Chiều 10-6, tại TP Cần Thơ, Bộ Xây dựng phối hợp với UBND TP Cần Thơ tổ chức Diễn đàn Triển vọng đầu tư xây dựng hạ tầng - phát triển kinh tế đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho biết, trong những năm gần đây, công tác đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật vùng ĐBSCL được quan tâm, đẩy mạnh, đã đạt được nhiều kết quả cụ thể, tích cực.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: NHẪN NAM |
Hệ thống giao thông và các loại hình giao thông được quan tâm đầu tư mới và chú trọng hơn về sự đồng bộ, tính kết nối, liên thông. Tỉ lệ đô thị hóa tăng lên. Chất lượng đô thị trong vùng từng bước được cải thiện, đảm bảo tốt hơn điều kiện sống cho người dân...
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả tích cực đạt được, hạ tầng kỹ thuật vùng ĐBSCL vẫn chưa đạt được yêu cầu phát triển như mong muốn và nhìn chung vẫn còn là một điểm nghẽn cho sự phát triển của toàn vùng.
Cụ thể tỉ lệ đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông nội vùng và liên vùng theo quy hoạch còn thấp. Tỉ lệ đô thị hóa và tốc độ đô thị hóa của vùng vẫn thấp hơn nhiều so với trung bình toàn quốc. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật vùng còn yếu và thiếu đồng bộ, việc thu gom, xử lý chất thải rắn, xử lý nước thải chưa có nhiều biến chuyển, tỉ lệ xử lý thấp và hầu hết vẫn đang sử dụng các công nghệ lạc hậu…
Trong khi đó, tình hình biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng phức tạp, các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt, hạn hán diễn ra ngày một thường xuyên, kéo theo tình trạng nhiễm mặn, sụt lún nền đất... gây ảnh hưởng ngày một lớn, tác động tiêu cực đến đến cuộc sống người dân.
TS Võ Trí Thành cho rằng Diễn đàn còn là câu chuyện tri ân ĐBSCL. Ảnh: NHẪN NAM |
Theo Thứ trưởng, diễn đàn “Triển vọng đầu tư xây dựng hạ tầng – phát triển kinh tế vùng ĐBSCL” do Báo Xây dựng thực hiện kỳ vọng sẽ là cơ hội nhằm tập hợp những phân tích, báo cáo, nhận định chuyên sâu, đa chiều, đánh giá khách quan về toàn cảnh bức tranh tình hình phát triển hạ tầng kỹ thuật và kinh tế khu vực ĐBSCL, góp phần tìm ra giải pháp, tạo động lực phát triển bền vững kinh tế vùng và kết nối giữa khu vực với toàn bộ các tỉnh phía Nam.
TS Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, cho rằng có năm vấn đề khi bàn về hạ tầng của vùng ĐBSCL.
Thứ nhất đây sẽ trở thành trung tâm logistic tầm quốc tế. Hai, phát triển hạ tầng vùng ĐBSCL rất đặc thù, rất đặc biệt, thích ứng với BĐKH, tạo điều kiện, hệ sinh thái tốt nhất cho phát triển nông nghiệp cùng với quá trình công nghiệp hóa.
Ba, đẩy nhanh tiến độ đô thị hóa gắn với phát triển kết cấu hạ tầng. Thứ tư, nguồn vốn, nguồn lực thực hiện có thể có những cơ chế đặc biệt. Cuối cùng là phải giữ được bản sắc, đặc thù, rất Miền tây, rất ĐBSCL.
“Diễn đàn này không chỉ là câu chuyện cơ sở hạ tầng, khát vọng xây dựng phát triển cho ĐBSCL, cho toàn vùng Nam bộ, cho đất nước mà còn là câu chuyện tri ân với ĐBSCL. Tại sao tôi nói tri ân, bởi vì chúng ta đã trễ, đã chậm trong phát triển hạ tầng cho ĐBSCL” – TS Thành nói.
Ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh:NHẪN NAM |
Ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng về ngắn hạn, các tỉnh, thành ĐBSCL cần hợp tác chặt chẽ trong việc xây dựng chính sách và tổ chức thực thi, triển khai các công việc…
Theo ông Hiếu, trong Nghị quyết 78 của Chính phủ có hai cơ hội nên được triển khai nhanh và ngay. Thứ nhất là nhiệm vụ số 14, Bộ KH&ĐT đề xuất cơ chế chính sách đặc thù cần thiết để huy động các nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng. Thời hạn để là 2022-2025 nhưng ông Hiếu mong rút ngắn thời hạn này thì tính hiệu quả mới cao và “các tỉnh ngồi đây, theo tôi không có cách nào khác là nên hợp tác, phối hợp, rồi thúc đẩy Bộ KH&ĐT triển khai nhanh cái này”. Thậm chí, ông cho rằng “các địa phương “nên gây áp lực” với Bộ KH&ĐT để cơ chế thực hiện nhanh nhất”.
Thứ hai, về lâu dài, cơ hội tiếp theo, ban hành quyết định hoàn thiện khung pháp lý cho liên kết vùng giai đoạn 2030. “Nhiệm vụ đặt ra đến năm 2026 theo tôi nhiệm vụ này dài quá mức cần thiết, nên hoàn thành trong thời hạn ngắn hơn thì nó mới tạo ra cơ chế” – ông Hiếu nhận xét.