ĐH, chiếm tỷ lệ 35,5%. Tại mỗi địa phương, những số liệu này có thể khác nhau nhưng nguyên do lại tương đối giống nhau.
Ông Trương Minh Vương, Phó phòng Quản lý chất lượng, Sở GD-ĐT Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết năm 2023 toàn tỉnh có 13.062 TS thi tốt nghiệp thì có 3.387 TS không đăng ký xét tuyển ĐH, chiếm gần 26%.
Tại tỉnh Tây Ninh, có 3.855 TS cũng không xét tuyển ĐH, chiếm tỷ lệ 37%. Trong khi đó, toàn tỉnh Đắk Nông có 51% TS thi đậu tốt nghiệp THPT nhưng không đăng ký xét tuyển ĐH…
Lý giải về việc trong mấy năm gần đây số lượng TS không xét tuyển ĐH chiếm tỷ lệ cao, ông Trương Minh Vương thông tin: "Bên cạnh một số em đi du học thì phần lớn các em chọn học nghề. Ngay từ đầu các em đã có định hướng nghề nghiệp rõ ràng, chọn đường đi phù hợp với bản thân chứ không còn tâm lý bằng mọi giá phải vào ĐH. Học nghề giúp các em giảm chi phí và có cơ hội việc làm trong thời gian ngắn nhất".
Quyết định ở nhà làm nông phụ cha mẹ, hoặc xin đi làm công nhân để kiếm tiền là tình cảnh của nhiều học sinh tỉnh Tây Ninh do hoàn cảnh gia đình khó khăn. Ông Nguyễn Hữu Tài, Trưởng phòng Khảo thí - Công nghệ thông tin, Sở GD-ĐT Tây Ninh, cho biết: "Hiện nay chỉ một số trường ĐH công lập có học phí thấp và ổn định nhưng đa số TS khá giỏi mới vào được. Những em học lực trung bình chỉ có khả năng vào trường tư thục thì lại không kham nổi học phí".
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và truyền thông, Trường ĐH Công thương TP.HCM, cũng chia sẻ những TS thuộc Trung tâm giáo dục phổ thông của trường đa số chọn học CĐ và trung cấp ở các ngành nghề như kế toán, cơ khí, điện tử... vì học phí rẻ mà điều kiện học tập cũng ổn.
Đại học không còn là "duy nhất"
Nhận định về việc 35,5% TS dự thi tốt nghiệp không đăng ký xét tuyển ĐH, nhiều bạn đọc (BĐ) tỏ ra lạc quan. BĐ trantongocyen viết: "Tín hiệu đáng mừng mà, sao nhiều người có vẻ lo lắng nhỉ? Có bài báo còn ghi tựa là "40% TS không xét tuyển ĐH, trường phổ thông cần làm gì?"".
Cùng quan điểm, theo BĐ Anh Hao Pham: "Thực ra đây có thể là tín hiệu tốt, thị trường đã điều tiết hiệu quả nhu cầu, chuyên môn lao động". BĐ Thắng Thẳng cũng cho rằng: "Có gì đâu, đây là tín hiệu tốt cho thấy TS đã thực tế hơn. Đâu cứ phải vào ĐH mới có cuộc sống tốt". Còn BĐ thach nq nhận định: "Quan trọng nhất là năng lực học tập của các em có đáp ứng được ở bậc ĐH hay không! Xu thế này cũng nói lên phần nào về cách các em nhận thức được năng lực của mình! Đó là điều tốt cho xã hội!".
Nhiều BĐ cũng chỉ ra lý do của thực trạng trên. BĐ Ma Hiem cho rằng lý do chính là "Vì không có tiền đóng học phí và vì học xong có đi làm cho cho cơ quan cũng sẽ không đủ nuôi sống bản thân". Còn BĐ Lưu Phạm Thành liệt kê: "Thứ nhất, sinh viên tốt nghiệp ra trường chạy xe công nghệ hoặc làm công nhân hoặc chuyển việc làm khác là rất nhiều. Thứ hai, học phí ĐH cao quá, kinh tế khó khăn nên nhiều TS là con nhà nghèo, tiền đâu mà học ĐH".
Các em cần thêm thông tin hướng nghiệp
Để TS có thể dám chọn lối đi khác ngoài ĐH, BĐ Vutrung cho rằng: "Ở cái tuổi thanh thiếu niên, chưa thể định hướng được cuộc sống của mình cho chính xác. Vì vậy các em luôn cần có sự tư vấn của cha mẹ, người lớn". BĐ Xuan Bach chia sẻ thêm: "Theo tôi, gia đình và các em phải tự biết mình và "tự phân luồng" cho các em, để các em chọn hướng đi phù hợp với bản thân mình (sức học, sở trường, nguyện vọng…) và hoàn cảnh gia đình. Tất nhiên, vai trò hướng nghiệp của nhà trường, giáo viên, xã hội cũng rất cần thiết. Xã hội nào cũng cần "thầy", nhưng cũng rất cần nhiều "thợ", mà "thợ giỏi" thì càng cần, càng quý, và càng có nhiều đóng góp cho xã hội".
Trong khi đó, một số BĐ cho rằng việc có 35,5% TS dự thi tốt nghiệp không đăng ký xét tuyển ĐH cũng cần được các trường ĐH tự xem lại mình. Là một phụ huynh, BĐ 5fDM8x kể: "ĐH ở ta thường ít thực hành, không có liên kết với doanh nghiệp cho SV có thực tế, SV ra trường xin việc thì bị "đòi" kinh nghiệm. Đã đến lúc ĐH nên thay đổi". BĐ James Bond cũng cho rằng: "ĐH nên coi lại giáo trình đào tạo, hàn lâm nhưng không áp dụng thực tế là mấy. SV ra trường nhiều em ngơ ngơ, cái gì cũng không biết, gây tốn kém cho gia đình, xã hội. Muốn làm được phải đào tạo lại. Học nghề là thiết thực cho gia đình nghèo. Học phí rẻ, dễ tìm việc là lựa chọn khôn ngoan cho nhiều TS".
Tôi thấy có nhiều người chọn học nghề, rồi "nhất nghệ tinh, nhất thân vinh", cuộc sống họ rất khá; hơn hẳn nhiều người học ĐH nhưng ra trường phải làm nghề khác, hoặc phải long đong xin việc…
Le Dinh
Mức học phí nhiều trường ĐH vượt quá mức thu nhập của nhiều gia đình khiến nhiều ước mơ của các cháu phải đành dang dở, thật đáng tiếc...
Nguyễn Văn Thìn