Hơn 15 năm sống bằng nghề hái cau thuê, anh Danh Trình (ở huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) cho biết việc leo cây cau hái trái sẽ đối mặt với rất nhiều khó khăn và nguy hiểm so với các loại cây khác.
Thân cây cau nhỏ, trơn trượt và rất cao (15 - 30m). Khi leo cây cau phải có "tuyệt kỹ" biết kết hợp nhẹ nhàng từ lực tay và lực chân cho đến sự uyển chuyển hình thể nương theo độ đong đưa như môn võ thái cực quyền. Ngoài kinh nghiệm, người leo cau còn phải có sức khỏe dẻo dai để truyền từ cây này qua cây khác.
"Quan trọng nhất khi trèo cau là sợi dây nài được kẹp vào hai chân để làm bệ đỡ giúp cho đôi chân bám chặt thân cây. Việc sử dụng dây nài không quen sẽ làm tay và chân tê mỏi rất nguy hiểm. Mùa nắng trèo cau tương đối nhàn nhã, mùa mưa thân cau trơn trượt nên rất dễ xảy ra sự cố" - anh Danh Trình kể.
Được dịp chứng kiến anh Danh Trình hay anh Minh Tới thoăn thoắt leo lên đọt cau cao hơn 20m và hạ buồng cau nặng gần chục ký chưa đầy 2 phút. Nghề hái cau tuy nguy hiểm và vất vả nhưng có việc làm quanh năm.
Mùa cau chín rộ từ khoảng tháng 6 kéo dài đến Tết Nguyên đán. Giá hái cau thương lái trả công 3.000 đồng/kg; những lúc cau xuống giá được 400.000 đồng/ngày. Do vậy lúc cau rộ, được giá, những thợ leo cau lành nghề cũng kiếm được tiền triệu một ngày.
Có một ông cụ 82 tuổi cứ tờ mờ sáng là đạp xe hơn 5 cây số từ nhà xuống biển Phú Đông (TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) nhặt rác dù mưa hay nắng.