vĐồng tin tức tài chính 365

Lính đánh thuê - những bí mật sau nòng súng - Kỳ 4: Đánh đu với thần chết

2023-06-12 12:20

Gary Brandon trong thời gian ở Iraq - Ảnh: rnz.co.nz

Gary Brandon trong thời gian ở Iraq - Ảnh: rnz.co.nz

Gary "Slash" Brandon cảm thấy chân trái bị chuột rút nhẹ trong lúc đang lái chiếc xe tải bọc thép vượt sa mạc Iraq. Anh nhấc chân lên khỏi sàn xe lắc nhẹ. Đúng lúc đó bom phát nổ dưới gầm xe. 

10 giây sau, anh hoàn hồn hét lên đau đớn. Chân phải đã mất cảm giác. Binh sĩ ngồi ghế trước bị gãy hai chân đang la hét. Vị khách ngồi ở ghế sau may mắn không bị thương.

Nếu cứ suy nghĩ về cái chết quá nhiều, bạn sẽ không thể rời khỏi giường vào buổi sáng… Đó là lý do tại sao họ trả tiền hậu hĩnh cho chúng tôi như vậy.

GARY BRANDON

Đối phó với bom tự chế và bị bắn tỉa

Brandon nhập ngũ năm 1986, học nhảy dù, 10 năm sau xuất ngũ và làm huấn luyện viên nhảy dù đôi chuyên nghiệp ở Taupö (New Zealand). 

Một ngày nọ, một người bạn làm cho Công ty quân sự tư nhân Global Strategies Group (Mỹ) gọi báo tin có việc làm. Tháng 3-2004, anh rời New Zealand sang Chaghcharan (miền trung Afghanistan) để bảo đảm an ninh cho các điểm bầu cử quốc hội.

Hợp đồng hết hạn, anh trở về nước. Ba tuần sau, anh đến Iraq bảo vệ an ninh tại trạm kiểm soát sân bay quốc tế Baghdad. Iraq là điểm đến hấp dẫn của các nhà thầu quân sự tư nhân vì được trả lương cao hơn Afghanistan, song kèm theo đó là vô vàn rủi ro. 

Nhiều nhân viên nhà thầu như Brandon phải đi qua "con đường Ireland" dài 12km nối sân bay quốc tế với vùng Xanh ở trung tâm Baghdad. Báo Sydney Morning Herald đã gọi đây là "con đường nguy hiểm nhất thế giới". Bên đường lúc nào cũng có bom tự chế, bọn đánh bom liều chết hoặc bọn bắn tỉa. Các nhà thầu phải đổi xe bọc thép một phần bằng xe bọc thép toàn bộ.

Vận may của Brandon kết thúc vào hợp đồng tiếp theo với nhà thầu ArmorGroup (Anh) từ tháng 9-2005 ở Tikrit (cách Baghdad hơn 170km). 

Quân đội Mỹ làm nhiệm vụ tiêu hủy các kho đạn cũ còn sót lại từ thời chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất. Tổ của Brandon lái xe đi đi về về giữa các kho đạn. 

Trong bảy tuần họ đã bị tấn công sáu lần. Đến lần thứ bảy thì anh bị thương ở chân phải. Hôm đó, phiến quân kích nổ từ xa bom tự chế bằng điện thoại di động.

Gót chân phải của anh bị thủng một lỗ lớn. Các bác sĩ phải phẫu thuật tái tạo gót chân, sau đó lấy da từ háng ghép vào lòng bàn chân. Sau 10 ngày điều trị ở Đức, anh về nước điều trị thêm một tháng. 

Tuy nhiên tháng 11-2006, anh đành chịu phẫu thuật cắt bỏ bàn chân và mang chân giả. Dù sao anh vẫn còn may mắn bởi khoảnh khắc nhấc chân trái bị chuột rút lên đã cứu anh khỏi cụt cả hai chân. 

Anh cũng không mắc hội chứng căng thẳng sau chấn thương (PTSD) có lẽ do bất tỉnh ngay nên không nhìn thấy hiện trường đầy máu me khủng khiếp.

Còn cựu quân nhân Monty Gurnick Jr. rời New Zealand đến Iraq làm việc cho nhà thầu ArmorGroup như người đồng hương Brandon. Đoàn xe của anh từng trúng đạn ba lần trên "con đường Ireland". 

Anh xúc động kể trên trang web stuff.co.nz: "Điều khó khăn nhất với tôi là ở trong phòng. Tôi nghĩ đến các con tôi. Dù tôi đã trở về nhà an toàn nhưng tâm trí tôi vẫn luôn bị đè nặng. Đó có thể là tôi vào hôm đó và các con sẽ không còn nhìn thấy mặt cha chúng nữa".

Sau khi can thiệp quân sự vào Iraq và Afghanistan, Mỹ đã mặc nhiên hợp pháp hóa hoạt động đánh thuê. Trong chiến tranh vùng Vịnh thứ nhất năm 1990 - 1991, ước tính cứ 100 quân nhân Mỹ thì có 1 nhân viên nhà thầu tư nhân hỗ trợ (tỉ lệ 1:100). 

Đến chiến tranh Iraq năm 2003, tỉ lệ này tăng lên 1:10, tức 10 quân nhân Mỹ có 1 nhân viên nhà thầu tư nhân. Bốn năm sau, con số này tăng gấp đôi. Gần 3.000 hợp đồng được ký kết giữa Chính phủ Mỹ với các công ty an ninh tư nhân từ năm 1994 - 2004. Năm 2019 có 53.000 nhân viên nhà thầu hỗ trợ 35.000 binh sĩ ở Trung Đông.

Hầu hết các nhà thầu làm những công việc không gây chết người như nấu ăn, sửa xe và chỉ khoảng 15% là lính đánh thuê. Vào cao điểm chiến tranh, nhà thầu tư nhân chiếm hơn 50% cơ cấu quân đội Mỹ ở Iraq và 70% ở Afghanistan so với 10% trong Chiến tranh thế giới thứ hai.

Malhama Tactical là công ty đánh thuê đầu tiên trên thế giới chuyên cung cấp quân cho các nhóm thánh chiến - Ảnh: mei.nus.edu.sg

Malhama Tactical là công ty đánh thuê đầu tiên trên thế giới chuyên cung cấp quân cho các nhóm thánh chiến - Ảnh: mei.nus.edu.sg

Ai cần đến lính đánh thuê?

Con số 15% lính đánh thuê nêu trên tuy nhỏ nhưng đủ tạo chất xúc tác cho hoạt động kinh doanh lính đánh thuê quốc tế bành trướng theo quy luật cung - cầu. 

Về cung, nhiều nước bắt chước mô hình nhà thầu quân sự của Mỹ. Các nhóm lính đánh thuê mới xuất hiện ở Nga, Uganda, Iraq, Afghanistan, Colombia... 

Họ cung cấp dịch vụ đa dạng hơn (chống cướp biển ở Somalia, chống khủng bố ở Sahel, tham gia hoạt động nhân đạo…), triển khai hỏa lực mạnh hơn và sẵn sàng làm việc cho người trả giá cao nhất.

Về cầu, rất nhiều đối tượng khách hàng cần lính đánh thuê. Các tập đoàn đa quốc gia, đặc biệt là ngành công nghiệp khai thác dầu mỏ và khoáng sản, muốn lính đánh thuê thay vì dựa vào lực lượng an ninh của nước sở tại vốn yếu tay nghề và hay tư túi. 

Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc đã ký hợp đồng với Công ty DeWe Security để bảo vệ tài sản trong nội chiến Sudan. Các tổ chức phi chính phủ như Save the Children, World Vision đã thuê công ty an ninh tư nhân bảo vệ trong khu vực xung đột. 

Các hãng tàu quốc tế thuê lính đánh thuê bảo vệ tàu đi qua vùng biển hải tặc. Mô hình này hiệu quả hơn điều động tàu chiến truy lùng cướp biển.

Các nước Ả Rập giàu sụ như Saudi Arabia, Qatar và UAE muốn tiến hành chiến tranh ủy nhiệm ở Yemen, Syria, Libya nhưng không có quân đội mạnh nên sẵn sàng tuyển lính đánh thuê. Yemen hội tụ lính đánh thuê đủ mọi quốc tịch, từ Mỹ Latin đến châu Phi. 

UAE sẵn sàng trả lương gấp 2-4 lần mức lương cũ. Một số quốc gia có quân đội nhưng cần hỏa lực mạnh như trực thăng tấn công Mi-24 Hind hoặc các toán đặc nhiệm của lính đánh thuê. 

Nigeria đã bí mật thuê quân đánh thuê đánh bật bọn khủng bố Hồi giáo Boko Haram chỉ trong vài tuần, trong khi quân đội Nigeria đánh suốt sáu năm không xong.

Ngay cả bọn khủng bố cũng thuê lính đánh thuê. Công ty quân sự tư nhân Malhama Tactical ở Uzbekistan chuyên cung cấp huấn luyện viên quân sự, vũ khí hoặc chiến binh ưu tú cho các nhóm thánh chiến.

Vì sao cần lính đánh thuê?

- Chi phí thấp: Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ ghi nhận một tiểu đoàn bộ binh trong thời chiến tốn 110 triệu USD/năm trong khi lính đánh thuê chỉ tốn 99 triệu USD. Đối với lính đánh thuê, không cần tốn tiền nuôi quân dự bị và tìm việc làm cho họ sau khi chiến sự kết thúc.

- Hiệu quả chi phí: Công ty quân sự tư nhân hoạt động hiệu quả hơn các tổ chức thuộc quân đội hoặc nhà nước. Có thể linh hoạt sử dụng lính đánh thuê theo từng dự án và có thể tăng giảm quân số tùy tình hình.

- Giữ bí mật: Ở Mỹ, quân đội hay CIA có thể phải ra điều trần trước Quốc hội theo Đạo luật Tự do thông tin. Còn đối với công ty quân sự tư nhân, mọi thông tin đều là bí mật thương mại.

- Phủi tay trách nhiệm: Khách hàng nhà nước sẵn sàng chối bỏ trách nhiệm với hậu quả chính trị tối thiểu nếu lính đánh thuê gặp thất bại.

- Bảo vệ hình ảnh quốc gia: Càng nhiều quân nhân tử trận, chính phủ càng bị chỉ trích. Ngược lại, lính đánh thuê chết trận không được chính thức công nhận. Một quốc gia tuyên bố rút lui khỏi vùng xung đột vẫn có thể duy trì sự hiện diện thông qua lính đánh thuê.

----------

Các công ty quân sự tư nhân tuyển người như thế nào? Lính đánh thuê phải làm những công việc gì? Họ được trả lương bao nhiêu, nhiều hay ít so với đồng lương quân nhân?

Kỳ tới: Đồng tiền máu của lính đánh thuê

Lính đánh thuê - những bí mật sau nòng súng - Kỳ 3: Từ nghề chiến binh cổ xưa đến thời bị đả kíchLính đánh thuê - những bí mật sau nòng súng - Kỳ 3: Từ nghề chiến binh cổ xưa đến thời bị đả kích

Lính đánh thuê được xem là nghề lâu đời thứ hai trên thế giới chỉ sau mại dâm. Từ thời xa xưa, mặc dù đẫm máu sa trường nhưng lính đánh thuê vẫn là nghề đáng kính trọng. Nghề này bắt đầu bị chỉ trích từ 200 năm nay.

Xem thêm: mth.74021613211603202-tehc-naht-iov-ud-hnad-4-yk-gnus-gnon-uas-tam-ib-gnuhn-euht-hnad-hnil/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Lính đánh thuê - những bí mật sau nòng súng - Kỳ 4: Đánh đu với thần chết”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools