* Nếu trường hợp người khuyết tật hoặc đại diện hợp pháp của người khuyết tật không đồng ý với kết luận của hội đồng xác định mức độ khuyết tật thì ai có thẩm quyền xem xét lại mức độ khuyết tật?
(Bạn đọc Trần Hoàng Ngân, ngụ huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum).
- Thạc sĩ, luật gia Phạm Văn Chung (Sở Tư pháp Kon Tum) tư vấn:
Điều 3, nghị định 28 (năm 2012 của Chính phủ) quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật người khuyết tật thì mức độ khuyết tật gồm:
1. Người khuyết tật đặc biệt nặng là những người do khuyết tật dẫn đến mất hoàn toàn chức năng, không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được các hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hằng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn.
2. Người khuyết tật nặng là những người do khuyết tật dẫn đến mất một phần hoặc suy giảm chức năng, không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được một số hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hằng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc.
3. Người khuyết tật nhẹ là người khuyết tật không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 của điều 3 này.
Còn theo khoản 1, điều 2, thông tư số 01 (năm 2019 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) thì hội đồng xác định mức độ khuyết tật do chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn quyết định thành lập gồm các thành viên: chủ tịch UBND cấp xã là chủ tịch hội đồng; trạm trưởng trạm y tế cấp xã.
Công chức cấp xã phụ trách công tác lao động, thương binh và xã hội; người đứng đầu hoặc cấp phó của Ủy ban MTTQ Việt Nam, hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, hội cựu chiến binh cấp xã; người đứng đầu tổ chức của người khuyết tật cấp xã nơi có tổ chức của người khuyết tật.
Theo quy định tại khoản 4, điều 5 của thông tư này, nếu trường hợp hội đồng không đưa ra được kết luận về mức độ khuyết tật; người khuyết tật hoặc đại diện hợp pháp của người khuyết tật không đồng ý với kết luận của hội đồng hoặc có bằng chứng xác thực về việc xác định mức độ khuyết tật không khách quan, chính xác thì phải chuyển hồ sơ lên hội đồng giám định y khoa theo quy định của pháp luật.
Do đó, trường hợp bạn không đồng ý với kết luận của hội đồng thì có thể làm đơn gửi hội đồng giám định y khoa tỉnh để xem xét, giải quyết.
Mời bạn đọc gửi câu hỏi để được luật sư tư vấn
Với đội ngũ các luật sư và chuyên gia pháp lý dày dạn kinh nghiệm trên tất cả các lĩnh vực như hôn nhân - gia đình, kinh doanh - thương mại, mua bán đất đai, sở hữu trí tuệ, lao động, hộ tịch, thừa kế..., chuyên mục Tư vấn pháp luật trên Tuổi Trẻ Sao sẽ giải đáp thắc mắc của bạn một cách nhiệt tình, nhanh chóng, chính xác, hiệu quả.
Bạn đọc vui lòng gửi câu hỏi (gõ bằng tiếng Việt có dấu, font chữ UNICODE) về Tuổi Trẻ Sao qua địa chỉ tuvanphapluat@tuoitre.com.vn.
Tôi đã chuyển giới, giờ muốn thay đổi tên của mình được không?